Mỹ hiện là nước sở hữu lực lượng máy bay tàng hình lớn nhất thế giới với hàng trăm tiêm kích F-22 và F-35, oanh tạc cơ B-2, trinh sát cơ không người lái RQ-170. Chúng ra đời để đối phó với những hệ thống phòng không hiện đại nhất của Liên Xô trước đây và Nga hiện nay. Tuy nhiên, tất cả công nghệ tàng hình này đều được phát triển từ những nghiên cứu được công khai của nhà khoa học Liên Xô Pyotr Ufimtsev trong thập niên 1960.
Pyotr Yakovlevich Ufimtsev sinh năm 1931 trong gia đình nông dân ở làng Ust-Charysh Pristan thuộc vùng Altai, phía nam Siberia. Năm 1949, ông thi vào khoa toán - lý của Đại học Almaty, nay thuộc Kazakhstan. Do bị cận thị, ông đến chữa trị tại Viện mắt Filatov ở Odessa, Ukraine, vào năm 1952, đồng thời tiếp tục nghiên cứu ở Đại học Odessa.
Năm 1954, sau khi tốt nghiệp đại học, Ufimtsev được chọn vào làm tại Viện Nghiên cứu Kỹ thuật Vô tuyến Trung ương thuộc Bộ Quốc phòng Liên Xô, nơi ông tập trung tìm hiểu về tác chiến điện tử. Trong thời gian làm việc tại đây, Ufimtsev bắt đầu quan tâm đến sự phản xạ của sóng điện từ.
Ufimtsev viết rất nhiều bài báo quan trọng về cách sóng vô tuyến phản xạ từ vật thể hai chiều và ba chiều. Một trong những phát hiện đáng chú ý nhất là hình dạng vật thể quyết định tín hiệu phản xạ sóng vô tuyến, chứ không phải kích thước của nó. Điều này nghĩa là vật thể lớn có thể chỉ xuất hiện như một chấm nhỏ hoặc biến mất hoàn toàn khỏi màn hình radar nếu có hình dáng thích hợp.
Năm 1962, Ufimtsve còn xây dựng mô hình toán học để giải các vấn đề nhiễu xạ tần số cao trong bài viết có tựa đề "Phương pháp Sóng cạnh trong Lý thuyết Vật lý Nhiễu xạ". Phương pháp này rất phù hợp với thiết kế tàng hình vì nó cho phép tính toán mô hình nhiễu xạ của sóng radar từ máy bay, cũng như giúp thiết kế những hình dạng không phản xạ sóng radar trở lại nguồn phát, khiến phi cơ gần như biến mất khỏi màn hình radar.
Điều đáng ngạc nhiên là các công trình nghiên cứu của Ufimstvev không nhận được sự quan tâm của chính phủ Liên Xô, dù thập niên 1960 là giai đoạn cao điểm của Chiến tranh Lạnh.
Chính phủ Liên Xô duy trì nhiều tầng bảo mật với những tài liệu nhạy cảm có khả năng ảnh hưởng đến an ninh quốc gia, nhưng lại cho công bố rộng rãi nghiên cứu của Ufimstev trên toàn thế giới. Điều này có thể vì Ufimtsev khi đó chỉ là một nhà vật lý trẻ tuổi vô danh, các công trình nghiên cứu của ông được đánh giá là không có giá trị về quốc phòng và kinh tế.
Các công trình nghiên cứu của Ufimtsev được dịch sang tiếng Anh để những nhà khoa học Mỹ tiếp cận. Phần lớn chỉ đưa vào tài liệu tham khảo hoặc bỏ qua, nhưng một nhóm kỹ sư của tập đoàn Lockheed, trong đó có Denys Overholser, đã nhận thấy tiềm năng của những nghiên cứu từ Liên Xô.
Phát hiện này đóng vai trò lớn trong quá trình thiết kế máy bay tàng hình đầu tiên trên thế giới là mẫu F-117 Nighthawk, vốn nổi tiếng với hình dạng nhiều góc cạnh và có đặc tính khí động học phức tạp đến mức không thể bay an toàn nếu thiếu máy tính điều khiển.
Lockheed sau đó cũng sử dụng nghiên cứu của Ufimtsev để lập trình siêu máy tính nhằm xây dựng mô hình tín hiệu phản xạ radar của oanh tạc cơ tàng hình B-2, cũng như tiêm kích F-22 và F-35. Thậm chí, một số công trình của Ufimtsev còn được ứng dụng trong oanh tạc cơ B-21 tối tân đang phát triển.
Các quân chủng khác của Mỹ cũng hưởng lợi từ nghiên cứu của nhà khoa học Liên Xô, điển hình là hải quân Mỹ với dự án tàu tàng hình Sea Shadow.
Những thành quả nghiên cứu của Ufimtsev sau này đều được Liên Xô và Mỹ tôn vinh với hàng loạt giải thưởng danh giá, trong đó có Giải thưởng Nhà nước Liên Xô và Huân chương Leroy Randle Grumman. Ông trở thành giáo sư thỉnh giảng về kỹ thuật điện tại Đại học California của Mỹ vào năm 1990. Ufimtsev đã nghỉ hưu và là chuyên gia tư vấn trong lĩnh vực điện tử.