Người khai sinh mai táng “0 đồng”: “Tôi tu trong chính việc làm thiện nguyện của mình”

Chinh Hoàng Thứ tư, ngày 01/12/2021 16:00 PM (GMT+7)
Tu trong chính việc làm thiện nguyện của mình là cách ông Trần Thanh Long (Trưởng đội thiện nguyện Nhất Tâm, người thành lập, vận hành những chuyến xe mai táng “0 đồng” đưa nạn nhân Covid-19 ở TP.HCM đi mai táng) đã và đang thực hiện. Ông bày tỏ: “Tôi tu chân thành, khiêm hạ, cung kính bà con mỗi ngày là cách tu của tôi”.
Bình luận 0

Ông Trần Thanh Long được biết đến là người thành lập, vận hành những chuyến xe mai táng "0 đồng" đưa nạn nhân Covid-19 đi mai táng trong khoảng thời gian TP.HCM là tâm điểm của dịch bệnh.

Thời điểm hiện tại, dịch bệnh ở TP.HCM cơ bản được khống chế, theo ông Long đội của ông không tập trung vào công việc mai táng nữa mà đã và đang thúc đẩy những dự án thiện nguyện khác.

Phóng viên Dân Việt đã có một cuộc trò chuyện trực tiếp với ông Trần Thanh Long xoay quanh câu chuyện: "Sau mai táng "0 đồng" ông đã và đang thực hiện những dự án thiện nguyện gì để phục vụ cho bà con nghèo ở TP.HCM nói chung và bà con ở các tỉnh nói riêng".

Cơ duyên nào khiến ông bắt đầu với những chuyến xe mai táng "0 đồng"?

 - Thực ra, nhiều năm về trước tôi đã bắt tay vào công việc thiện nguyện, trong đó có chuyến xe mai táng "0 đồng" nhằm phục vụ cho bà con nghèo, hoạt động từ đầu năm 2014. Lúc trước, công suất, nhân lực để hoạt động của mai táng "0 đồng" còn mỏng. Khi đại dịch Covid-19 bùng phát ở TP.HCM số ca tử vong nhiều mỗi ngày, tôi mới họp bàn anh em, tập trung 100% công suất vào những chuyến xe mai táng này để giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn không may tử vong vì Covid-19 đến nơi an nghỉ cuối cùng. Có thể nói, những ngày tháng vừa qua chúng tôi làm nhiều, thuần thục và kinh nghiệm, giúp đỡ được nhiều người dân ở địa bàn thành phố, vậy nên thông tin mới được lan tỏa, nhiều người biết đến.


Người thành lập, vận hành mai táng “0 đồng”: “Tôi tu trong chính việc làm thiện nguyện của mình” - Ảnh 2.

Ông Trần Thanh Long trong một lần tiếp nhận mai táng "0" đồng cho nạn nhân Covid-19. Ảnh: Chinh Hoàng.

Sau chuyến xe mai táng "0 đồng", ông có tiếp tục với các dự án thiện nguyện tiếp theo?

- Nói tôi tiếp tục với các dự án thiện nguyện tiếp theo là chưa đúng, bởi vì đội thiện nguyện Nhất Tâm của tôi từ trước đến bây giờ chuyên về mảng nhà ăn (22 chi nhánh trên cả nước). Ngoài ra, để phụng sự bà con nghèo, khó khăn một cách tốt nhất tôi còn nhiều mảng phụ khác như: Mai táng, xe cứu thương, hỗ trợ khử khuẩn, siêu thị, dạy tiếng Anh, xây nhà…

Tất cả những cái tôi vừa liệt kê ở trên đều "0 đồng" và được tôi thực hiện từ nhiều năm qua. Hiện tôi vẫn đang tiếp tục thúc đẩy những cái đã nói trước đó một cách tốt nhất có thể để phục vụ bà con. Đặc biệt, với diễn biến của dịch bệnh Covid-19 ở TP.HCM vẫn còn đang phức tạp như này, đội của tôi đang tích cực hỗ trợ oxy, máy tạo oxy cho bệnh nhân F0 điều trị tại nhà (trung bình mỗi ngày có khoảng 20 ca).

Ngoài ra, thiện nguyện Nhất Tâm vẫn đang phục vụ cơm chay cho bệnh nhân, nhân viên Bệnh viện Phục hồi Chức năng (quận 8) và Bệnh viện Lê Văn Thịnh (quận 2). Đặc biệt, trong tuần này tôi cũng đang sắp xếp chuẩn bị cho công tác hỗ trợ chống dịch cùng Sở Y tế tỉnh Vĩnh Long.

Về việc hỗ trợ oxy hay cơm chay cho người dân, y bác sĩ, từ khi đợt dịch Covid-19 thứ 4 bùng phát cho đến nay, khối lượng công việc hầu như quá tải. Và tôi đang lên những phương án tối ưu nhất để phục vụ bà con hết mình.

Nguồn kinh phí để làm thiện nguyện lâu nay ở đâu ra và làm thiện nguyện như lâu nay ông được gì và mất gì?

- Kinh phí hoạt động thời gian đợt dịch thứ nhất bùng phát đến thời điểm này là do sự kêu gọi phát Tâm từ quý mạnh thường quân (MTQ) khắp nơi thông qua mạng xã hội và những bạn bè làm ăn quen thân. Còn trước kia là tôi dùng tiền túi của chính mình để duy trì hoạt động.

Cái tôi được trong làm thiện nguyện là gieo duyên ăn chay đến nhiều người ở nhiều tỉnh thành. Tôi được nhiều bà con nghèo ở khắp nơi trên địa bàn thành phố và các tỉnh ,thành biết đến và mến mộ. Ngoài ra, tôi còn được dùng tình thương, lòng trắc ẩn của mình để quan tâm, chăm sóc cho bà con khó khăn. Kèm theo đó khi người thân của tôi thấy tôi làm những việc thiện này, họ cũng nhìn từ tôi và cũng đang hướng tâm đến những điều thiện. Tôi có thể tạm gọi nôm na rằng: "Tôi đang luân chuyển những điều thiện".

Cái tôi mất khi tập trung vào công việc thiện nguyện là tôi đã đánh đổi hết tất cả những sự hưởng thụ như bao người khác để xây dựng nên một Nhất Tâm như ngày hôm nay. Tôi mất đi sức khoẻ, thời gian, tương lai, tiền của, sự nghiệp… Tôi không có nhiều thời gian để bên mẹ hay bên vợ con. Tôi buông bỏ rất nhiều thứ…

Người thành lập, vận hành mai táng “0 đồng”: “Tôi tu trong chính việc làm thiện nguyện của mình” - Ảnh 3.

Ông long trong một lần đi tiếp tế lương thực cho bà con nghèo vùng cao. Ảnh; NVCC.

Ông có thấy vui và hạnh phúc với công việc mình đang làm. Làm thiện nguyện, xuống tóc, ăn chay trường... có liên quan gì với nhau?

- Tôi đã cố làm hết sức có thể của mình, vô tình tôi lại đặt ra cho mình thành một trách nhiệm mà mình phải làm đối với xã hội, với chúng sanh, nên tôi không còn dám vui hay buồn. Nếu có vui hay buồn chắc tôi không thể đi tiếp nổi với biết bao nhiêu là áp lực, nhân sự, kinh phí luôn thiếu. Thị phi, điều tiếng, chống phá đủ các kiểu của xã hội áp đặt vào người làm thiện nguyện như tôi trong lúc này. Nhưng tôi đã, đang và vẫn cố gắng đi tiếp dài lâu vì "đại nguyện" của chính mình,  đó là: "Khi tôi còn sống là còn cống hiến cho xã hội".

Tôi làm thiện nguyện gieo duyên ăn chay rồi dần dần mới ăn chay trường. Tôi xuống tóc là để cầu nguyện cho đại dịch sớm qua đi, trả lại cuộc sống bình yên cho đất nước nói chung và TP.HCM nói riêng. Tôi là người làm thiện nguyện cũng là con dân của Việt Nam nên rất yêu thương bà con cũng như đất nước mình. 

Ông là một Phật tử, vậy Đức Phật có vai trò như thế nào trong đời sống tinh thần và những việc làm của ông?

- Là một người con của Phật ngoài việc giữ trọn "5 giới' , tôi còn gieo duyên cho gia đình, huynh đệ cùng làm thiện nguyện, phát tâm ăn chay trường. Tôi đã hướng cho rất nhiều người ăn chay trường và làm thiện, tạo dựng ra được rất nhiều nhóm thiện nguyện. Đạo Phật giúp cho tôi tìm lại sự an lạc , giúp biết sống có ích cho xã hội. Tôi đi từ việc làm thiện nguyện sau đó mới bước vào cửa Phật, với tôi trong việc làm thiện có Phật, có pháp trong đó. Tôi tu trong chính việc làm thiện nguyện của mình. chân thành, khiêm hạ, cung kính bà con mỗi ngày là cách tu của tôi.

Người thành lập, vận hành mai táng “0 đồng”: “Tôi tu trong chính việc làm thiện nguyện của mình” - Ảnh 4.

Ông Long cho rằng: "Trong công việc của ông Đạo Phật giúp ông tìm kiếm được an lạc, sống có ích cho xã hội". Ảnh: NVCC.

Thực tế làm thiện nguyện hiện nay cũng có rất nhiều lý do, có người làm vì lòng nhân, có người làm để sám hối, có người làm để "mua vé lên Thiên Đàng" như nhân vật cha xứ trong tiểu thuyết Nhà thờ Đức bà ở Paris... Quan điểm của ông về thiện nguyện như thế nào?

- Khi tôi mới bắt đầu làm thiện nguyện là làm để cho tâm an và kiếm phước đức cho mình cùng với gia đình. Nhưng khi làm nhiều, làm dài lâu rồi thì thấy có quá nhiều hoàn cảnh khổ, lúc đó làm là chỉ còn muốn giúp được càng nhiều bà con càng tốt mà thôi. Thật ra khi được làm thiện, tâm mình an lạc lắm! Vốn dĩ cái gì cũng có cái giá của nó, cống hiến thì sẽ được bù đắp, "Nhân - Quả báo ứng tơ hào không sai bao giờ". Đến thời điểm này như đã nói ở trên, tôi làm thiện nguyện như một trách nhiệm với xã hội hết đời này của tôi rồi.

Việc làm từ thiện như lâu nay có ảnh hưởng gì đến cuộc sống riêng tư của ông? Người thân ông, bạn bè  có ủng hộ và đồng hành cùng ông?

- Khi bước vào làm thiện nguyện, tôi đã bỏ hết luôn cả bạn bè, không tham gia tiệc tùng hay hội họp gì cả, chỉ dành toàn thời gian có được cho việc làm thiện nguyện. Tôi từ 3h sáng đã dậy đi chợ Bình Điền lựa chọn rau củ quả để nấu cơm chay phục vụ bà con. Buổi tối khi niệm phật xong đến 20h30 tôi lên giường ngủ và mỗi ngày tôi đều như vậy.

Tôi không có thời gian để hẹn bạn nói chuyện nếu không liên quan đến thiện nguyện. Tôi chỉ dành thời gian để bàn về việc giúp ích cho xã hội, cho người khó khăn. Suy nghĩ cách làm sao giúp cải thiện đời sống cho huynh đệ để có thời gian và tinh thần theo mình phụng sự bà con.

Tôi không quan tâm đến sự trách móc của các mối quan hệ dù là làm ăn hay bạn bè cũ trước kia. Tôi chỉ quan tâm gia đình, đồng đội và bà con khó khăn. Thiện nguyện là sự nghiệp của một kiếp người của tôi. Nếu có kiếp sau tôi cũng sẽ tiếp tục như thế...

Quỹ thiện nguyện Nhất Tâm hoạt động và vận hành thế nào? Làm sao để tránh những lùm xùm kiểu sao kê như các nghệ sĩ?

- Như đã nói trước đó, tôi chỉ mới kêu gọi từ đợt dịch Covid-19 đầu tiên đến hiện nay và hàng tuần đều báo cáo rõ ràng chi tiết dù 1kg chanh, 1kg ớt. Do công việc thiện nguyện bận quá nhiều, tôi lại không có người giúp khâu báo cáo nên hiện một tháng báo cáo thu chi một lần.

Những năm về trước tôi chỉ làm bằng tiền của chính mình làm ra nên không bị áp lực cộng đồng như bây giờ. Vì để giúp được nhiều người hơn nên tôi bỏ cái tôi của mình xuống mở tâm ra kêu gọi cộng đồng, rất ngượng ngùng nhưng vì thương bà con nên tôi cố gắng tất cả.

Đối với tôi giờ này ai muốn nghĩ thì nghĩ, chửi thì chửi, kiện lúc nào tôi hầu lúc đó. Dù cho có kêu gọi được bao nhiêu thì tiền đó cũng đều là của mạnh thường quân và người được nhận chính là người khó khăn, người cần hỗ trợ giúp đỡ. Còn tôi là người kêu gọi, tôi luôn tốn thêm chi phí để vận hành số tiền kêu gọi được.

Riêng mùa dịch Covid-19 vừa qua tôi đã phải bù thêm hơn 500 triệu đồng vào chi phí hoạt động của nhóm vì thành viên người đến người đi hơn 100 người, tổng số thành viên của Nhất Tâm trên cả nước không dưới 500 người. Tôi nghĩ làm thiện nguyện, cần rõ ràng thu chi, vì nó sẽ tạo được sự hoan hỉ cho cộng đồng về thiện nguyện cả nước nói chung và tạo sự đoàn kết trong hội nhóm nói riêng, không nghi kỵ lẫn nhau…

Xin cám ơn ông!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem