Năm 2021 không phải là năm đầu tiên đại dịch Covid diễn ra nhưng đây cũng là năm đã để lại thiệt hại cực kỳ nặng nề cho nhiều ngành nghề, lĩnh vực cũng như thiệt hại về người.
Với ngành du lịch năm 2021 được coi là năm "Chạm đáy", "đóng băng" ngay từ đầu năm khi mà các sự kiện, lễ hội bắn pháo hoa, các địa điểm di tích, thắng cảnh đã không được phép tổ chức, hay như ngày trước nghỉ lễ 30/4-1/5, các tỉnh, thành phố đồng loạt dừng các lễ hội du lịch chào đón hè đã làm giảm đi số lượng lớn du khách.
Tuy nhiên, ngay sau đó, đợt dịch thứ ba được kiểm soát, du lịch phần nào vớt vát trong bốn ngày nghỉ lễ 30/4 và 1/5, nhiều địa phương đón hàng chục, hàng trăm nghìn lượt khách. Trong đó Đà Lạt ước đón 145.500 lượt; TP Sầm Sơn (Thanh Hóa) đón khoảng 215.000 du khách; TP Nha Trang đón khoảng 125.000 lượt; TP Phú Quốc (Kiên Giang) đón 91.000 lượt khách trong kỳ nghỉ; Đà Nẵng ước đạt 74.600 lượt; TP Vũng Tàu có 70.000 du khách...
Thế nhưng những con số này cũng không thể duy trì cho những tháng hè. Bởi ngay sau đó, đợt dịch lần 4 đã bùng phát dữ dội, khiến cho ngành du lịch hoàn toàn bị tê liệt. 23 tỉnh, thành đã thực hiện giãn cách xã hội, mùa du lịch hoàn toàn "đóng băng".
Theo số liệu từ Tổng cục Du lịch, tháng 4, số lượng khách nội địa là 9 triệu lượt. Giảm dần từ tháng 5 còn 3,5 triệu lượt; tháng 6 là 1,5 triệu lượt. Tổng số khách du lịch nội địa là 40.000/người; Khách có nghỉ qua đêm tại cơ sở lưu trú 19.000 nghìn lượt người và Tổng thu từ khách du lịch nội địa 180.000 tỷ đồng.
Nhìn vào số lượng của từng tháng trong năm 2021, những người làm du lịch không khỏi xót xa bởi con số cứ thấp dần, thậm chí tháng 8,9 số lượng khách nghỉ đêm tại cơ sở lưu trú bằng zero.
9 tháng đầu năm 2021, lượng khách nội địa giảm 16% so với cùng kỳ 2020 và giảm 52% so 2019. Tổng doanh thu từ du lịch 9 tháng đạt gần 137.000 tỷ đồng, giảm 41% so với cùng kỳ 2020.
Đến tháng 10, hơn 30% doanh nghiệp xin thu hồi giấy phép kinh doanh lữ hành. Lĩnh vực kinh doanh lưu trú du lịch, chiếm 46% trong cơ cấu doanh thu của ngành du lịch, cũng đóng cửa khoảng 90% và hầu như chỉ đón khách cách ly.
Tại thời điểm này, mọi hoạt động du lịch phải đóng cửa, nhiều doanh nghiệp đã không thể gắng gượng và bị phá sản và một số doanh nghiệp làm thị trường quốc tế đã phải thu hồi giấy phép lữ hành quốc tế để giải phóng khoản tiền ký quỹ ngân hàng...
Chưa kể rất nhiều doanh nghiệp du lịch như vận chuyển, lưu trú, nhà hàng khốn cùng vì phải chịu áp lực từ các khoản lãi, nợ ngân hàng, chi phí duy trì bảo dưỡng phương tiện vận chuyển, tàu thuyền, cơ sở lưu trú, nhà hàng.
Ông Đào Mạnh Lượng – Phó chủ tịch hiệp hội du lịch tỉnh Quảng Ninh, chi hội trưởng chi hội tàu du lịch Hạ Long chia sẻ: "Thiệt hại do dịch Covid-19 trong hai năm qua đối với Chi hội tàu du lịch cực kỳ thiệt hại. Chi hội tàu du lịch Hạ Long là 11 chi hội trực thuộc Hiệp hội du lịch Quảng Ninh, có 240 hội viên, là các chủ tàu, các doanh nghiệp chuyên kinh doanh tham quan, dịch vụ lưu trú trên Vịnh Hạ Long.
Hiện nay chúng tôi đang sở hữu 505 tàu các loại. Lực lượng lao động thường xuyên là 4.000 người và thời gian cao điểm con số lao động lên tới 6.000 người. Sau gần hai năm đại dịch diễn ra, sự tàn khốc của dịch khiến hầu hết các doanh nghiệp đã cạn kiệt sức lực và vốn để chi tiêu nhằm duy trì, chờ đợi dịch được khống chế để phục hồi trở lại.
Việc chi tiêu này, khiến cho nhiều chủ tàu doanh nghiệp đã phải đường cùng tìm đến vay vốn từ tín dụng đen dẫn tới nhiều hệ lụy sau đó.
Hiện nay 505 tàu du lịch Hạ Long đã dừng hoạt động trong một thời gian dài, cùng 3.000 người lao động đã bị mất việc làm, số ít còn lại là trông giữ, bảo dưỡng máy, vận hành tàu. Trong khi phải trả tất cả các chi phí trông coi, bảo dưỡng, chi phí hành chính khác.
Nói thực tế như doanh nghiệp của tôi, một tháng tôi chi ra ít nhất 200 triệu, 6 tháng tiêu hết 1 tỷ. Dừng hoạt động từ tháng 3/2020 đến tháng 11/2021 thì khoảng 4 tỷ đồng phải chi phí duy trì cho 8 tàu du lịch".
Trước tình hình khó khăn của toàn ngành du lịch, ngày 11/10, Chính phủ ban hành Nghị quyết 128 để đưa cả nước sang trạng thái bình thường mới, khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội. Tiếp đến Bộ VHTTDL ban hành hướng dẫn tạm thời thực hiện "bình thường mới" trong hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch. Cụ thể ở cả 4 cấp độ dịch, du lịch đều được phép hoạt động nhưng theo quy mô nhất định. Đặc biệt, khách du lịch không cần phải xét nghiệm nCoV, trừ khi điều tra dịch tễ đến từ vùng cấp độ 3 và 4 hoặc có triệu chứng ho, sốt, đau họng...
Với nghị quyết 128 phần nào đã nới lỏng cho những ai muốn đi du lịch ở vùng xanh và vàng được đến vùng xanh và vàng. Đặc biệt với những người đã được tiêm vaccine thì việc đi lại cũng đã dễ dàng hơn. Đây cũng là thời điểm cuối năm, rất nhiều gia đình, các nhóm du khách trẻ đã đặt vé, khách sạn đi du lịch sau thời gian hơn 3 tháng bó chân tại nhà. Chính vì vậy mà những tháng cuối năm này, chỉ số du lịch nội địa "ấm hơn".
Tuy nhiên mặc dù đó là tín hiệu khởi sắc cho ngành du lịch, thế nhưng những khó khăn, thách thức trước mắt vẫn đang khiến những người làm du lịch đau đầu.
Ông Nguyễn Quốc Kỳ – Chủ tịch tập đoàn Viettravel cho biết: "Du lịch nội địa, hiện nay chúng ta đang có hai thị trường nguồn là Hà Nội Và Thành phố Hồ Chí Minh. Trong thời gian qua, hoạt động phát triển du lịch tại thị trường miền Bắc có phần thuận lợi hơn, bởi các địa phương phía Nam vừa phải chịu những tác động nặng nề từ dịch bệnh. Thời gian tới, chúng tôi mong muốn Tổng Cục du lịch cùng các đơn vị liên quan có thêm những chính để phát triển hai thị trường nguồn này".
Ông Đào Mạnh Lượng thì cho rằng, thách thức của năm 2022 với ngành du lịch là tâm lý khách vẫn còn e ngại đi du lịch. Thứ hai là không có lực lượng lao động do phần lớn lực lượng này đã chuyển nghề. Cộng với việc thiếu vốn đầu tư, trang sửa, sau hai năm xuống cấp, đóng cửa.
Thách thức tiếp đến là do các cơ quan nhà nước đã đưa ra những quy định rất ngặt ngèo bởi sợ trách nhiệm trên địa bàn mình quản lý. Những quy định mà cơ quan quản lý trên địa bàn đó thường đưa ra không đồng bộ, thậm chí mỗi nơi một kiểu gây khó khăn, khiến các chủ tàu rất e ngại.
Một đặc thù đối với các doanh nghiệp tàu du lịch Hạ Long, không như nhà hàng, khách sạn cứ mở cửa ra và khách du lịch có thể đến. Với các chủ tàu muốn đón khách bắt buộc phải được cấp phép, phải có lệnh, bởi các chủ tàu và khách du lịch rất e ngại.
Đồng quan điểm, một chuyên gia du lịch cho rằng, hiện nay dù tỷ lệ tiêm chủng đang đứng top 6 trên thế giới thế nhưng ở một số địa phương vẫn rất e ngại khách du lịch nội địa đến từ vùng cam, đỏ. Ngoài ra dù việc phòng chống dịch tại mỗi địa phương có những quy định khác nhau, chưa đồng bộ, thống nhất, vì vậy gây trở ngại lớn cho việc di chuyển của khách du lịch.
Thách thức tiếp nữa là phần lớn các địa phương chưa truyền thông, cập nhật thông tin về quy định khách du lịch đến địa phương đó phải thực hiện những gì cũng như thông tin về các địa điểm du lịch tại đó, vì vậy mà khách đi du lịch với tâm lý vẫn sợ đi và về bị cách ly, hay sợ rằng địa điểm du lịch, nhà hàng, khách sạn đó chưa mở cửa…
Có thể nói, những khó khăn mà các doanh nghiệp đang gặp phải là những thách thức lớn không chỉ cho họ mà cho toàn ngành du lịch. Nên rất cần sự chung tay, đồng lòng và quyết tâm của toàn xã hội, của các ngành, cấp của người dân để vực dậy ngành công nghiệp không khói này.