Những ngày sau Tết Nguyên Đán Nhâm Dần 2022, nhiều nhà, nhiều người lại rộ lên câu chuyện, nếu người lớn lấy lì xì của con nhỏ có bị xử lý hay không?
Liên quan đến vấn đề này, luật sư Quách Thành Lực - Đoàn LS TP Hà Nội cho biết, trong Tết, đối tượng được nhất lì xì nhiều nhất là trẻ nhỏ.
So với Tết xưa, thì Tết nay số tiền lì xì của trẻ ngày càng nhiều hơn, có khi lên tới cả chục triệu đồng. Vì thế, để tránh việc con tiêu tiền không kiểm soát, đa số các bậc phụ huynh đều thay con giữ số tiền này.
"Điều 75, 76 luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 quy định rõ, con cái có tài sản riêng và nếu con từ đủ 15 tuổi trở lên thì được tự mình hoặc nhờ cha, mẹ giữ. Tiền lì xì được xem là tài sản riêng của con theo quy định.
Con dưới 15 tuổi sẽ do cha mẹ giữ tiền mừng tuổi. Khi con đủ 15 tuổi trở lên, cha mẹ có thể đưa lại cho con hoặc có thể sử dụng vì lợi ích của con. Tuy nhiên, nếu con từ đủ 9 tuổi trở lên thì khi sử dụng tiền lì xì của con, cha mẹ phải xem xét nguyện vọng của con", luật sư Lực phân tích
Điều 75: Quyền có tài sản riêng của con
1. Con có quyền có tài sản riêng. Tài sản riêng của con bao gồm tài sản được thừa kế riêng, được tặng cho riêng, thu nhập do lao động của con, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng của con và thu nhập hợp pháp khác. Tài sản được hình thành từ tài sản riêng của con cũng là tài sản riêng của con...
Điều 76: Quản lý tài sản riêng của con:
1. Con từ đủ 15 tuổi trở lên có thể tự mình quản lý tài sản riêng hoặc nhờ cha mẹ quản lý.
2. Tài sản riêng của con dưới 15 tuổi, con mất năng lực hành vi dân sự do cha mẹ quản lý. Cha mẹ có thể ủy quyền cho người khác quản lý tài sản riêng của con. Tài sản riêng của con do cha mẹ hoặc người khác quản lý được giao lại cho con khi con từ đủ 15 tuổi trở lên hoặc khi con khôi phục năng lực hành vi dân sự đầy đủ, trừ trường hợp cha mẹ và con có thỏa thuận khác...
Theo vị luật sư, trước đây, nếu bố mẹ yêu cầu, bắt con trẻ đưa tiền lì xì cho mình có thể bị xử phạt hành chính theo quy định tại Nghị định 167/2013/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; chống bạo lực gia đình cũng đã đề cập đến vấn đề này.
"Theo điều 56 Nghị định 167/2013/NĐ-CP, hành vi chiếm đoạt tài sản riêng của thành viên gia đình bị xem là hành vi bạo lực về kinh tế.
Như vậy, khi con cái trong gia đình được người khác lì xì tiền Tết mà bố mẹ yêu cầu con trẻ đưa tiền lì xì cho mình thì có thể bị xử phạt với số tiền từ 500 nghìn đồng đến 1 triệu đồng theo Nghị định 167/2013/NĐ-CP.
Điều 56. Hành vi bạo lực về kinh tế
1. Phạt tiền từ 300 nghìn đồng đến 500 nghìn đồng đối với hành vi không cho thành viên gia đình sử dụng tài sản chung vào mục đích chính đáng.
2. Phạt tiền từ 500 nghìn đồng đến 1 triệu đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
a) Chiếm đoạt tài sản riêng của thành viên gia đình;
b) Ép buộc thành viên gia đình lao động quá sức hoặc làm công việc nặng nhọc, nguy hiểm, tiếp xúc với chất độc hại hoặc làm những công việc khác trái với quy định của pháp luật về lao động;
c) Ép buộc thành viên gia đình đi ăn xin hoặc lang thang kiếm sống.
Tuy nhiên theo quy định mới nhất tại khoản 1 điều 58 Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định mức xử phạt hành vi bạo lực về kinh tế nếu bố mẹ có hành vi chiếm đoạt tài sản riêng của con cái thì có thể bị phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 30 triệu đồng.
Chỉ khi có hành vi “chiếm đoạt tài sản riêng” của thành viên trong gia đình (cha, mẹ, vợ, chồng, con đẻ, con nuôi, anh, chị, em…) thì mới bị phạt tiền từ 20 – 30 triệu đồng. Mức phạt này đã tăng mạnh so với quy định cũ tại nghị định 167/2013/NĐ-CP.
Mặc dù thế cũng không thể quy chụp việc ba mẹ giữ tiền lì xì của con là hành vi “chiếm đoạt tài sản riêng của con” và áp dụng mức phạt đến 30 triệu đồng. Nhiều trường hợp ba mẹ chỉ muốn giúp con quản lý số tiền đó và trang trải vào các hoạt động cần thiết cho con", ông Lực thông tin.