Putin có 'vũ khí' lợi hại khiến châu Âu run sợ nhưng sẽ không dám sử dụng nó?
Putin có 'vũ khí' lợi hại khiến châu Âu run sợ nhưng sẽ không dám sử dụng nó?
Minh Nhật (theo New York Times)
Thứ năm, ngày 27/01/2022 19:30 PM (GMT+7)
Điều gì xảy ra nếu Nga cắt nguồn khí đốt tự nhiên cung cấp cho châu Âu khi căng thẳng về Ukraine leo thang đến đỉnh điểm? Liệu ông Putin có sử dụng "vũ khí" khí đốt của mình để ép châu Âu phải nhượng bộ?
Theo New York Times, châu Âu là một khách hàng lớn về Nga về khí đốt tự nhiên. Khí đốt từ Mỹ và các nơi khác chỉ đủ bù đắp sự thiếu hụt vào mùa đông.
Trong khi Nga tăng cường binh lính và thiết bị quân sự gần biên giới với Ukraine, khiến phương Tây lo ngại nguy cơ Moscow tấn công nước láng giềng, thì sự căng thẳng cũng hiển thị rất rõ trên thị trường khí đốt, với giá khí đốt tự nhiên và dầu mỏ ở châu Âu đã tăng vọt lên mức kỷ lục thời gian gần đây.
Không khó để hiểu tại sao. Khí đốt chạy qua một mạng lưới đường ống từ Nga để làm ấm các ngôi nhà và các nhà máy điện trên phần lớn châu Âu. Thực tế, Nga là nhà cung cấp chính khí đốt tự nhiên cho châu Âu. Khi căng thẳng với Nga leo thang, khí đốt ở châu Âu được giao dịch ở mức giá gấp khoảng 5 lần so với giá của một năm trước. Hiện giá khí đốt ở châu Âu cao gấp 7 lần ở Mỹ, theo New York Times. Nga bị cáo buộc thao túng giá cả, gây áp lực với châu Âu nhằm tìm kiếm một số nhượng bộ chính trị.
Giá khí đốt tăng vọt cũng đẩy giá điện cũng như hàng tiêu dùng cũng lên cao.
Những điều này khiến nhiều nhà phân tích cho rằng, Tổng thống Putin có thể vũ khí hóa khí đốt khi căng thẳng giữa Nga với phương Tây về Ukraine leo thang đỉnh điểm để ép các bên khác phải nhượng bộ Moscow.
Câu hỏi đặt ra là, điều gì sẽ xảy ra nếu Nga cắt nguồn cung cấp khí và dầu mỏ vào giữa mùa đông giá rét của châu Âu? Liệu sự phụ thuộc của châu Âu vào khí đốt Nga có biến Điện Kremlin thành chủ nhân cuộc chơi?
Nga hiện cung cấp khoảng 1/3 lượng khí đốt tự nhiên cho châu Âu, trong đó, phần lớn khí đốt Nga xuất khẩu sang châu Âu chảy qua các đường ống ở Ukraine. Nếu xung đột nổ ra giữa Nga và Ukraine, các nhà phân tích nhận định, những đường ống này có thể ngừng chảy.
Các nhà phân tích cũng cho rằng, Tổng thống Putin cũng có thể cắt toàn bộ hoặc một phần lớn khí đốt chảy qua các đường ống ở Ukraine tới châu Âu để đáp trả các lệnh trừng phạt kinh tế tiềm năng mà Mỹ và phương Tây đe dọa áp đặt đối với Nga lẫn cá nhân ông Putin.
"Nếu chúng ta cố loại họ khỏi thị trường vốn, thì họ sẽ giáng đòn trừng phạt vào thứ khiến chúng ta đau đớn, đó chính là năng lượng", ông Helima Croft, một lãnh đạo của RBC Capital Markets, một ngân hàng tư vấn bình luận.
Mặc dù có nhiều người lo ngại, Nga sẽ cắt toàn bộ hoặc một phần khí đốt xuất khẩu cho châu Âu nếu căng thẳng leo thang, xung đột bùng nổ, song theo New York Times, ông Putin sẽ phải tính toán rất kỹ nếu thực hiện các bước đi quyết định như vậy đối với những khách hàng quan trọng nhất của ông. Bởi nếu Nga hành động vậy, họ cũng sẽ mất đi nguồn doanh thu chính.
Đối với Nga, nguồn thu từ xuất khẩu khí đốt và dầu mỏ chiếm khoảng từ 1/3 đến một nửa nguồn thu thuế của nước này. Sự lệ thuộc vào xuất khẩu khí đốt và các nguồn nhiên liệu khác rõ ràng cũng khiến Nga dễ bị tổn thương.
Châu Âu trong nhiều năm qua cũng đã đưa ra chính sách năng lượng linh hoạt, tìm cách giảm bớt lệ thuộc vào nguồn khí đốt của Nga bằng cách giảm số hợp đồng dài hạn với Nga và tìm kiếm thêm các nguồn cung cấp từ Trung Đông lẫn Mỹ.
Vì thế, các nhà phân tích cho rằng, khí đốt có thể là một công cụ ngoại giao hiệu quả, nhưng cũng là một "con dao hai lưỡi" có thể gây thiệt hại cho chính nước Nga nếu bị lạm dụng quá mức.
David Goldwyn, cựu Đặc phái viên phụ trách các vấn đề quốc tế trong chính quyền Obama cho biết: “Trong khi châu Âu phụ thuộc rất lớn vào khí đốt tự nhiên của Nga, thì Nga cũng phụ thuộc rất lớn vào thị trường châu Âu và có thể không dễ để thay đổi mối quan hệ đó".
Dĩ nhiên, Nga có thể quay sang Trung Quốc để tìm kiếm khách hàng mới, nhưng giới chuyên gia lưu ý cho dù Bắc Kinh có tăng gấp đôi nhu cầu, tức khoảng 76 tỷ m3 khí đốt mỗi năm thì cũng chỉ bằng 1/3 sức mua của châu Âu, mỗi năm cần đến hơn 200 tỷ m3.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.