Địa danh được nhắc đến không đâu khác chính là xã Hoằng Lộc, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa - nơi nổi tiếng là cái nôi truyền thống hiếu học và khoa bảng xứ Thanh.
Cái nôi đất học
Không rõ vì sao Hoằng Lộc lại nổi danh với truyền thống hiếu học như thế. Nhưng có người cho rằng, do hình thể của xã vuông vức giống một cái nghiên lớn, còn con đường từ Nguyệt Viên về làng tựa như một cái bút đang chấm vào nghiên mực. Chính vì thế, tinh thần học tập ngấm sâu vào từng thế hệ những người con từ lúc sinh ra ở đây và danh sách khoa bảng mỗi năm cứ thế nối dài.
Chia sẻ với PV báo Dân Việt về lịch sử hiếu học của địa phương, ông Nguyễn Văn Kỳ, Chủ tịch Hội Khuyến học Hoằng Lộc tự hào chia sẻ, làng Ngọt viên có 21 vị Đại khoa trong tổng số 48 vị của toàn huyện.
Theo thống kê từ năm 1945 đến nay, xã có gần 100 người con là giáo sư, tiến sĩ. Có thể kể đến GS.TS Nguyễn Xuân Đặng, người có nhiều thành tích trong đào tạo sinh viên và nghiên cứu sinh, có đóng góp trong xây dựng đồ án thiết kế nhiều công trình thủy lợi lớn của đất nước; PGS Ngôn ngữ Bùi Khắc Việt; PGS Vật lý Nguyễn Bính; GS-TS Nguyễn Xinh, Thiếu tướng Lê Minh Hùng, TS Nguyễn Văn Hùng, TS Nguyễn Song Hoan, TS Nguyễn Thị Bạch Yến, TS Nguyễn Thị Anh Thơ,…
Trung bình mỗi năm cả xã có 30-35 học sinh đỗ đại học và tỷ lệ này càng ngày càng cao. Năm 2021, có tới hơn 60 học sinh của xã thi đỗ đại học, trong đó có 6 em đạt điểm 27 trở lên.
"Các gia đình ở Hoằng Lộc coi việc học là một nghề. Dù khó khăn, vất vả thế nào vẫn dành quỹ cho con cháu học tập. Có thể kể đến trường hợp của em Nguyễn Minh Tú, thủ khoa tốt nghiệp THPT năm 2021 khối A1 với 29,15 điểm. Bố ốm liên tục, mẹ bán hàng ở chợ nhưng anh em Tú vẫn nỗ lực học hành giỏi giang", ông Kỳ cho biết.
Được biết, Hoằng Lộc có tới 90% các gia đình hiếu học với 22 dòng họ lớn vang danh như dòng họ Nguyễn Hầu, Nguyễn Quỳnh… Các con cháu đều có ý thức học tập, nề nếp và bố mẹ luôn ưu tiên tạo điều kiện tốt nhất cho con. Theo ông Kỳ, trước đây cứ đến 7h30 tối là xã lại đánh kẻng báo hiệu thời gian các em học bài ở nhà.
Con cháu được vinh danh vào mỗi dịp Tết đến
Bất kỳ ai đến Hoằng Lộc cũng đều ấn tượng với Bảng Môn Đình (Đình Bảng) nằm ở giữa làng. Bảng Môn Đình được dựng lên từ thế kỷ 15, vừa là nơi tổ chức các hoạt động văn hóa, là nơi tôn vinh truyền thống học hành, khoa bảng chung của toàn xã. Chính vì vậy, di tích này đóng vai trò quan trọng trong việc động viên, khích lệ tinh thần học tập, rèn luyện nhằm phát huy tài năng, trí tuệ, phẩm chất, đạo đức của con em.
Có thể nói, sự tồn tại của Bảng Môn Đình đã củng cố và phát huy truyền thống hiếu học của người Hoằng Lộc. Đầu xuân năm 2021, nơi đây được UBND huyện Hoằng Hóa chọn làm nơi tổ chức lễ hội Bút Nghiên cho toàn huyện.
Ngoài ra, cứ đến mùng 3 Tết hàng năm, các chi hội ở các thôn lại tổ chức Tết Khuyến học, vinh danh con cháu học hành, thi cử đỗ đạt và trao học bổng cho những học sinh nghèo vượt khó trong năm qua.
Ông Nguyễn Văn Thanh, 69 tuổi, trưởng tộc, cháu đời thứ 9 của Nguyễn Quỳnh (hay còn được gọi là Trạng Quỳnh), đời thứ 14 dòng họ Nguyễn chia sẻ: "Dòng họ Nguyễn Quỳnh đến nay đã có 11 đời. Giữ gìn truyền thống từ đời xưa để lại, con cháu Nguyễn Quỳnh nói riêng và trong dòng họ Nguyễn nói chung luôn nâng cao tinh thần hiếu học, chăm chỉ noi gương nhau, thi cử đỗ đạt và làm rạng danh cha ông".
Trong bảng Truyền thống khoa bảng dòng họ Nguyễn ghi năm 2013, thống kê chưa đầy đủ cho thấy từ năm 1945 đến nay, chỉ tính cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ đã có 193 người. Đây là niềm tự hào mà không phải dòng họ nào trên đất nước Việt Nam cũng có được.
Ông Thanh cho biết thêm, để khuyến khích con cháu, dòng họ đã lập ra Ban Khuyến học với 4 thành viên phụ trách và được con cháu tham gia nhiệt tình. "Chúng tôi kêu gọi con em đóng góp quỹ chung mỗi dịp Tết đến và khi hết năm học sẽ tổng kết trao phần thưởng cho những học sinh, sinh viên có thành tích tốt. Nơi phát phần thưởng không đâu khác chính là ở nhà thờ Nguyễn Quỳnh", ông Thanh cho hay.
Được biết, trung bình năm nào dòng họ cũng trao quà cho 40-50 em. Đó là một ngày lễ đầy háo hức, tự hào, được chuẩn bị chu đáo cả băng rôn và làm lễ báo cáo tổ tiên. Năm 2021, dòng họ đã trao quà cho 12 em đỗ đại học, học sinh giỏi các cấp là 45 em. Năm nay, ngày mùng 1 Tết con cháu lại tụ họp về đây tiếp tục nhận phần thưởng.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.