Dân Việt

Năm Nhâm Dần nói về "Cha mẹ hổ": Phong cách dạy gây ám ảnh trẻ con thế giới

Tào Nga 05/02/2022 06:45 GMT+7
"Cha mẹ hổ" vô cùng yêu thương con cái, nhưng không có sự mềm mỏng đối thoại hay thương lượng. Họ đặt nhiều kỳ vọng ở con, đồng thời có thể bảo vệ hoặc đưa ra giới hạn quá mức cho con".

"Mẹ hổ" - Tiger Mother, là cụm từ miêu tả một phong cách nuôi dạy con có nguồn gốc từ quyển ký sự mang tên "Battle Hymn Of The Tiger Mother" (tạm dịch: "Bản thánh ca chiến đấu của người Mẹ hổ" ra mắt năm 2011. Tác giả Amy Chua là giáo sư tại trường Luật Yale (Yale Law School). 

Có cha mẹ là người Trung Quốc nhập cư đến Mỹ, Amy Chua và chồng, cũng là một giáo sư tại Yale Law School, đã cùng thống nhất với nhau rằng những đứa con của họ sẽ là người Do Thái và sẽ được nuôi dạy theo "cách Trung Hoa" – nghĩa là sự chăm chỉ cực độ của cha mẹ mang lại sự xuất sắc ở con, theo một vòng tuần hoàn, sự xuất sắc của con sẽ mang lại sự mãn nguyện cho cha mẹ.

Năm Nhâm Dần nói về "Cha mẹ hổ": Phong cách dạy gây ám ảnh trẻ con thế giới? - Ảnh 1.

Amy Chua và 2 con gái. Ảnh: Time

Amy Chua đã thành công với chiến lược cá nhân này, khi các con cô đạt thành tích học tập đáng nể. Cô con gái lớn Sophia là một thần đồng piano. Cô con gái thứ hai, Lulu, là một nghệ sĩ vĩ cầm tài năng. Người mẹ Amy Chua lèo lái sự chăm chỉ của các con để đảm bảo rằng hai cô bé phải luyện tập ít nhất 3 giờ mỗi ngày ngay cả trong kỳ nghỉ. Amy Chua đã đề cập trong quyển sách những điều các con cô không bao giờ được phép làm, ví dụ như:

- Đi ngủ qua đêm ở nhà bạn
- Đi chơi cùng các bạn bè
- Tham gia đóng kịch ở trường
- Phàn nàn về việc không được tham gia một vở kịch ở trường
- Xem TV hoặc chơi điện tử
- Chọn các hoạt động ngoại khóa theo ý muốn
- "Bị" bất kỳ điểm nào dưới điểm A
- Không đứng số 1 trong mọi môn học, ngoại trừ thể dục và kịch
- Chơi bất kỳ nhạc cụ nào khác ngoài piano hoặc violin
- Không chơi piano hoặc violin.

Làm "Cha mẹ hổ" - nghĩa là gì?     

Trao đổi với PV báo Dân Việt, Parent Coach Tú Anh Nguyễn, Chuyên gia tư vấn phụ huynh với chứng chỉ từ Academy for Coaching Parents International (ACPI), chuyên gia đào tạo phụ huynh về dạy con tích cực với chứng chỉ từ Positive Discipline Association, cho biết: "Tinh thần làm cha mẹ hổ kiểu Trung Hoa là khi các bậc cha mẹ tin rằng việc học ở trường luôn được đặt lên hàng đầu: điểm A - là điểm kém; con phải đi trước các bạn cùng lớp 2 năm trong môn toán; không bao giờ được khen con bạn ở nơi công cộng; nếu con không đồng ý với giáo viên hoặc huấn luyện viên, bạn phải luôn đứng về phía giáo viên hoặc huấn luyện viên; những hoạt động duy nhất mà con được phép làm theo ý muốn phải là những hoạt động mà chúng có thể giành được huy chương và huy chương phải là huy chương vàng.

Năm Nhâm Dần nói về "Cha mẹ hổ": Phong cách dạy gây ám ảnh trẻ con thế giới? - Ảnh 2.

"Cha mẹ hổ" - gây ám ảnh với nhiều đứa trẻ. Ảnh cắt từ clip

Các bậc cha mẹ Trung Quốc có thể làm những điều mà các bậc cha mẹ phương Tây dường như không thể tưởng tượng nổi – dù cho đó là những hành động hợp pháp. Các bà mẹ Trung Quốc có thể nói với con gái của họ, "Này béo quá rồi đấy - giảm cân đi". Ngược lại, các bậc cha mẹ phương Tây phải bóng gió xa gần về "sức khỏe", và con của họ cuối cùng vẫn phải điều trị chứng rối loạn ăn uống hoặc ám ảnh hình ảnh tiêu cực về bản thân... Các bậc cha mẹ phương Tây quan tâm đến tâm lý của con cái. Cha mẹ Trung Quốc thì dường như là không. Họ đề cao sự mạnh mẽ chứ không phải mong manh, điều này dẫn đến cách hành xử khác biệt của họ so với các cha mẹ phương Tây.

"Cha mẹ hổ" có thể được định nghĩa là cách nuôi dạy con áp dụng đồng thời các chiến lược nuôi dạy con tích cực lẫn tiêu cực. Họ vẫn vô cùng yêu thương con cái, nhưng không có sự mềm mỏng đối thoại hay thương lượng. Cha mẹ hổ đặt nhiều kỳ vọng ở con, đồng thời có thể bảo vệ hoặc đặt ra giới hạn quá mức cho con".

Làm "Cha mẹ hổ" – có chắc chắn dẫn con đến thành công?  

Parent Coach Tú Anh Nguyễn cho hay, các nhà khoa học đã đúc kết được có 4 phong cách làm cha mẹ phổ biến là cha mẹ thờ ơ, bỏ mặc; cha mẹ dễ dãi,; cha mẹ độc đoán, và cha mẹ quyết đoán. Trong bài báo cáo được công bố năm 1994 trên tờ Child Development, một trong những tập san hàng đầu về Tâm lý Phát triển trẻ em, nhà nguyên cứu Ruth Chao là một trong những người đầu tiên đặt ra câu hỏi: "Tại sao trẻ em người Mỹ gốc Á lại có kết quả học tập cao, khi các cha mẹ này thường bị xen là độc đoán trong phong cách nuôi dạy con cái?". 

Đây là một vấn đề quan trọng gây nhiều tranh luận trong xã hội phương Tây. Khi cha mẹ phương Tây áp dụng cách nuôi dạy con cái độc đoán, vô cùng nghiêm khắc và không thể hiện nhiều sự ấm áp, kết quả học tập ở trẻ em Âu Mỹ lại trở nên yếu kém.

Nuôi dạy con theo cách "Cha mẹ hổ" có thể mang lại một số "điểm cộng" như: gia tăng thành tích, trẻ có tính kỷ luật cao hơn, tinh thần trách nhiệm gia tăng, trẻ có mong muốn đạt thành công mạnh mẽ, trẻ có tham vọng với mục tiêu cao. Ngược lại, các "điểm trừ" mà cách nuôi dạy con kiểu hổ có thể xảy ra là: trẻ thường xuyên chịu căng thẳng và áp lực, dẫn đến nguy cơ trầm cảm, trẻ thường lo âu về giá trị bản thân và sự tự tin phụ thuộc vào thành tích, kỹ năng cảm xúc xã hội yếu, đề cao chủ nghĩa hoàn hảo với những mục tiêu không thực tế.

Một nghiên cứu được công bố vào năm 2013 cho thấy cách nuôi dạy con của "Cha mẹ hổ" không liên quan đến kết quả học tập vượt trội. Họ phát hiện ra rằng con cái của những cha mẹ hổ có thành tích học tập thấp hơn và tâm lý bất ổn hơn so với những đứa trẻ có cha mẹ nuôi dạy con theo cách hỗ trợ.

Năm Nhâm Dần nói về "Cha mẹ hổ": Phong cách dạy gây ám ảnh trẻ con thế giới? - Ảnh 3.

"Việc nuôi dạy con cái và làm cha mẹ phụ thuộc rất lớn vào đặc điểm riêng của mỗi gia đình và cả đặc điểm riêng của từng đứa trẻ", Parent Coach Tú Anh Nguyễn. Ảnh: NVCC

"Tôi nên làm cha mẹ theo kiểu gì?"

Theo Parent Coach Tú Anh Nguyễn, đa số các nghiên cứu về chủ đề làm cha mẹ hay các báo cáo về phương pháp nuôi dạy con hiện nay đều dựa trên các nhóm đối tượng ở phương Tây và các nước phát triển. Vì vậy, các yếu tố văn hóa – xã hội có ảnh hưởng thế nào đến việc làm cha mẹ và nuôi dạy con cần phải được cân nhắc một cách nghiêm túc. Bên cạnh đó, nhận định và mong đợi của trẻ em châu Á và trẻ em phương Tây về chính cha mẹ của chúng có nhiều điểm khác biệt.

Việc nuôi dạy con cái và làm cha mẹ phụ thuộc rất lớn vào đặc điểm riêng của mỗi gia đình và cả đặc điểm riêng của từng đứa trẻ. Bên cạnh việc thực hành phong cách nuôi dạy con quyết đoán, điều cốt yếu là từng bậc cha mẹ cần có khả năng xác định rõ giá trị riêng của gia đình mình là những điều gì, và phải hiểu rõ mục tiêu của cha mẹ khi nói rằng: "Tôi muốn con lớn lên thành công".