Đúng như bạn nhận định, năm nay dịch bệnh kéo dài khiến mọi thứ trở nên khó khăn. Việc sản xuất hài Tết vì thế mà bị ảnh hưởng rất nhiều. Bởi vốn dĩ làm hài Tết phải có sự tài trợ hoặc đồng hành của các nhãn hàng, thương hiệu, doanh nghiệp… thì mới có kinh phí để đầu tư mạnh tay được.
Dẫu vậy, dịp cuối năm vừa qua tôi vẫn nhận được khá nhiều lời mời đóng phim. Tôi tham gia một số phim như: Bản leng keng, Hài hại não, Đại gia chân đất, Làng ế vợ, Chạm vào hạnh phúc, Tết online, Lộc Xuân… Việc tham gia nhiều phim khiến tôi không có nhiều thời gian để lo cho gia đình nhưng vì yêu nghề và không muốn phụ sự yêu mến của khán giả nên tôi nhận lời hết.
Năm nay là năm đầu tiên người bạn diễn thân thiết của anh là nghệ sĩ Giang Còi đi xa. Những lúc như thế này, anh có nhớ nhiều về bạn diễn của mình không?
Thực sự mà nói, lúc biết tin anh Giang Còi bị bệnh hiểm nghèo, tôi cũng đã chuẩn bị tinh thần cho tình huống xấu nhất. Tôi đã cố gắng suy nghĩ theo hướng tích cực rằng ai rồi cũng phải đi theo vòng luân hồi "sinh – lão – bệnh – tử" nhưng vẫn không tránh được nỗi buồn đè nặng.
Anh Giang còn đam mê nghệ thuật và còn tràn trề nhựa sống, vậy mà đã phải dừng lại tất cả quá sớm. Sự ra đi của anh Giang đối với tôi là một sự mất mát lớn. Bởi trong nhiều năm liền, chúng tôi gắn bó với nhau trên khắp mọi "mặt trận", trở thành cặp bài trùng không ai có thể thay thế.
Mỗi lần làm phim lại nhớ đến những kỷ niệm với người bạn diễn của mình. Vì dấu ấn đầu tiên của chúng tôi trong lòng khán giả để hai cái tên Quang Tèo – Giang Còi tồn tại đến ngày nay cũng là nhờ cái duyên diễn chung.
Mặc dù mười mấy năm rồi chúng tôi không có dịp diễn chung nhiều như trước nhưng vẫn luôn xem nhau là anh em, bạn bè, tri kỷ. Cách đây không lâu, tôi với anh Giang lại được đóng chung phim hài "Tết lo phết". Sau này, sở dĩ chúng tôi không đóng chung với nhau nhiều là bởi anh Giang nghiêng về sáng tác kịch bản và đạo diễn phim. Hồi tôi làm gần 500 tập phim "Nhà nông vui vẻ" cũng không đóng với anh Giang mà đóng với NSND Quốc Anh.
Anh Giang Còi cả một đời vất vả, cuộc sống khắc nghiệt. Trước đây, gia đình anh ấy ở căn phòng bé tí trên tầng 5 tập thể trên khu Nghĩa Tân, Hà Nội. Gia đình anh ấy, mẹ vẫn còn, một vợ hai con cùng sống ở đó. Nhưng vì chật chội quá nên cô vợ anh ấy không chịu được nên đã bỏ đi. Anh ấy buồn quá nên cố gắng mua một miếng đất nhưng lại là đất trong dự án.
Tôi vẫn nói với anh Giang là trong phim ảnh, anh em mình suốt ngày nuôi lợn, chăn vịt rồi… cố gắng làm sao để cuộc sống ngoài đời đỡ vất vả hơn. Anh ấy trên phim gắn liền với nghiệp nhà nông rồi khi về già cũng gắn với nghiệp này. Nhiều lần gặp tôi thấy anh vất vả quá, quần áo lúc nào cũng xắn ống lợn, chân thấp chân cao... Đến khi mất, anh ấy cũng mất trong thời điểm dịch bệnh nên anh em, bạn bè, đồng nghiệp… không đến chia sẻ được. Thương người anh của mình mà không không biết làm sao được.
Kỷ niệm đi diễn với nhau thì nhiều lắm. Cách đây hơn chục năm, vào dịp Tết, anh Giang nhận lời mời đi diễn đúng 30 Tết ở Hạ Long. Thời điểm đó, tôi có nói vui: "Làm cả năm rồi, bây giờ mấy ngày Tết phải nghỉ ngơi cho khỏe khoắn, còn phải làm cơm thắp hương cho Tổ tiên đấy".
Nhưng anh Giang bảo: "Thôi, Tổ tiên chắc cũng thông cảm vì công việc, thắp hương trước. Cát-sê họ trả cũng cao, anh em cố gắng bỏ đi một cái Tết để phục vụ bà con". Thế là anh em lên đường đi diễn đúng hôm 30 Tết mà lòng dạ ngổn ngang. Hôm đấy chúng tôi diễn cùng cả nhóm Tam ca 3A và một số ca sĩ nổi tiếng khác.
Hôm đó, tôi không biết cậu bầu sô là ai nên bảo anh Giang lấy cát-sê đã rồi mới diễn nhưng anh Giang bảo cứ yên tâm, không phải lo lắng. Thế rồi hai anh em cặm cụi diễn, diễn xong thì ông bầu sô đã ôm cả thùng tiền bán vé cao chạy xa bay. Cả nhóm âm thanh, ánh sáng và nghệ sĩ bơ vơ ở đấy giữa trời đêm, bụng đói mà không biết tìm gì để ăn bởi lúc đó cũng gần đến giao thừa, trong khi trước đó chúng tôi nhịn đói suốt từ 5 giờ chiều.
Vừa đói, vừa rét… cả nhóm quyết định chờ đến 5 giờ sáng để đòi tiền nhưng bầu sô vẫn không quay lại. May là sáng hôm sau, vào cái đồn công an gần đó, mấy anh công an có cái bánh chưng thắp hương đưa cho hai anh em ăn. Năm đó, trên đường về, chúng tôi bảo nhau "đầu năm thế này chắc cả năm đói meo" (cười).
Sau này, các anh có thường xuyên nhận lời đi diễn Tết thế không?
Không, thường thường, chúng tôi diễn trước Tết và sau Tết. Bình thường ít nhất cũng mùng 4 mới đi, con trước thì đến 26 là cùng thôi, vì giáp Tết người ta cũng về quê chứ. Hai anh em có cái tật là "không ngồi sau xe người khác lái". Đi diễn vào tới Nghệ An mà hai anh em vẫn mỗi người một xe.
Nghỉ hưu, anh vẫn đi diễn rất nhiều. Người ta đặt cho anh biệt danh "ông hoàng hài Tết". Anh nghĩ sao về danh xưng này?
Tôi nghĩ không phải thế đâu. Thứ nhất, xuất phát điểm của tôi là sĩ quan quân đội, làm việc nghiêm túc, có kỷ luật cao. Thứ hai, tôi đã nhận lời thì phải làm. Cái nghề này nó khác các nghề khác là dù có thương em đến mấy cũng không thể diễn thay nhau được. Mình xuất hiện trước công chúng nên luôn phải ý thức vai diễn của mình. Thế thì các đạo diễn, các bầu sô họ mới yên tâm, tin tưởng mình được.
Thứ nữa, phải liệu cơm gắp mắm, không thể nặng vấn đề tiền được. Ví dụ, họ nói, chương trình này họ chỉ xin được ngần này tiền, anh em chia sẻ với nhau thì mình cũng không thể nặng nề phải bao nhiêu tiền mình mới hợp tác. Cái phim "Lộc Xuân" phát dịp Tết vừa rồi của Nam Minh Media cũng vậy.
Bạn Đinh Hường – nhà sản xuất là chỗ thân quen rồi nên khi bạn ấy hỏi vấn đề cát-sê tôi cũng nói luôn rằng: "Anh em làm việc với nhau bao nhiêu năm, chuyện đó không quan trọng. Em xin được nhiều tài trợ thì em trả nhiều, xin được ít thì em trả ít, kể cả không có cũng không vấn đề gì". Mình là nghệ sĩ, điều quý giá nhất là được anh em tin yêu, quý mến và luôn muốn được hợp tác.
Nghệ sĩ như chúng làm gì có nhiều tiền, chỉ mấy ca sĩ bên dòng nhạc thị trường mới rủng rỉnh được. Mà nếu có tiền thì một cái phim từ sáng tới tận đêm làm gì có thời gian nào để rủng rỉnh đâu (cười lớn). Nhiều khi cứ nói vui với nhau, bọn mình bận quá không còn thời gian để tiêu tiền nên tiền cứ nằm lì trong két sắt.
Nói chung, tôi sống được bằng nghề diễn. Trước đây, tôi phục vụ trong quân đội 34 năm, gần như tất cả các đơn vị trong toàn quân, tôi từng đặt chân đến biểu diễn. Đảo Trường Sa tôi cũng ra rồi, say sóng gần chết, nằm truyền nước hai ngày, sau đó ăn cháo gần một tuần. Các nơi vùng sâu vùng xa cũng lặn lội tới, quần xăn quá gối, đi bộ cả mấy cây số để vào bản phục vụ đồng đội của mình. Trong quân đội phục vụ chính trị là chủ yếu nên gần như không có tiền.
Sau khi nghỉ hưu, tôi làm việc nhiều hơn và công việc cũng cho mình có nhiều thu nhập hơn. Trước đây vất vả mười, bây giờ cũng đỡ được chín phần rồi. Phải nói rằng, tôi là nghệ sĩ được Tổ nghiệp yêu thương, sống được bằng nghề, nuôi vợ nuôi con. Vợ tôi không làm gì, chỉ ở nhà lo gia đình, con cái thôi. Tôi là trường hợp khá đặc biệt trong giới nghệ sĩ khi một mình làm việc nuôi cả gia đình, vẫn mua được nhà, mua được xe.
Nhiều năm làm nghề, anh nghĩ điều gì tạo nên sức hút của cái tên Quang Tèo?
Cái tên Quang Tèo có từ ngày xưa rồi nhưng nổi bật lên khi kết hợp với Giang Còi. Đó là công lớn của Đạo diễn, NSND Khải Hưng, chính ông đã nối ghép Quang Tèo với Giang Còi thành một cặp. Và sau đó, nhờ nghiêm túc với nghề, chịu khó trau dồi chuyên môn và không ngừng nâng cao kiến thức thì dần dần phất lên, khẳng định tên mình trong lòng khán giả.
Trước đây, tôi chỉ làm việc ở nhà hát thôi, những lúc đoàn rảnh, tôi mới diễn ngoài. Quân đội họ quản lí rất chặt, mình lách đi được, khẳng định được tên tuổi là sự thành công nhưng cũng vất vả hơn các nghệ sĩ khác. Mà phải nói, nghệ sĩ quân đội vất vả gấp mười lần nghệ sĩ các nhà hát khác vì quân đội diễn toàn vùng sâu vùng xa. Nhiều khi đói vẫn phải bốc vác để xong sân khấu rồi ăn, ăn xong lên diễn, diễn xong lại dọn đưa lên xe chuyển điểm cho hôm sau.
Cảm ơn nghệ sĩ Quang Tèo đã chia sẻ thông tin.