Ông Trần Văn Trung (trú thôn Đông Thuận, xã Tân Hà, huyện Hàm Tân, Bình thuận). Hiện tại, nơi sống cũng là nơi ông đang nuôi dưỡng 17 đứa trẻ, trong đó 4 em mất cha mất mẹ. 13 em còn lại, ông Trung "xin" từ các bệnh viện hoặc những bà mẹ trẻ lầm lỡ (không đủ điều để kiện nuôi con).
Ông cho rằng, những đứa trẻ không nơi nương tựa, không ai chăm sóc sẽ là mối nguy hiểm cho xã hội sau này nếu chúng không được nuôi dưỡng, giáo dục đến nơi đến chốn…
Ngoài việc nuôi dạy cho cho 17 đứa trẻ, ông Trung cùng đồng đội của mình thay phiên chăm sóc, trông nom hơn 13.000 phần mộ thai nhi.
Ông bảo: "Từ các mối quan hệ thân quen ở bệnh viện, người thân, ai biết ở đâu có thai nhi bị bỏ rơi, tôi đều nhận về làm mộ phần, an táng và chăm sóc cho chúng. Tôi đã làm công việc này hơn 15 năm và xem như là một sứ mệnh thiêng liêng…".
Kể về cơ duyên đến với công việc thiện nguyện này, ông Trung nói: Trong một lần ghé xuống một bệnh viện ở tỉnh Kiên Giang để gặp một vị bác sĩ. Sau khi nghe bác sĩ này kể về những câu chuyện thai nhi sinh ra bị bỏ rơi, ông cảm thấy xoot1 xa và đã nảy lên ý nghĩ: Sẽ là tìm kiếm, xin đưa những thai nhi không may mắn này về nơi ở của mình để mai táng trông nom. Những thai nhi được ông Trung bố trí chôn cất ở góc vườn nơi ông đang sống.
Ngoài 13.000 sinh linh không may nắm, ông Trung còn nhận cả những đứa trẻ mồ côi không nơi nương tựa về và bố trí ở riêng một phòng cùng nhau.
Hằng ngày, ông cùng với những cộng sự của mình luân phiên nhau dạy học (đọc chữ, toán cơ bản) cho 17 đứa trẻ.
Chia sẻ về những đứa trẻ mồ côi mình nuôi dạy, ông Trung cho biết: Những năm qua, đã có nhiều đứa trẻ lớn lên tại đây (tầm hơn 50) và hiện đã đi ra ngoài làm ăn.
"Thi thoảng tôi vẫn nhận được tiền, quà từ những trẻ mồ côi trưởng thành từ vòng tay tôi trước đó, hỗ trợ và giúp đỡ cho đàn em sau này", ông Trung kể.
Một ngày cuối năm Tân Sửu 2021, ông Trung bộc bạch với phóng viên Dân Việt: "Là một người Thiên Chúa giáo và sống độc thân, tôi không bị vướng bận gì đối với "trần giới". Với bản thân, tôi chỉ nghĩ làm sao để chăm sóc cho những người "con" của mình một cách tốt nhất".
Theo ông, càng làm nhiều việc này ông thấy mình càng được bình an và ông xem đây như là một sứ mệnh buộc phải làm.
Cho rằng công việc này chính là sứ mệnh của mình phải hoàn thành thế nên mọi gian truân, vất vả ông Trung đều không ngần ngại, nề hà.
"Khi các con kêu mình bằng bố, chúng vây quanh ôm, níu lấy mỗi khi đi xa về, mọi mệt mỏi đối với tôi như tan biến. Khuya đến tôi thường đi bộ một vòng quanh phần mộ các sinh linh bé bỏng cầu khấn sự yên bình cho chúng, tôi cảm thấy ấm lòng", ông chia sẻ.
Trong vốn từ điển của ông Trung không bao giờ xuất hiện hai chữ "tiêu cực". Ông nói rằng, làm việc gì cũng gặp khó, nếu tâm trí cứ nghĩ tiêu cực sẽ không bao giờ thành công.
"Trong sự chịu đựng khó khăn, mình càng khám phá ra nhiều cái quý giá và với tôi, kiên nhẫn để làm việc thiện là điều tôi luôn hướng đến", ông Trung trải lòng.
Ông Trung kể, khi mới bắt đầu công việc này, ông dùng tiền của mình tự tích cóp sau những năm đi học ở nước ngoài.
Về sau, khi số lượng thai nhi càng nhiều cùng với việc nuôi những đứa trẻ mồ côi nhiều thế hệ buộc ông phải kêu gọi, quyên góp từ những người bạn, người thân tin tưởng.
Ông Trung nhớ lại: "Việc làm của tôi chân thành, may mắn được nhiều người ủng hộ và biết đến. Chính vì thế, về sau nhiều người và các hội nhóm thiện nguyện đã âm thầm ủng hộ để tôi thực hiện tốt công việc của mình".
Kỷ niệm lớn nhất với ông Trung đó là trong quá trình khởi đầu công việc nuôi dạy trẻ mồ côi, chăm sóc mộ phần thai nhi không may căn nhà ông dùng cho bọn trẻ sinh sống bỗng dưng bị sập.
Tuy buồn vì phải làm lại từ đầu, nhưng ông vẫn lạc quan nói: "Đây có thể là thử thách đối với tôi. Trong họa vẫn có phúc, không thiệt hại về người chỉ hư hại tài sản. Vấp ngã rồi đứng dậy, sứ mệnh thiêng liêng của tôi vẫn phải làm".
Chị Lê Thị Dinh ngụ tại quận Gò Vấp, TP.HCM - nhà hảo tâm thường xuyên tài trợ, sữa,, bánh kẹo, chi phí phụ ông Trung chăm sóc trẻ mồ côi, cho biết: Chị có tình cảm đặc biệt với những đứa trẻ mồ côi, lang thang cơ nhỡ. Đặc biệt, đầu năm 2021 chị không may mất đi người con của mình khi mới bắt đầu mang thai mấy tháng.
Trong quá trình làm thiện nguyện, chị Dinh biết đến ông Trung và thường xuyên kết nối các mạnh thường quân với mục đích giúp đỡ, hỗ trợ thêm cho ông.
"Tôi biết ông Trung đã được 3 năm. Khối lượng công việc này không hề nhỏ khi tôi chứng kiến hàng ngày, tuần, tháng ông Trung đều đặn làm như vậy. Đây là việc mà theo tôi phải rất vất vả mới thực hiện được", chị Dinh nói.
Bài cuối: Thiên chức làm mẹ