Nuôi tôm càng xanh trong ao đất, nông dân Quảng Ngãi bắt lên toàn con to bự, bán 160.000 đồng/kg
Quảng Ngãi: Nuôi tôm càng xanh bắt lên toàn con to bự, nông dân bán 160.000 đồng/kg
Mạnh Hùng - Trần Hậu
Thứ sáu, ngày 07/01/2022 19:03 PM (GMT+7)
Năm 2021, được sự hỗ trợ kỹ thuật của Trung tâm Khuyến nông tỉnh Quảng Ngãi, mô hình nuôi tôm càng xanh của anh Huỳnh Trọng Tiễn ở xã Bình Chương, huyện Bình Sơn đã thành công.
Trò chuyện cùng phóng viên Dân Việt, anh Huỳnh Trọng Tiễn cho biết, năm 2020 anh thuê đất đào ao và xây 20 bể xi măng để nuôi tôm càng xanh, anh thả nuôi lứa tôm càng xanh đầu tiên với gần 20.000 con tôm giống.
Nhưng vì chưa nắm được đặc tính sinh học của tôm càng xanh cũng như kỹ thuật nuôi tôm càng xanh nên sau khi thả nuôi, tôm hao hụt nhiều, chưa đến một tháng đã có hơn 80% con giống bị chết.
Để học hỏi kỹ thuật nuôi tôm càng xanh và kinh nghiệm nuôi tôm càng xanh thương phẩm, anh Tiễn đã tìm đến Trung tâm Khuyến nông tỉnh Quảng Ngãi xin tham gia thực hiện mô hình nuôi tôm càng xanh thương phẩm trong ao đất.
Sau khi khảo sát thực tế điều kiện ao nuôi của anh Tiễn, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Quảng Ngãi đã hỗ trợ anh Tiễn thực hiện mô hình nuôi tôm càng xanh thương phẩm trong ao đất trên diện tích 4.000 m2, với 80.000 con tôm giống (mật độ 20 con/m2).
Tôm giống có kích cỡ đồng đều từ 2 cm/con trở lên. Tôm giống có màu sắc tươi sáng, khỏe mạnh, không bị dị tật, không có dấu hiệu bị nhiễm bệnh và được kiểm dịch đúng theo quy định.
Trong suốt thời gian thực hiện mô hình, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Quảng Ngãi đã cử cán bộ kỹ thuật thường xuyên theo dõi và hỗ trợ kỹ thuật nuôi tôm càng xanh cho anh Tiễn. Nhờ đó, anh Tiễn đã nhanh chóng nắm bắt được kỹ thuật nuôi.
Anh Tiễn cho biết thêm, do giống tôm càng xanh phải đặt mua từ các tỉnh phía Nam nên thời gian vận chuyển dài, khi về đến ao nuôi nếu thả ngay tôm giống ra ao nuôi, tôm sẽ bị sốc nhiệt độ và các yếu tố môi trường nước, dẫn đến tôm giống bị hao hụt nhiều.
Vì vậy, phải thả tôm giống vào thùng xốp có sục khí sau đó thêm nước ao nuôi vào thuần giống trong 1 – 2 giờ rồi mới thả tôm giống từ từ ra ao nuôi.
Ông Phạm Văn Long, Bí thư Chi bộ thôn Nam Thuận, xã Bình Chương cho biết: Trước giờ, người dân xã Bình Chương chúng tôi chỉ quen với việc nuôi các loài cá như cá mè, cá trôi, cá trắm cỏ, cá chép, cá rô phi cho thu nhập thấp.
Nông dân trong thôn chưa bao giờ nghĩ đến chuyện nuôi con tôm càng xanh, bởi theo người dân con tôm chỉ được nuôi ở các địa phương ven biển.
Mô hình nuôi tôm càng xanh của gia đình anh Tiễn là mô hình đầu tiên được triển khai tại xã Bình Chương, chúng tôi thấy rất lạ nhưng cũng rất hiệu quả, thu nhập từ con tôm càng xanh cao hơn nhiều so với sản xuất lúa hay chăn nuôi truyền thống trước đây.
Thông quan mô hình mà anh Tiễn biết được, tôm càng xanh có đặc tính ăn thịt lẫn nhau, nhất là khi tôm lột xác, những con tôm khỏe sẽ ăn thịt những con tôm mới lột xác.
Để nâng cao tỷ lệ sống của tôm nhất định phải thả chà xuống ao nuôi nhằm tạo nơi ẩn nấp cho tôm khi lột xác, đồng thời anh thả thêm bèo để vừa che mát vừa duy trì nhiệt độ nước. Bên cạnh đó, thì các yếu tố môi trường nước như nhiệt độ, pH nước được anh thường xuyên theo dõi và kiểm tra để có biên pháp xử lý kịp thời.
"Để duy trì ổn định pH nước thì định kỳ 7 – 10 ngày dùng vôi với liều lượng 2 – 3 kg/100m2 ao, vôi được hòa tan trong nước rồi mới tạt đều xuống ao nuôi, vì vậy pH nước ao nuôi tôm càng xanh của gia đình tôi luôn được duy trì trong khoảng 7,5 – 8,5. Ngoài tác dụng duy trì ổn định môi trường nước, vôi còn có tác dụng phòng bệnh cho tôm...", anh Tiễn chia sẻ kinh nghiệm.
Nhờ áp dụng đúng quy trình kỹ thuật, sau gần 6 tháng nuôi, tôm càng xanh đạt trọng lượng bình quân hơn 30g/con (30 con/kg), tỷ lệ sống đạt trên 50%, với giá bán hiện tại 160.000 đồng/kg, tổng thu từ tôm càng xanh đạt hơn 226 triệu đồng. Trừ các khoản chi phí, gia đình anh Tiễn còn lãi 50 triệu đồng.
Mô hình nuôi tôm càng xanh có thể nhân rộng được
Nhằm chủ động nguồn thức ăn cho tôm càng xanh, anh Tiễn sử dụng thức ăn công nghiệp, trong tháng nuôi đầu cho tôm ăn 7% – 10% trọng lượng thân, sau đó giảm dần đến tháng nuôi cuối còn 3% trọng lượng thân.
Cho tôm càng xanh ăn 2 lần/ngày, lượng thức ăn buổi sáng bằng 1/3 buổi chiều, do tôm hoạt động mạnh về đêm.
Người nuôi thường xuyên bổ sung vitamin C, men vi sinh, vitamin tổng hợp để tăng cường hệ miễn dịch và kích thích tăng trưởng tôm nuôi. Vì tôm càng xanh có kích cỡ càng lớn thì giá bán càng cao, nhất là hiện chỉ còn khoảng 1 tháng nữa là đến dịp Tết Nguyên đán, nên anh Tiễn tiếp tục nuôi để thu được lợi nhuận cao hơn.
Anh Tiễn cho biết, bằng những kinh nghiệm và kiến thức đã học được từ mô hình, anh sẽ tiếp tục học hỏi và nghiên cứu để nuôi tôm càng xanh thương phẩm trong bể xi măng.
Hiện anh đã xây được 20 bể xi măng với tổng diện tích 1.000 m2, anh dành ra khoảng 15 bể tương đương 750m2 để nuôi tôm càng xanh thương phẩm, còn lại 5 bể để nuôi thử nghiệm ốc bươu đen (ốc nhồi).
Anh Phan Trọng Mến, cán bộ kỹ thuật của Trung tâm Khuyến nông tỉnh Quảng Ngãi, người trực tiếp theo dõi mô hình cho biết, qua mô hình nuôi tôm càng xanh thương phẩm trong ao ở xã Bình Chương, huyện Bình Sơn của anh Huỳnh Trọng Tiễn.
Anh Mến nhận thấy, tôm càng xanh thích ứng rất tốt với điều kiện thời tiết, khí hậu và thổ nhưỡng ở địa phương. Tôm càng xanh là giống tôm có kích thước lớn, thịt thơm ngon rất được thị trường ưa chuộng, và là mặt hàng có giá trị kinh tế cao. Tuy nhiên, nguồn vốn đầu tư lại khá cao và tiềm ẩn nhiều rủi ro, dễ thất bại nếu người nuôi không nắm vững kỹ thuật.
"Để nuôi tôm càng xanh cho năng suất, sản lượng cao thì người nuôi cần phải nắm rõ các đặc điểm tập tính sinh sống của giống tôm này, phải chọn con giống có nguồn gốc rõ ràng, không bị nhiễm bệnh, kích cỡ đồng đều, bơi lội linh hoạt, màu sắc tươi sáng, không nên thả nuôi với mật độ quá dày, sử dụng loại thức ăn và quản lý việc cho ăn phải phù hợp, không quá nhiều, cũng không quá ít. Đặc biệt cần chú trọng đến khâu cải tạo ao nuôi, xử lý nguồn nước…", anh Mến khuyến cáo.
Thành công của mô hình nuôi tôm càng xanh thương phẩm trong ao đất lần đầu tiên được triển khai tại xã Bình Chương, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi đã góp phần đa dạng hóa các hình thức nuôi thủy sản nước ngọt của địa phương, mở ra triển vọng phát triển và nhân rộng các mô hình kinh tế mang lại hiệu quả cao, từ đó nâng cao thu nhập cho người nông dân.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.