Khi đến thăm mô hình nuôi tôm càng xanh, cá linh non trên ruộng lúa do Phòng Kinh tế TP.Hồng Ngự (Đồng Tháp) triển khai với sự tham gia của nhiều nông dân trẻ, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan vô cùng tâm đắc.
Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, những mô hình như thế này rất cần được nhân rộng để phát triển nền nông nghiệp sinh thái, hình thành một thế hệ nông dân mới sản xuất thuận thiên, bền vững.
Được triển khai từ tháng 6/2021, mô hình nuôi cá linh non, tôm càng xanh kết hợp trồng lúa mùa nổi do Phòng Kinh tế TP.Hồng Ngự triển khai tại phường An Bình đã mang lại hiệu quả rất rõ rệt.
Anh Bùi Trí Nhân, người tham gia xây dựng mô hình với diện tích khoảng 11ha cho biết, khi được biết TP.Hồng Ngự triển khai các mô hình sinh kế mùa nước nổi, anh mạnh dạn tham gia vì nhận thấy diện tích đất ruộng nhà mình khá phù hợp và cũng muốn chuyển hướng làm ăn mới.
Để tham gia mô hình, sau khi thu hoạch xong lúa đông xuân 2021, Nhân cải tạo đất, làm bờ bao rồi mua cá linh non bột về thả ở ruộng. Chỉ sau 30 ngày thả nuôi, Nhân đã thu được 2,2 tấn cá, lợi nhuận gần 300 triệu đồng.
Ngoài cá linh non, Nhân còn nuôi tôm càng xanh trong ruộng lúa nên lợi nhuận ngay năm đầu tiên triển khai mô hình lên đến cả tỷ đồng.
Từ hiệu quả mô hình do Phòng Kinh tế TP.Hồng Ngự triển khai, sang năm 2022, Nhân tiếp tục triển khai mô hình sản xuất kết hợp theo thuận thiên.
Chia sẻ với phóng viên, đại diện Phòng Kinh tế TP.Hồng Ngự cho biết, triển vọng nhân rộng mô hình sản xuất theo hướng thuận thiên, thích ứng với biến đổi khí hậu là rất lớn.
Hiện, TP.Hồng Ngự có 8.500ha sản xuất lúa thì có khoảng 5.000ha có thể triển khai mô hình nuôi thủy sản trên ruộng lúa.
Theo đại diện Phòng Kinh tế TP.Hồng Ngự, hiện nay, hiệu quả sản xuất 2 vụ lúa không còn cao, năng suất giảm trong khi chi phí đầu vào ngày càng tăng.
Trong khi đó, mùa lũ về bà con bỏ đất trống 5 tháng, cỏ dại mọc nhiều nên chi phí xử lý thuốc bảo vệ thực vật lớn, lại gây ô nhiễm môi trường.
Từ thực tế đó, thành phố có định hướng khai thác lợi thế mùa nước nổi với mô hình trồng lúa mùa kết hợp nuôi thủy sản.
Theo Phòng Kinh tế TP.Hồng Ngự, hiệu quả lớn nhất của mô hình là tạo ra sản phẩm sạch từ tự nhiên bởi nước lũ về mang theo phù sa, lúa lấy dinh dưỡng từ phù sa để lớn lên và làm đòng, chắc hạt, không cần phải sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật nên chất lượng rất tốt.
Ngoài lúa, mùa lũ còn mang theo nhiều loại thủy sản, giúp nông dân nâng cao thu nhập.
Nếu chỉ trồng 2 vụ lúa đơn thuần, lợi nhuận thu được chỉ khoảng 25 triệu đồng/ha nhưng nếu áp dụng mô hình trồng lúa kết hợp nuôi trồng thủy sản, lợi nhuận có thể tăng gầp 4 - 5 lần.
Từ thành công của mô hình, mùa nước nổi năm tới TP.Hồng Ngự sẽ mở rộng mô hình này để bà con vùng lũ tận dụng mặt nước ruộng để nuôi cá linh hay các loại các nước ngọt khác.
Điều đáng mừng là ngày càng có nhiều bạn trẻ ấn tượng với mô hình và quyết định tham gia để có thể khai thác hiệu quả tiềm năng của vùng đất này trên tinh thần thuận thiên và bền vững.