Trong khi tất cả đều đổ dồn chú ý, bày tỏ sự lo lắng và phỏng đoán về khả năng Tổng thống Vladimir Putin có thể sớm ra lệnh tấn công Ukraine trong tháng này thì một người đàn ông đã im lặng: Đó chính là Putin.
Vào tháng 11 và tháng 12 năm ngoái, Putin đã nhiều lần lên tiếng về Ukraine, ghép nối việc xây dựng quân sự đáng ngại của Nga với những lời lẽ đe dọa. Trong một cuộc họp báo cuối năm vào ngày 23/12, Putin cảnh báo rằng Nga cần "đảm bảo" rằng Ukraine sẽ không bao giờ gia nhập liên minh NATO "ngay lập tức, ngay bây giờ."
Cuộc họp báo đó, cách đây hơn một tháng, là lần cuối cùng Putin nói công khai về cuộc khủng hoảng hiện tại đối với Ukraine hoặc về yêu cầu của Nga yêu cầu NATO rút lại sự hiện diện của mình ở Đông Âu. Ông vẫn giữ im lặng về điều đó ngay cả khi các nhà ngoại giao Nga và Mỹ tranh cãi ở Geneva, Ukraine nhận được các chuyến giao vũ khí của phương Tây và Tổng thống Joe Biden dự đoán Putin sẽ tiến hành một cuộc xâm lược.
Tuy nhiên, không phải là Putin đang né tránh, ông vẫn xuất hiện trong các sự kiện quan trọng và phát biểu về nhiều vấn đề nóng, nhưng tuyệt nhiên giữ im lặng về vấn đề Ukraine.
Ngày 26/1, Putin đã tổ chức một cuộc họp video kéo dài 2 tiếng rưỡi với các giám đốc điều hành người Ý về hoạt động kinh doanh ở Nga. Trong bài phát biểu khai mạc trên truyền hình của mình, Putin đã thảo luận về việc Moscow ứng cử đăng cai Hội chợ Thế giới Expo 2030 và nói rất lâu về các cơ hội đầu tư vào năng lượng xanh. Ông không nói gì về những lo ngại chiến tranh và các mối đe dọa trừng phạt khiến nền kinh tế Nga bị ảnh hưởng thế nào.
Tatiana Stanovaya, một học giả của Trung tâm Carnegie Moscow cho biết: "Sự im lặng đáng ngạc nhiên của ông Putin giữa màn kịch Ukraina một phần nhằm khiến phương Tây phải vắt óc đoán già đoán non về ý định của Nga".
Sự im lặng của Putin trái ngược với những đồn đoán không ngừng ở Washington, nơi Tổng thống Biden đã được hỏi nhiều lần và trả lời nhiều lần về khả năng Nga xâm lược Ukraine.
Điều này cũng nhấn mạnh kỷ luật của Điện Kremlin trong việc kiểm soát thông điệp của mình, với các quan chức khẳng định rằng họ sẽ không đưa ra bất kỳ quyết định nào cho đến khi Mỹ gửi văn bản trả lời yêu cầu của Nga về việc ngăn chặn sự mở rộng của NATO. Phản hồi đó đã được đưa ra vào tối 26/1 tại Moscow, nhưng Điện Kremlin đã không vội đưa ra bình luận ngay lập tức.
"Đầu tiên chúng ta hãy nhận phản hồi" Dmitri Peskov, người phát ngôn của Điện Kremlin cho biết khi được hỏi về lập trường của Nga.
Ở hậu trường, theo lời kể của Điện Kremlin, Putin đã rất bận rộn. Trong hai tuần qua, Putin đã nói chuyện qua điện thoại với các nhà lãnh đạo của Armenia, Azerbaijan, Cuba, Phần Lan, Israel, Kazakhstan, Nicaragua, Pakistan, Uzbekistan và Venezuela. Ông đã tiếp đón tổng thống Iran, Ebrahim Raisi, tại Điện Kremlin.
Nhưng ngay lúc này, có vẻ như sự im lặng đối với Ukraine là tín hiệu, The Japan Times nhận định.
Stanovaya, người đã nghiên cứu Putin trong nhiều năm, cho biết cô đã thấy ba cách giải thích cho sự im lặng của tổng thống. Sau khi đưa ra lập trường cứng rắn của mình yêu cầu nhượng bộ ngay lập tức từ phương Tây vào cuối năm ngoái, Putin có thể thấy không có ích gì khi lặp lại chính mình và đang để những bước thảo luận qua lại cho các nhà ngoại giao của Nga.
Hoặc cũng có thể là Putin nhìn thấy tia hy vọng về một thỏa thuận khả thi và muốn tránh nói bất cứ điều gì về nó vào lúc này. Hoặc ông có thể đã quyết định về một hành động quân sự và đang chuẩn bị thực hiện điều đó trong khi chờ phản hồi chính thức.
Cuối cùng, Stanovaya dự đoán về Tổng thống Putin rằng: "Chúng tôi sẽ vẫn nhận được phản hồi từ ông ấy".