Anh Tuấn rủ bạn đi bắt lợn rừng về thịt đụng ăn Tết.
Anh Tuấn chia sẻ: "Năm nào nhóm bạn thân cùng làng với tôi cũng đụng chung thịt lợn để ăn Tết. Có năm đụng cả trâu và bò.
Theo anh Tuấn, những con lợn được chăn thả tự nhiên, ăn nhiều cỏ nên thịt chắc và ngọt, được anh đặt hàng tại Hòa Bình từ sớm.
Năm nay nhóm bạn thân của anh Tuấn gồm 5 người, đụng chung con lợn mán nặng 30kg hơi với giá 4 triệu đồng.
Con lợn mán này được nhóm bạn anh Tuấn đặt mua từ Hòa Bình khoảng 2 tuần trước, sau đó gửi nhờ gia đình chuyên nuôi lợn ở làng để chăm hộ. Chờ tới ngày giáp Tết mới đưa ra mổ đụng.
"Khác với lợn thường, lợn mán chăn thả tự nhiên vùng núi sẽ cho chất lượng thịt rắn chắc, thơm ngon và có hương vị đậm đà hơn lợn thường. Hơn nữa, lợn mán có lớp da màu đen bóng, cứng và nhọn như lông nhím.
Nếu người dân hàng ngày đều có thể mua thịt lợn ăn thì lợn mán là đặc sản được nhiều người ưa chuộng ăn vào dịp Tết. Bởi lẽ từ thịt lợn mán có thể chế biến ra rất nhiều món ăn ngon, hấp dẫn", anh Tuấn nói.
Cũng theo anh Tuấn, đụng chung lợn mổ thịt vừa rẻ hơn khi mua thịt ở ngoài chợ mà chất lượng thịt lại đảm bảo. Hơn nữa, không khí đụng thịt chung cũng khiến tình làng nghĩa xóm, gia đình, anh em bạn bè thêm khăng khít và vui vẻ hơn.
"Từ ngày xưa ông bà, bố mẹ tôi cứ Tết đến là cùng nhau đụng lợn chung nên khi lớn lên tôi cũng duy trì nét đẹp này. Nó như thói quen, hoạt động không thể thiếu trong mỗi dịp Tết", anh Tuấn vui vẻ chia sẻ.