Vị thuốc này có tác dụng bổ dưỡng cơ thể ngang nhân sâm. Con lậy (theo cách gọi địa phương) tuy có thể không quí bằng "đông trùng hạ thảo" nhưng được dân địa phương khai thác và chế biến thành món ăn đặc sản.
Lậy thuộc dạng ấu trùng sống trong đất bãi bồi dưới gốc cây mì (sắn), ngô, lau sậy, có nơi còn gọi là sùng mì, chúng xuất hiện từ tháng tám âm lịch đến đầu tháng mười một là hết.
Đầu mùa, lậy còn non màu trắng như sữa, mỗi con to bằng đầu đũa ăn cơm, đến tháng chín, tháng mười lớn bằng ngón tay út, sau đó lớn hơn, già đi và chuyển sang thể kén bao nhộng con.
Người ta chưa xác định được sau lần lột xác cuối cùng lậy thành con gì, chỉ biết theo dân gian lưu truyền lậy là món ăn ngon, bổ dưỡng. Muốn bắt lậy phải đào tìm trong đất phù sa, chúng thường nằm dưới gốc mì, bắp, lau lách triền sông, số lượng nhiều sau những trận lụt ngập bãi.
Người địa phương cho lậy là côn trùng sạch, bởi chúng sinh sôi ở những vùng đất phù sa thiên nhiên, xa khu dân cư và ăn rễ các loại cây không độc hại.
Chúng thường ở cạn, đào dưới mặt đất là có ngay, nhưng cũng có khi phải đào sâu vài lưỡi cuốc mới tìm thấy. Nơi nào phun nhiều thuốc trừ sâu hay thuốc diệt cỏ thì hầu như không tìm được lậy.
Lậy đào được đem về rửa sạch đất cát, luộc qua cho chín vừa, sau đó ướp gia vị hành, tiêu, ớt, tỏi, củ sả tươi, mắm muối như ướp thịt, càng nhiều sả càng thơm, và cần một khoảng thời gian ngắn cho gia vị ngấm đều rồi mới làm các món ăn.
Từ công đoạn này về sau lậy được chế biến thành ba món ngon: lậy chiên dòn, nướng và nấu rút. Món chiên dòn, bằng cách cho lậy vào dầu sôi để thực phẩm chín, nhưng không bị sém cháy, có thể phít bột, chiên xù như chiên xù cá rô đồng, mực,…
Món thứ hai lậy nướng, bằng cách cho số đã thấm gia vị lên vỉ rồi đặt trên bếp than rực đỏ. Trở vỉ nhiều lần và xem thấy lậy chín đều, bay mùi thơm ngon là dùng được.
Cả hai món trên, tùy sở thích có thể ăn cuộn với lá lốt non, lá mơ, rau díp, xà lách, bánh tráng mỏng rau sống,...Hương vị của chúng khá lạ, vừa béo vừa thơm ngọt, không giống các thức ăn thường gặp.
Món thứ ba theo cách gọi dân gian là nấu rút, bằng cách cho lậy đã ướp gia vị vào xoong, nồi thêm dầu phụng khử chín, một ít nước dừa non và nấu nhỏ lửa đến cạn nước, bốc mùi thơm thì nhắc khỏi bếp và đem dùng. Lậy nấu rút có thể ăn với bánh tráng chín giòn, với cơm,… đều ngon và hấp dẫn.
Thức uống kèm theo với ba món trên có thể mọt ít rượu hay bia tùy ý. Lậy là món ăn đãi khách, tuy có vẻ dân giã nhưng hiếm. Kinh nghiệm dân gian cho rằng ăn lậy không những bổ dưỡng cơ thể, tăng sinh lực, mà còn có tác dụng chữa đau khớp hay bệnh gút nữa.