và câu chuyện gây ấn tượng trong làng thiện nguyện thời điểm TP.HCM là tâm điểm của dịch Covid-19
5 “khuôn mặt vàng” và những chuyện ấn tượng trong làng thiện nguyện khi TP.HCM là tâm điểm của dịch Covid-19
Chinh Hoàng
Thứ ba, ngày 25/01/2022 07:24 AM (GMT+7)
Một trong 5 “khuôn mặt vàng” gây ấn tượng đặc biệt đối với người dân TP.HCM có lẽ là ông Trần Thanh Long - người khai sinh mai táng “0 đồng” hỗ trợ nạn nhân Covid-19). “Tôi tu trong chính việc làm thiện nguyện của mình. Chân thành, tôn trọng bà con mỗi ngày là cách tu của tôi...”, ông Long nói.
Dân Việt xin điểm lại một số "khuôn mặt vàng" và những câu chuyện xúc động của các nhân vật trong làng thiện nguyện khi TP.HCM là tâm điểm của dịch bệnh.
1. Ông Trần Thanh Long: Trưởng đội thiện nguyện Nhất Tâm, người thành lập, vận hành những chuyến xe mai táng "0 đồng" phục vụ nạn nhân Covid-19
Giữa tâm dịch, nhận thấy sự thiếu nghiêm trọng xe chở bệnh nhân, thiếu xe chở những người đã khuất vì Covid-19, Trưởng đội thiện nguyện Nhất Tâm - ông Trần Thanh Long đã họp bàn với anh em trong nhóm, quyết định tổ chức chuyến xe "0 đồng" để lo hậu sự cho những người đã mất vì Covid-19 có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn...
Ông Long cho biết, mai táng "0 đồng" không phải mới, việc này nhóm thiện nguyện Nhất Tâm đã làm từ khá lâu. Trong đợt bùng phát dịch Covid-19 thứ 4 ở TP.HCM, nhóm đã hỗ trợ mai táng cho nạn nhân Covid-19 khoảng 400 ca.
"Có hôm, anh em chúng tôi nhận và hỗ trợ mai táng đến 3-4h sáng. Người mất vì Covid-19 hay bệnh khác, chúng tôi đều lo tất cả chi phí cho gia đình", ông Long nói.
Nhóm chia thành 3 đội, mỗi đội khoảng 6-7 người. Thời điểm hiện tại, dịch bệnh ở TP.HCM cơ bản được khống chế, theo ông Long, nhóm của ông không tập trung vào công việc mai táng nữa mà triển khai những dự án thiện nguyện khác. Công việc thiện nguyện của ông Long lâu nay chuyên về ẩm thực (22 chi nhánh trên cả nước). Ngoài ra, để phụng sự bà con nghèo, ông thực hiện: Mai táng, xe cứu thương, hỗ trợ khử khuẩn, xây nhà…
Tất cả những công việc đều "0 đồng" và được ông Long cùng đồng đội của mình thực hiện từ nhiều năm qua. "Hiện tôi vẫn đang tiếp tục thúc đẩy những đầu việc đã làm một cách tốt nhất để phục vụ bà con. Những ngày qua, chúng tôi vẫn tích cực hỗ trợ bình oxy, máy tạo oxy cho bệnh nhân F0 điều trị tại nhà. Mỗi ngày khoảng 20 ca. Ngoài ra, thiện nguyện Nhất Tâm tiếp tục phục vụ cơm chay cho bệnh nhân, nhân viên Bệnh viện Phục hồi Chức năng (quận 8) và Bệnh viện Lê Văn Thịnh (quận 2)", ông Long kể.
2. Lâm Ống Húc trên những chuyến xe "buôn lậu" tình người
"Buôn lậu" tình người là chữ dùng của Lâm Ống Húc (tên thật là Phạm Tùng Lâm), là cách anh gọi tên những hoạt động thiện nguyện của mình trong những ngày Sài Gòn bạo bệnh. Thắc mắc thì anh bảo: “Tôi không có ý định đi làm từ thiện và những cái tôi đang làm là "buôn lậu" tình người…”.
Những ngày Sài Gòn trọng bệnh, không quản nắng hay mưa, Lâm luôn ra khỏi nhà vào lúc 9h sáng trên chiếc xe anh gọi là "chiến mã cà tàng". Sau và trước xe buộc chặt chiếc giỏ to đùng chứa đầy bánh mì, bánh tét, hộp khẩu trang, sữa tươi… rồi rong ruổi khắp các con phố, ngõ hẻm để "truy tìm" người nghèo.
Lâu lâu Lâm dừng xe gọi lớn: "Chú ơi, chú bốn bánh ơi, chú đậu lại đi, tấp vào lề con gởi ít quà"; "Con tặng chú ít bánh ăn nghen". Hay, "ông ơi con tặng bánh cho ông nha, ông lại đây…"; "Còn nữa, còn nữa nè, lấy hộp khẩu trang đeo luôn"… Kèm đó là những câu dặn dò, trêu ghẹo đầy hài hước, thân mật tựa như Lâm và họ đã quen biết nhau từ lâu lắm.
Theo Lâm, công việc chạy xe khắp Sài Gòn như vậy chỉ để mang tặng những người nghèo, người vô gia cư những gói bánh, hộp khẩu trang và đó là một hành trình phát sinh ngẫu nhiên. Khi thành phố đóng cửa với chỉ thị rất nghiêm ngặt của Chính phủ, những người vô gia cư, người nghèo bị cắt đi đường mưu sinh. "Chính những lúc này, tôi chợt lóe lên ý tưởng mình sẽ làm "Kẻ vận chuyển tình thương" và tôi muốn lan tỏa năng lượng tích cực này đến với những người nghèo nói chung cùng với tất cả mọi người, đặc biệt là giới trẻ hiện nay", Lâm bộc bạch.
Trong các cuộc trò chuyện, Lâm luôn tự nhận mình là "kẻ vận chuyển tình thương", "kẻ buôn lậu tình người". Anh bảo mình không thích ai gọi và nghĩ mình đang làm từ thiện...
3. Nguyễn Ân: Người làm ảnh thờ "0 đồng" cho nạn nhân Covid-19 với mong muốn: "Tôi chỉ muốn xoa dịu nỗi đau thân nhân của họ"
Khi TP.HCM là tâm điểm của dịch bệnh, anh Nguyễn Ân (33 tuổi, ngụ tại quận Gò Vấp) dành nhiều thời gian làm ảnh thờ miễn phí cho các nạn nhân không may qua đời vì Covid-19.
Trước khi quyết định chỉnh sửa ảnh miễn phí cho những nạn nhân Covid-19, anh từng e ngại: "Tôi làm vậy thân nhân của những nạn nhân mắc Covid-19 sẽ nghĩ tôi trù ẻo gia đình họ mất". Nhưng vượt qua mọi định kiến tiêu cực đến từ các phía, điều đáng giá nhất anh Ân nhận được đó là sự ủng hộ từ mọi người về việc làm này.
Những tháng trước đó, lượng người không may mất đi vì Covid-19 tăng lên đến con số hàng ngàn. Trong đó, nhiều gia đình không kịp chuẩn bị, chỉ vội lấy chiếc chứng minh thư đã cũ của các nạn nhân Covid-19, làm di ảnh tạm thời để thờ cúng.
Trăn trở rất nhiều về những mất mát trên, Ân muốn san sẻ, xoa dịu bớt nỗi đau với thân nhân của những người xấu số. Chính vì thế anh đã bắt vào việc làm di ảnh miễn phí. Những đơn đặt hàng "0 đồng" làm di ảnh cho những nạn nhân qua đời vì Covid-19 mỗi lúc mỗi tăng khi anh đăng tin "Nhận làm di ảnh miễn phí" trên mạng xã hội.
Thời gian đầu, anh từng bị áp lực rất lớn vì số lượng tin nhắn gửi đến nhờ làm ảnh quá nhiều. Nhưng càng áp lực Ân càng dặn mình phải nỗ lực, để người dân không phải chờ đợi.
"Có hôm ông phải làm tới 2-3h sáng, để người nhà nạn nhân khỏi mong ngóng", anh nói.
"Hiện tại, lượng tin nhắn nhờ làm di ảnh đã ít đi hẳn. Tôi thấy đây là tín hiệu đáng mừng vì chắc chắn số lượng người mất do Covid-19 đã giảm", anh Ân lạc quan bày tỏ.
4. Chủ nhà trọ 78 tuổi "tánh lạ"
Ông Lê Tuấn Giãn (78 tuổi, tên thường gọi Tư Giãn) không những miễn phí tiền thuê nhà cho công nhân sống tại khu trọ mà còn tặng tiền, nhu yếu phẩm.
Trò chuyện với phóng viên Dân Việt ông Tư tâm sự: "Phải sống cùng người lao động mới thấy được cái khó khăn của người ta. Mình đồng cảm với những người lao động khổ sở, đủ thứ khó khăn, mỗi lần nghĩ tới là chảy nước mắt".
Ban đầu, lúc dịch Covid-19 mới bùng phát ông Tư giảm hơn một nửa tiền nhà trọ, từ 1.300.000 đồng giảm còn 600.000 đồng. Tuy nhiên, khi TP.HCM chính thức ban hành Chỉ thị 16, ông Tư giảm 100% tiền nhà trọ cho công nhân, người lao động nghèo.
"Dịch bệnh, công nhân không đi làm, lại không thể về quê nên tôi giảm 100% suốt nhiều tháng liền", ông Tư cười hồn hậu.
Ông Tư rơi nước mắt, kể lại những câu chuyện trong những tháng đỉnh điểm dịch Covid-19 tại TP.HCM. Mỗi lần nhìn thấy công nhân sống trong khu trọ của mình nhiễm bệnh hay những người khó khăn khác xách gói đi cách ly vì dịch Covid-19 là nước mắt của ông tuôn trào.
Thấy công nhân thuê trọ quá khó khăn trong mùa dịch, ông và con gái dành 120 triệu đồng tiền mặt phát tặng. 400 người P.Tân Tạo, Q.Bình Tân đã nhận món quà "đỡ ngặt" này.
Để số tiền đến đúng người, ông chủ động liên hệ với tổ trưởng của các khu phố, lập danh sách những người khó khăn và phát phiếu cho họ từ hôm trước. Người nhận chỉ cần mang phiếu đến khu trọ của ông để nhận tiền.
"Sau đợt dịch này, người ta bắt đầu đi làm lại để trả nợ nần, kiếm sống nhưng mưu sinh khó khăn lắm, vật giá thì tăng. Thương lắm mấy người lao động lúc này", ông tâm sự.
5. Cô giáo đạp xe khắp Sài Gòn làm thiện nguyện: "Không sợ Covid-19, chỉ sợ người ta khó khăn…"
Cô giáo Huỳnh Thị Trúc Ly (làm việc tại một trường mầm non trên địa bàn TP.HCM) đã đạp xe rong ruổi khắp các con đường ở Sài Gòn tặng quà cho những phận người “lênh đênh trong dại dịch Covid-19”. Hỏi lý do tại sao lại di chuyển bằng xe đạp, cô giáo bảo: “Đơn giản vì tôi không đi được xe máy…”.
Cô giáo Ly bắt đầu công việc thiện nguyện khi TP.HCM bắt đầu bùng phát đợt dịch thứ 4. Khi chưa trở lại trường để tiếp tục công việc dạy học, cô Ly vẫn tiếp tục gặp gỡ, trao quà cho người nghèo, vô gia cư.
Thời điểm lãnh đạo TP.HCM ra lệnh "đóng cửa" để chống dịch, tạm ngưng công việc dạy học, Ly đã viết thư gửi đến Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP.HCM (MTTQ TP.HCM). Qua thư, cô bày tỏ muốn được cơ quan chức năng tạo điều kiện để cô được làm thiện nguyện, giúp đỡ người nghèo trong đại dịch Covid-19. "Sau đó tôi đã nhận được giấy thông hành, thực sự rất bất ngờ, vui không tả…", cô giáo Ly nhớ lại.
"Tôi rong ruổi khắp các con đường ở Sài Gòn, quan sát, ghi nhận những sự khó khăn của người già, neo đơn, vô gia cư… Đối tượng tôi hướng đến giúp đỡ nhiều hơn đó là những cụ già".
Theo cô Ly, và người già là đối tượng bị ảnh hưởng nhiều nhất khi dịch bệnh bùng phát. "Tôi không sợ Covid-19, chỉ sợ người ta khó khăn", cô Ly chia sẻ chân tình.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.