Đêm 30, rạng sáng ngày 31/1, từng đợt mưa kèm gió lớn mang theo hơi lạnh buốt, thấu da thịt cứ thế thốc thẳng vào những túp lều dựng tạm trong khuôn viên Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội. Tại đây, có những người đang trú ngụ, co ro trong chiếc chăn mỏng, bên dưới là manh chiếu nhỏ. Họ gối đầu lên túi quần áo tìm kiếm giấc ngủ chập chờn của cái lạnh 10 độ C trong ngày cuối cùng của năm cũ trước khi đón chờ thời khắc Giao thừa.
Phủ kín chiếc chiếu mỏng nằm ngủ nhưng chị Nguyễn Thanh Loan (50 tuổi, trú tại thị xã Sơn Tây, Hà Nội) có chồng đang điều trị tại Khoa hồi sức cấp cứu Bệnh viện Bạch Mai không thể nào chợp mắt. Cứ trở mình từng cơn gió lạnh lại luồn qua tấm chăn mỏng chị Loan đang đắp trên người. Thấy chúng tôi gọi chị trở mình bật dậy.
Chia sẻ với PV Dân Việt, chị Loan kể, chồng chị sau một cơn sốt cao, hôn mê bất tỉnh đã được chuyển lên thẳng Bệnh viện Bạch Mai cách đây 10 ngày. Cũng từng ấy thời gian chị Loan vật vờ trong giá rét gió lạnh ở ngoài hành lang chờ đợi mong ngóng tin tức từ các y, bác sĩ.
"Do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nơi chồng tôi nằm đều là bệnh nhân nặng, nguy kịch nên người thân không được vào chăm sóc. Như vậy cũng để đảm bảo an toàn cho người bệnh bởi mình ở ngoài xã hội va chạm bao nhiêu người nhỡ không may mang dịch bệnh lây lan sẽ rất khổ", chị Loan cho hay.
Xót xa cảnh "màn trời chiếu đất" lạnh thấu xương của người nhà bệnh nhân đón Tết ở bệnh viện. Clip: Gia Khiêm
Để đồng hành cùng với chồng, chị Loan quyết định không thuê trọ bên ngoài ở nhà chọn khuôn viên bệnh viện ở. Chị bảo, đã vào viện thì người bệnh cũng như gia đình đều rất khổ sở, không ai mong muốn. Bệnh viện không giữ chân nhưng chị không lòng nào yên tâm thuê nhà bên ngoài để ở.
"Nhiều ngày qua, hầu như không đêm nào ngủ trọn giấc. Tôi cứ lơ mơ ngủ được ít phút lại tỉnh giấc, co rúm người bởi lạnh. Tôi ở tạm đây để bác sĩ cần gọi mình có mặt ngay. Hôm nay có lẽ là đêm mưa rét nhất kể từ khi chồng tôi nằm viện", chị Loan chia sẻ.
Tiếp lời chị Loan, chị Lê Thị Hoa (xin đổi tên, trú tại Hà Nội) có con gái bị ung thư cho biết, đã ở Bệnh viện Bạch Mai đến nay đã gần 1 tháng.
Trong câu chuyện với chúng tôi, chị Hoa cho biết, con gái đang là sinh viên một trường cao đẳng trên địa bàn Hà Nội. Con chị đang khoẻ mạnh bình thường sau một cơn đau đầu, mệt mỏi đi khám các bác sĩ chẩn đoán bị ung thư máu. Nghe tin con mắc bạo bệnh, gia đình chị Hoa như suy sụp cố gắng lo chạy chữa cho con.
"Sau khi ở Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương chuyển lên, từ hôm tới giờ mẹ con tôi không được ở gần nhau. Mấy ngày qua lúc tỉnh dậy không thấy mẹ bên cạnh con bật khóc gọi tên mẹ rồi sau thiếp đi. Lòng người mẹ như tôi quặn thắt lại. Tôi quyết định không thuê trọ một phần vì tiết kiệm tiền ăn ở sinh hoạt. Quan trọng, tôi ở dưới này đồng hành cùng con để con biết mẹ vẫn ở đây, vẫn bên cạnh cùng con vượt qua bệnh tật", chị Hoa xúc động.
Cách đây 2 ngày, thấy chị Hoa nằm co ro quấn tấm chiếu mỏng ngủ trong giá lạnh, một người nhà bệnh nhân được ra viện đã tặng lại để chị vơi đi cực khổ. Chị bảo vẫn chưa quen nhưng lều cũng che chắn phần nào giá rét lạnh thấu xương cảnh màn trời chiếu đất.
Năm nay chị Loan cùng nhiều người nhà và bệnh nhân sẽ đón Giao thừa tại bệnh viện. Với họ năm nay sẽ không có Tết khi người thân đang từng ngày từng giờ vượt qua bệnh tật.
"Nằm trằn trọc không ngủ được tôi bảo với mấy chị em ở đây không ăn Tết năm nay thì ăn Tết năm sau. Tôi ở lại đây không được đón Tết cùng chồng nhưng ở cùng toà nhà cũng được. Đó là tự mình thấy thế chứ chẳng ai bắt mình. Sau 10 ngày điều trị bác sĩ thông báo chồng tôi từ cõi chết nay đã hồi tỉnh, nhận thức được. Đó cũng là tín hiệu vui với gia đình tôi", chị Loan tâm sự.
Cách đó không xa là túp lều của anh Lưu Văn Hoè (SN 1984, xã Thành Hưng, huyện Thạch Thành, tỉnh Thanh Hoá. Anh Hoè cắm tạm lều ở phần mái che ngoài trời nơi hằng ngày là nơi người nhà bệnh nhân ngồi ngoài chờ đợi.
"Mấy hôm nay lạnh quá tôi không thể nào ngủ được. Nằm trong lều co ro vậy thôi chứ cứ nhắm mắt gió lại thộc thẳng vào lạnh buốt. Ở khổ nhưng không còn cách nào khác. Như vậy vừa tiết kiệm chi phí thêm nữa có việc gì bác sĩ gọi điện thoại mình có mặt kịp thời", anh Hoè cho hay.
Chia sẻ với PV Dân Việt, anh Hoè cho biết, bố anh bị nhiều chứng bệnh như tiểu đường, nhiễm trùng máu, viêm não… đã được chuyển lên Bệnh viện Bạch Mai 1 tháng nay. Cũng từng đó thời gian anh sống cảnh màn trời chiếu đất nơi bệnh viện.
"Ở trong môi trường này khó khăn trăm bề khi lạnh, bất tiện, không có nhà vệ sinh, tắm rửa. Nhiều hôm mưa to nước chạy vào chiếu không ngủ được lại vội chạy lên hành lang bệnh viện. Nhà tôi không có điều kiện, tiền chạy chữa cho bố cũng tốn kém nên thôi mình còn trẻ khoẻ cố gắng ở ngoài đây. Lúc nào cần tắm rửa đi ra ngoài tắm thuê với giá 30.000 đồng", anh Hoè chia sẻ.
Đang làm nấu ăn thuê cho công ty nhưng kể từ khi bố mắc bệnh, anh Hoè ra bệnh viện chăm. Năm nay, anh Hoè xác định không có Tết. Mưa rét anh nằm im trong chăn, hôm nào đỡ lạnh anh đi bộ loanh quanh bệnh viện để "giết thời gian".
Anh bảo: "Giờ tôi không có mong ước gì cao sang chỉ mong bố tôi sớm khỏi bệnh về đoàn tụ cùng con cháu".
Cạnh đó, túp lều của vợ chồng anh Nguyễn Trí Nghĩa (33 tuổi, ở Khoái Châu, Hưng Yên) cũng phủ hạt mưa lạnh. Mẹ anh Nghĩa bị viêm tuỵ cấp hiện đang điều trị tại Khoa hồi sức cấp cứu 10 ngày qua vẫn chưa có tin tức.
"Ở ngoài này xác định là khổ nhưng vì dịch bệnh, bác sĩ hạn chế người vào viện nên chúng tôi rất thông cảm. Thôi thì vì cộng đồng chung, vì bản thân mình và vì người bệnh. Mẹ tôi điều trị ở đây gia đình tôi tin tưởng hết sức vào y bác sĩ. Tôi chỉ mong bác sĩ cố gắng hết sức cứu chữa để bệnh tình của mẹ thuyên giảm. Mẹ tôi ở khu chăm sóc đặc biệt nên vợ chồng tôi ở ngoài này, cần gì bác sĩ liên hệ luôn.
Thuê nhà ngoài ở được nhưng tôi không yên tâm. Thời tiết khắc nghiệt vất vả nhưng ở đây bệnh viện, bảo vệ tạo điều kiện cho dựng lều bạt như vậy tốt rồi. Sáng sớm vợ chồng lại vội dậy để thu dọn lều bạt cất gọn gàng. Năm nay hai vợ chồng tôi sẽ ở đây xuyên Tết lo cho mẹ. Tôi mong mẹ chóng khỏi bệnh về đoàn tụ với gia đình", anh Nghĩa bày tỏ.