Vào cuối thế kỷ 14, triều đình Joseon của Triều Tiên tiến hành chiến dịch gián điệp để có được công nghệ chế tạo thuốc súng và hỏa tiễn bí mật của Trung Quốc, nhằm chống lại những nhóm cướp biển người Nhật. Chiến dịch này giúp Triều Tiên phát triển "siêu hỏa tiễn" hwacha, cơn ác mộng với cướp biển và các đội quân samurai của Nhật trong thế kỷ 15.
Trong giai đoạn này, Trung Quốc là quốc gia hàng đầu thế giới về công nghệ thuốc súng. Tuy nhiên, các loại hỏa tiễn do nước này chế tạo thời kỳ đó có độ chính xác quá thấp, khó gây sát thương và thường chỉ dùng để dọa những con ngựa trong lực lượng kỵ binh đối phương. Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng không sẵn sàng chia sẻ công nghệ cho Triều Tiên, dù hai nước có quan hệ hữu hảo lâu đời.
Năm 1377, một thương gia Trung Quốc đồng ý chuyển hàng loạt tài liệu chế tạo và các mẫu thuốc súng cho Triều Tiên, cùng lúc nhà phát minh Choe Mu-seon tìm ra cách tổng hợp thuốc súng từ đất. Công nghệ thu được giúp Triều Tiên phát triển hàng loạt vũ khí sử dụng chất nổ như hỏa tiễn, đại bác và súng hỏa mai. Từ năm 1380, Triều Tiên bắt đầu sử dụng các loại vũ khí này để tiêu diệt cướp biển trong các trận hải chiến.
Hạm đội viễn chinh Triều Tiên hủy diệt hoàn toàn lực lượng cướp biển Nhật vào năm 1419 với sự hỗ trợ đắc lực từ hỏa tiễn hwacha, một trong những hệ thống pháo phản lực phóng loạt đầu tiên trên thế giới.
Hwacha là sản phẩm do hai nhà phát minh Yi Do và Choi Hae-san phát triển. Họ cho rằng một hỏa tiễn rất khó đánh trúng mục tiêu do độ chính xác thấp, nhưng việc phóng hàng chục đến hàng trăm mũi tên cùng lúc sẽ bảo đảm tiêu diệt mọi thứ trong tầm ngắm. Dàn hỏa tiễn này ứng dụng thiết kế của Trung Quốc, nhưng có thể phóng đồng thời 50-100 mũi tên, vượt xa hệ thống do Trung Quốc phát triển.
Mỗi tổ hợp hwacha được đặt trên hai bánh xe để tăng khả năng cơ động. Bệ phóng gồm hàng chục ống đặt theo hàng, bên trong chứa được mũi tên dài 1,1 m gắn ống giấy nhồi thuốc phóng ở gần đầu nhọn. Các mũi tên đều được kết nối bằng dây cháy chậm, cho phép chúng khai hỏa toàn bộ trong 2-3 giây chỉ với một lần châm lửa.
Hwacha được làm từ vật liệu gỗ, giúp nó cơ động dễ dàng hơn nhiều so với các khẩu pháo đúc bằng sắt cùng thời, trong khi kíp pháo chỉ cần tối đa 4 người. Hwacha có tầm bắn hiệu quả khoảng 100-150 m, thử nghiệm cho thấy những mũi tên nặng đủ sức xuyên thủng mọi loại áo giáp và lá chắn trong khoảng cách này. Tầm bắn của hwacha có thể tăng lên 300-500 m nếu khai hỏa từ vị trí cao và sử dụng mũi tên nhẹ.
Các loại pháo cùng thời được dùng trong những trận công thành, nhưng hwacha lại có nhiệm vụ chống bộ binh để bảo vệ thành trì của triều đình Joseon. Triều Tiên triển khai ít nhất 130 bộ hwacha quanh Seoul và biên giới phía bắc, nhằm ngăn các đợt tập kích của bộ tộc Jurchen.
Quân đội Triều Tiên cũng đặt vũ khí này trên các chiến thuyền panokseon. Loại thuyền này thường dài 20-30 m, có đáy bằng để hoạt động trong vùng biển nông gần bờ. Hwacha đủ nhỏ và nhẹ để cơ động trên boong tàu, bảo đảm hỏa lực ở mọi hướng.
Cơn ác mộng với samurai Nhật
Năm 1592, lãnh chúa Nhật Toyotomi Hideyoshi điều 158.000 quân bất ngờ tấn công Triều Tiên, mở đầu Chiến tranh Imjin. Mục đích của Toyotomi là chinh phục Trung Quốc, nhưng triều đình Joseon không cho quân Nhật mượn đường, khiến lãnh chúa Nhật tổ chức xâm lược Triều Tiên.
Nhà Minh liên kết với quân Joseon đẩy lùi quân Nhật khỏi Bình Nhưỡng và phát động cuộc tấn công nhằm giành lại quyền kiểm soát Seoul. Tuy nhiên, cuộc tấn công này thất bại, lực lượng viễn chinh nhà Minh bị đánh tan, nhiệm vụ giành lại Seoul trở thành trọng trách của quân Triều Tiên.
Tới tháng 2/1593, tướng Kwon Yul tập trung đội quân 2.300 lính tại pháo đài cổ ở Haengju, nơi chỉ có một hướng tiếp cận và cách Seoul khoảng 10 km. Lực lượng này được bổ sung 700 người từ khu vực xung quanh, bao gồm các thầy tu và nữ chiến binh.
Trong ba ngày, Kwon Yul xây dựng hệ thống phòng thủ dày đặc, với ít nhất 40 hệ thống hwacha. Đối mặt với họ là 30.000 samurai và lính Nhật Bản, dưới sự chỉ huy của những danh tướng như Ukita Hideie, Kato Kiyomasa và Kuroda Nagasama.
Quân Nhật chia làm ba đợt tấn công liên tục vào pháo đài cổ từ sáng 12/2/1593. Tuy nhiên, các hệ thống hwacha và cung thủ Joseon liên tục dội mưa tên, trong khi binh sĩ Triều Tiên ném các khối đá lớn, đổ dầu sôi và kim loại nóng chảy về phía đối phương. Lớp phòng thủ dày đẩy lùi toàn bộ các mũi tấn công của Nhật.
Trưa 12/2/1593, đợt tấn công thứ 4 do Ukita dẫn đầu phá vỡ lớp phòng thủ ngoài cùng của quân Triều Tiên. Tuy nhiên, lực lượng Nhật vẫn bị các giàn hỏa tiễn hwacha đẩy lùi, trong khi Ukita bị thương nặng. Tới buổi chiều, lượng mũi tên cho hwacha bắt đầu cạn kiệt, quân Triều Tiên đối mặt nguy cơ bị tiêu diệt hoàn toàn.
Ngay khi quân Nhật chuẩn bị đợt tổng tấn công, lính Triều Tiên trong thành được tiếp viện thêm 10.000 mũi tên. Chúng nhanh chóng được nạp vào toàn bộ các bệ hwacha, tạo thành cơn bão tên lửa dội xuống đầu samurai Nhật đang xung phong. Tới đêm 12/2, cả ba danh tướng Nhật đều bị thương bởi hwacha và buộc phải rút quân. Phía Nhật có tổng cộng 1.000 người chết sau 9 đợt tấn công.
Ba tháng sau, quân Triều Tiên giành lại Seoul. Tướng Kwon Yul khẳng định hỏa lực khủng khiếp của hwacha là yếu tố quyết định trong việc đẩy lui quân Nhật trong chiến dịch này.
Chiến tranh Imjin kéo dài thêm 5 năm, tàn phá phần lớn lãnh thổ Triều Tiên. Trận đánh quyết định diễn ra vào rạng sáng ngày 16/12/1598, khi lực lượng gồm 63 chiến thuyền Trung Quốc và 82 chiếc panokseon Triều Tiên bí mật đột kích hạm đội 500 chiến hạm Nhật Bản ở phía nam bán đảo Triều Tiên.
Phía Triều Tiên tận dụng tối đa ưu thế hỏa lực của hwacha và đại bác. Tới sáng 16/12, hạm đội Nhật đã mất hơn một nửa số tàu chiến và buộc phải rút quân. 8 ngày sau, toàn bộ quân Nhật hoàn thành việc rút khỏi bán đảo Triều Tiên.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.