Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
ịch dã, việc buôn bán thú rừng từ bên nước ngoài về có giảm nhiều lắm rồi. Nhưng, có cửa đi tốt. Không tin thì đi theo tớ" - một người trong cuộc tiết lộ. Rồi anh ta đưa nhóm chúng tôi đến gặp một "nữ trại chủ" tên Minh (đã đổi tên) ở huyện Đắc G'lei, tỉnh Kon Tum.
Chị này là cán bộ huyện, ăn nói lịch lãm, quan hệ rộng, mở cả một nhà hàng to, trang trí đậm chất Tây Nguyên.
"Rừng ở đây vẫn còn nhiều thú, họ bắn được sơn dương, khiêng ra bán. Con hoẵng họ cũng bán nhiều, song dân Bắc bọn em hỏi mua, chứ người trong này không bao giờ người ta ăn. Họ quan niệm là ăn cái con đó bị đen đủi. Đủ ba ba hoang dã, rùa sống trên núi đá, đủ cầy hương, cầy hoa quả, lợn rừng, nai…", chị Minh nói.
Nhà bếp quẳng một lũ cầy vừa bị giết, đuôi dài thượt, răng nhe, mắt trợn, lông lá còn bời bời ra giữa nhà. Rùa, ba ba núi chạy thung thăng, cậu đầu bếp đi bắt ba ba sổng trong gầm tủ đông, bị nó cắn kêu oai oái.
Tôi hỏi: Dịch dã thế này, các chị lấy đâu ra lắm hàng thế?
Bà chủ thầm thì: "Động vật rừng vẫn đi được, dù có giảm nhiều và khó khăn hơn. Chị còn gọi cho các chú ấy (cán bộ địa phương - PV), là hàng của chị đó, cho chúng nó đi qua. Tức là hàng mà khai bán cho bà chị này rồi, thì cán bộ đừng có bắt".
Thấy chúng tôi ngơ ngác và tỏ vẻ khâm phục, chị Minh được dịp tiết lộ bí quyết nghề nghiệp: "Hàng Lào này, nhưng không phải là "Lào cửa khẩu" (không đi chính ngạch). Trước đây, bà con đi thăm thân rồi lợi dụng mang hàng về khá nhiều".
Xin nhấn mạnh, các tư liệu ở trên và cả những thổ lộ sau đây đều được ghi hình bí mật.
Những câu chuyện của dân buôn như chị Minh rất cần các cơ quan chức năng vào cuộc kiểm tra, làm rõ. Trong câu chuyện của chị ta, sự thật thuyết phục nhất vẫn là chị kể về hàng gì là thò hàng đó ra ngay. Nhà chị, trong tủ đông có cả lũ cầy hương, rùa, ba ba hoang dã bán cho thực khách.
Đối tượng tên Thuần (đã đổi tên), chủ một nhà hàng nhiều năm ở phố Hai Bà Trưng, Thị trấn Plei Kần, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum, chỉ cần mật khẩu của người quen một cái là "ô kê con gà đen". Bởi quán của Thuần toàn phục vụ khách có của ăn của để.
Chúng tôi chưa vượt đèo vào ngã ba Đông Dương, Thuần đã láu lỉnh gửi hình ảnh đủ loại hàng. Tê tê đông lạnh cả con, ăn rất ngon mà lại rẻ hơn con đang sống rất nhiều. Thuần bảo ngại buôn con sống, vì bị bắt tội nặng lắm.
Chúng tôi, khi vào vai, luôn cố gắng không đặt hàng, để tránh việc bảo vệ ĐVHD của mình lại thành lý do để nhiều người tiến hành giết chết thú hoang vô tội. Chưa kịp "định thần", thì rắn khổng lồ hổ mang chúa, rắn ráo trâu. Tiếp đến là rùa sống trên núi đá, ba ba hoang dã to đùng. Gà rừng thì đẹp rực rỡ cả bầy, tai con nào con đó có vệt trắng như vôi, tròn như đồng xu (đây thường được xem là "tín chỉ" nhận diện gà rừng).
Khi gặp, Thuần vừa giết một lũ thú hoang, ngọn lửa ga khò thịt xanh lét, vừa kể:
"Qua đường biên giới, bên phía bạn, cả hai quốc gia, rừng còn nhiều lắm. Thợ săn Việt Nam hay sang đó săn bắn. Đôi lúc cũng bị ngăn cản, phải "làm luật". Lúc về, có thú rừng đem bán, hoặc mua thêm thú rừng đã chết của thợ săn bên phía họ. Rồi đi về, "làm luật" với "những ai đó" (chúng tôi không tiện nói ra trong bài viết này vì thông tin cần kiểm chứng thêm - PV). Làm luật, có khi là tiền mặt, có khi là chia nhau số thú rừng trong hành lý, theo tỷ lệ đã quy định sẵn. Ví dụ, mình mang con nai thì để lại một đùi".
Các chi tiết này, có vẻ rất đời thường và lại trùng với nhiều tiết lộ của những người trong cuộc khác. Cũng trùng với một số bản báo cáo điều tra có uy tín mà chúng tôi tiếp cận: một số cán bộ đôi lúc đã hưởng lợi từ việc chia "phần trăm" thịt thú rừng.
Tại sao các "nhân vật đặc biệt" mà chúng tôi công phu tiếp cận được, đều tiết lộ giống nhau và hàng của họ đều la liệt xác thú rừng giữa mùa dịch? Phải chăng, vẫn có "cửa" hoặc vẫn có kẽ hở đường tiểu ngạch để hoang thú vượt biên? Đây quả là một câu chuyện dài.
Song, dù thế nào, các tài liệu thuyết phục nhất, vẫn khiến người ta có quyền đặt vấn đề về điều đó. Ở huyện Ea H'leo, tỉnh Đắk Lắk, vào vai đại gia đi mua cây cảnh đại thụ, chúng tôi làm quen với một ông trùm buôn gỗ tên là Ng., rồi tỏ ra tình cờ muốn mua vài con nai, hoẵng, lợn rừng về Hà Nội làm quà.
Theo các tổ chức quốc tế, thú móng guốc bị tận diệt trên diện rộng ở khu vực này và ở khu vực giáp ranh bên nước bạn Campuchia. Từ Ea H'leo sang bên kia biên giới, phía bạn có nhiều các khu bảo tồn màu mỡ, có tên trên bản đồ và cũng có thể nhìn thấy rõ độ bao phủ của rừng từ google map/ bản đồ vệ tinh. Thế nên nai, hoẵng, cheo cheo, đến cả lợn rừng bên "thị trường chợ đen" phía bạn rất nhiều, dễ mua.
Tại nhà Ng., một trùm buôn thú rừng được "triệu tập đến hầu chuyện các quan anh". C cho xem đủ loại hàng rừng, thậm chí từ bên đường biên gửi ảnh về cho khách chọn và 40 phút sau là con vật đang sống, dính bẫy giãy giụa đã được đem đến tận nơi.
"Hàng này vẫn đang ở đường biên (?)", C nói. Tôi bảo, làm sao cõng con thú lớn thế này qua đường biên được, đang dịch dã hành hoành, lộ chết.
"Ối trời, con này 20kg, chúng nó chở được 5 con một lúc", Ng., "bắn hình ảnh" qua mạng xã hội cho tôi. Tất nhiên, xem hình, thấy C cõng hàng đến, song tôi vẫn chẳng tin anh ta có thể đưa thú rừng vượt biên trong giai đoạn nóng bỏng của dịch dã được.
Để mục sở thị các tuyến đường xuyên quốc gia vận chuyển thú rừng hoang dã phục vụ buôn bán và giết mổ, chúng tôi đã tìm đến khu vực huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai, trong vai dân chơi đi mua đồ nhậu. Vừa đến đầu thị trấn, một nhà báo nhiều năm kinh nghiệm ở Tây Nguyên đã giới thiệu tiếp xúc với một nữ chủ hàng thú rừng tên V. Cô này tuổi ngoài ba mươi, gốc từ Hải Dương vào lén lút kinh doanh động vật hoang dã.
V có vẻ rất tự tin vào sự "không việc gì" của mình, dù đôi khi cũng thở dài "em sợ các bác công an kinh tế" lắm.
"Hàng này từ rừng Việt Nam hay bên kia biên giới?", tôi hỏi.
"Heo rừng, hoẵng (mang) nhà em cung cấp, đều là hàng từ Campuchia về (?). Chúng không có bụng (ruột), chân, đầu, vì thợ săn họ có tín ngưỡng cắt những cái đó ra cúng rừng trước khi khiêng con thú về. Rùa nhà em là rùa núi, rùa đá hết, em nhốt từ khi thợ săn mang về, cho chúng ăn chuối, ăn rau. Chứ bảo em nuôi thì có mà 20 năm các cụ chả lớn tí nào".
Hỏi tiếp: "Ship đồ rừng đi khắp cả nước, họ có cấm, chặn hay bắt bao giờ không?".
"Em vận chuyển cả sơn dương, tảng đùi có cả lông đi máy bay. Cả rùa chế biến rồi, để nguyên cả mai, đem đi tốt. Có ai nói gì đâu. Mà ai hỏi, em cứ bảo mang làm quà, có sao? Riêng cầy hương là em gửi máy bay nhiều nhất".
"Dịch Covid-19 hành hoành, biên giới kiểm soát chặt thế, hàng Campuchia về sao nổi?", tôi giả vờ thơ ngây hỏi V.
"Phải có cách. Hai nữa, họ bỏ trong những xe nông sản mà đi qua thôi".
Những gì V nói trùng với các "thừa nhận" và các quan sát mà chúng tôi có được chỉ vài chục phút sau đó ở cửa khẩu.
Một cán bộ địa phương còn dẫn chúng tôi đi "chứng kiến", có người "mua hộ" hàng từ Campuchia về. Anh ta bảo, mua dễ và dịch dã nên họ mang "hàng rừng" bằng xe máy đến sát biên, giao hàng tại đó.
Còn đường chính ngạch, xe vỏ điều, xe sắn (củ mỳ) vẫn làm thủ tục, tuân thủ phòng chống dịch và đi lại giữa hai quốc gia ngon lành. Chỉ "hàng con" là bị cấm theo luật. Nhưng, họ vẫn cứ bịt mặt, giao hàng cũng không giao tiếp nhiều, mà chỉ "đưa"/ "nhận"/ "trả tiền" ở giáp biên. Rồi ai về nhà nấy. Đây là tiết lộ của một cán bộ "người trong cuộc".
Hàng vào đến nội địa, một số chủ buôn ở cách cửa khẩu vài trăm mét bắt đầu gom hàng, tập kết, bảo quản, trước khi phân phối bí mật đi nhiều nơi.
Tại một hiệu tạp hóa ở ngã ba đường nhựa đầu tiên tính từ cửa khẩu Lệ Thanh vào nội địa, chúng tôi làm quen với bà Giang và một nam giới trẻ khác cùng nhà tên là Thọ. Vừa rửa xe máy và xếp đồ; vừa tiết chế nói chút đỉnh về các loại hàng mình đang có, cả hai trò chuyện với chúng tôi để "ném đá dò đường" khá bài bản trước khi vào tủ đông lấy ra la liệt "hàng rừng".
Khi có vẻ tin tưởng, anh ta vào nhà bưng ra cả con lợn rừng, với các túm lông 3 chiếc chung một gốc đặc trưng "nhận diện". Đã mổ và cắt đầu, cắt chân. Bụp! Một con hoẵng khác đã đóng đá cứng quèo được vác từ trong nhà ra. Trong bóng tối dài hun hút dọc đường xuyên nhà Thọ hình như có một dãy tủ đông to lắm. Bởi khách hỏi còn con gì không, Thọ lại lặng lẽ đi vào và vác ra toàn hàng nguyên con.
Tôi hỏi: "Mang ra Hà Nội, họ kiểm tra bắt giữ thì sao, toàn hàng cấm". Bà Giang sành sỏi: "Ôi trời, khò hết lông đi, thui vàng đi, con nai con hoẵng của mình mà bị tóm. Họ hỏi, cứ bảo ta chở con dê, ai dám làm gì được".
Lại hỏi: "Dịch thế này, lên cửa khẩu tí, mà biên phòng, cán bộ khu kinh tế đều bịt mặt kín khi trò chuyện với chúng tôi nè, em mang lợn rừng với nai, hoẵng về kiểu gì?", Thọ cười khà khà: "Dịch thì dịch, hàng của em vẫn đi tốt".
Kính mời độc giả đón đọc "Bài cuối: Nhà báo điều tra và cái ngoái đầu lại của lương tri" đăng trên Báo Điện tử Dân Việt sáng 5/9/2021.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.