Bên cạnh những "Thịt mỡ dưa hành câu đối đỏ/Cây nêu tràng pháo bánh chưng xanh", lì xì hay mừng tuổi ngày Tết là một trong những nét văn hóa truyền thống đậm tính mỹ học. Lì xì đầu năm mang ý nghĩa cầu chúc cho nhau một năm nhiều may mắn. Tuy nhiên, nhiều năm trở lại đây, đi cùng với sự phát triển về công nghệ, lì xì online đang dần trở thành xu thế trong giới trẻ.
Thậm chí, trong một vài năm trở lại đây, người ta sử dụng hình thức lì xì online không cần tới tiền mặt hoặc thay tiền mặt bằng hiện vật. Với hình thức này, người ở xa vẫn có thể mừng tuổi người thân hay bạn bè trong dịp đầu năm mới. Nhưng liệu rằng, sự yêu thương gần gũi, sự gắn kết giữa các thành viên trong gia đình, giữa người với người liệu có được trọn vẹn khi chúng ta chỉ thấy những lời chúc qua màn hình điện thoại?
Con cháu lì ông bà cha mẹ nhân dịp đầu năm mới. Ảnh minh họa.
Là một người năng động và sôi nổi nên Nguyễn Ngọc Thùy Linh (18 tuổi), sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền có nhiều bạn bè ở khắp mọi miền cả nước. Cũng chính vì khoảng cách địa lí khiến không thể gặp mặt trực tiếp tất cả mọi người vào dịp Tết Nguyên Đán để thăm hỏi chúc sức khỏe nên đối với Thùy Linh lì xì online như một chiếc "phao cứu sinh".
"Mình rất thích lì xì online. Hồi trước khi chưa có lì xì online thì với những người có khoảng cách về địa lý mình cũng thường lì xì bằng cách chuyển khoản qua tài khoản ngân hàng. Giờ thì có nhiều những ứng dụng lì xì online rồi nên rất tiện. Nhấn cái nút là đã gửi được một cái lì xì rồi và người nhận phải nhấn vào phong bao đó mới có thể nhận được tiền mừng. Mình thấy nó vẫn đủ hồi hộp, đủ truyền thống, chỉ là có cách tân đi một chút, hiện đại và công nghệ hơn một chút xíu thôi", Thùy Linh bộc bạch.
Minh Phượng - 17 tuổi, trường THPT A Hải Hậu tâm sự: "Mình thấy đây cũng có thể được coi là một hình thức để lì xì, và nó cũng thân thuộc với những bạn trẻ hiện đại hơn. Nó có cái lợi là giúp những người xa quê không thể về được vẫn có được sự kết nối với người thân ở nhà, hay như mình thấy bây giờ việc thanh toán tiền cũng chủ yếu qua hình thức chuyển khoản khá nhiều. Nhưng nếu được chọn mình vẫn thích được nhận lì xì theo kiểu truyền thống hơn, cầm trên tay cái phong bao màu đỏ làm mình hào hứng lắm".
Là một người luôn yêu thích và giữ gìn những nét đẹp truyền thống của dân tộc, Mai Thị Mỹ Duyên (18 tuổi), sinh viên năm thứ nhất Đại học Sư phạm Hà Nội lại có những quan điểm khác. Mỹ Duyên cho rằng: "Trong thời kì dịch bệnh như hiện nay, mình ủng hộ việc lì xì online vì nó khá là tiện trong hoàn cảnh mọi người tránh tụ tập đông để phòng tránh dịch bệnh.
Nó cũng khá hợp lí vì giờ đây mọi người đều sử dụng điện thoại với các ứng dụng thông minh, cũng không phải ra ngân hàng để đổi tiền lẻ nữa, hạn chế sử dụng bao lì xì gây việc xả giấy.
Tuy nhiên cá nhân mình sẽ không ủng hộ việc này nếu không có cách vấn đề dịch bệnh. Việc trao nhau lì xì tận tay, gặp mặt nói những lời chúc tốt đẹp thì bao giờ cũng có không khí Tết hơn. Lì xì online thì sẽ không thể có được những điều đó. Nó giống như một bức tường vô hình ngăn cách con người với con người. Tết là để đoàn tụ, để sum vầy, để cùng nhau nói chuyện về 1 năm đã qua, ôn lại những kỉ niệm trong một năm qua.
Hãy thử tượng tượng tới một ngày mà Tết không có sự xuất hiện của bao lì xì đỏ và những khoản tiền mừng tuổi đi cùng với những lời chúc Tết thì lại được gửi qua những ứng dụng điện thoại,... chứ không phải là những lời được trực tiếp nói ra từ những người thân yêu, liệu đó có còn là Tết?".
Trao đổi với Dân Việt vấn đề này, PSG.TS Phạm Ngọc Trung - nguyên Trưởng khoa Văn hóa và Phát triển, Học viện Báo chí và Tuyên truyền cho rằng: "Ngược dòng thời gian, cách đây tầm năm đến bảy năm thì đã lác đác xuất hiện những người tận dụng công nghệ để nhắn tin, gửi lời chúc Tết hay là mừng tuổi online, nhưng thời điểm đó rất nhiều người không đồng tình.
Bởi vì họ cho rằng, chúc Tết hay lì xì phải trực tiếp chứ không phải qua mạng, nó là sự giao hòa giữa con người với con người trong bối cảnh mùa xuân vạn vật sinh sôi nảy nở. Đây thực ra chỉ là sự tiếp thu nhanh, vận dụng công nghệ thông tin vào cuộc sống của những người tân tiến. Nếu như xét một cách chặt chẽ thì nó cũng có một chút biến đổi, hiện đại hóa so với phong tục lì xì ngày xưa. Nhưng trong hai năm qua, trong thời điểm dịch bệnh này thì lì xì online lại trở nên rất hợp thời và người dân hầu hết cũng rất ủng hộ.
PSG.TS Phạm Ngọc Trung - nguyên Trưởng khoa Văn hóa và Phát triển, Học viện Báo chí và Tuyên truyền. Ảnh: HVBCTT.
Theo tôi, ở đây cũng đã có sự biển đổi về mặt nhận thức, sự thông cảm sẻ chia giữa các thế hệ, đặc biệt là giữa thế hệ trước, những người lớn tuổi với thế hệ trẻ bây giờ. Thế hệ những người già đã quen với nếp sống, văn hóa truyền thống, bây giờ công nghệ tác động vào, phải tiếp thu nếp sống, văn hóa mới đôi khi họ cũng còn phải phân vân.
Thế nhưng trong hai năm qua khi dịch bệnh bùng phát, các cụ cũng rất thoải mái và thông cảm với con cháu khi nhận được lì xì và những lời chúc Tết qua mạng đó. Ngược lại thì các cụ cũng dần phải thích nghi, sử dụng công nghệ để chúc tết con cháu qua điện thoại".
Nhưng cái gì cũng sẽ có tính hai mặt, lì xì online không phải không có những điểm hạn chế. PSG.TS Phạm Ngọc Trung chia sẻ: "Tất nhiên là nếu gặp mặt trực tiếp, trao gửi lì xì thì sẽ có sự cởi mở hơn và cũng chan hòa, tình cảm hơn. Điểm hạn chế nữa là không phải những người lớn tuổi nào cũng thạo công nghệ hay những người dân ở vùng quê, thành phố nghèo sẽ không có những thiết bị điện thoại thông minh. Chắc chắn rằn,g họ rất thương con cháu nhưng lại không biết hay không thể thao tác để lì xì được. Đây là những điều mà chúng ta cũng cần lưu ý, hiểu biết để cảm thông chia sẻ."
PSG TS Phạm Ngọc Trung cho rằng, lì xì online sẽ tiếp tục phát triển trong những dịp tết tới. Ảnh: Báo Lao Động.
Do sự xuất hiện và hoành hành của dịch bệnh nên trong dịp tết Nguyên Đán năm nay, ngoài lì xì online, nhiều người dân cũng sáng tạo, nghĩ ra những hình thức lì xì mới vô cùng độc đáo và thiết thực. Đó là lì xì bằng những hộp khẩu trang, lọ nước rửa tay diệt khuẩn hay những kit test nhanh Covid-19.
Về điều này, PSG TS Phạm Ngọc Trung cho biết: "Cũng như lì xì online, nếu xét một cách cặn kẽ nó cũng có sự biến đổi đi rồi. Văn hóa biến đổi theo lịch sử và hoàn cảnh thì trong trường hợp nhất định, cụ thể là dịch bệnh như bây giờ thì có thể thông cảm được.
Cũng có thể người dân lại thích vì tính thiết thực của nó hay cũng có những người sẽ không chấp nhận vì trong xã hội không thể có sự thống nhất tuyệt đối được. Nếu hiểu văn hóa theo nghĩa rộng, bản chất của lì xì là trao cho người kia một hiện vật gì đó, cầu mong một sự may mắn, theo tôi như vậy cũng là được".
"Chúng ta cần phải thao thác làm sao để chính xác nhất tránh tình trạng chuyển không đúng số tiền mong muốn hay chuyển nhầm người. Ngôn từ cần phải ngắn gọn, dễ hiểu, tránh tình trạng lì xì mà câu chữ quá dài thì cũng gây ra những phản cảm cho người nhận.
Đặc biệt là trong dịp Tết sẽ có nhiều tin nhắn, lì xì trong cùng một thời điểm dễ dẫn đến nghẽn mạng, chúng ta cần lưu ý cần đảm bảo được đường truyền, tránh tình trạng sát giao thừa chuyển lì xì và tin nhắn chúc Tết nhưng đến hôm sau mới nhận được thì cũng kém đi niềm vui bởi chờ đợi và cũng kém đi may mắn của đầu năm mới", PGS Phạm Ngọc Trung lưu ý.