Thông thường vào những ngày mùng 6 Tết âm lịch, bà con nông dân các dân tộc trên địa bàn tỉnh Hoà Bình thường cùng nhau chuẩn bị đồ đạc, dụng cụ lao động, rồi chọn giờ đẹp để xuống đồng hoặc lên nương rẫy đi làm.
Trao đổi với PV, già làng Bùi Văn Ỉnh, xã Quyết Chiến (huyện Tân Lạc, tỉnh Hoà Bình cho hay, người Mường quan niệm ngày 30 Tết là thời điểm quan trọng nhất trong năm để các thành viên trong gia đình đoàn viên bên mâm cơm sum vầy.
Qua ngày 30 Tết sẽ tổ chức đến thăm anh, em họ hàng và hàng xóm láng giềng chúc năm mới. Tiếp đó đến ngày mùng 4 âm lịch, nếu gia đình nào có điều kiện kinh tế khá giả thì tổ chức du xuân, còn không thì sẽ tổ chức bữa cơm xum vầy bên bạn bè.
Đến ngày mùng 6 âm lịch là ngày đẹp được người dân chọn là ngày khai xuân đi làm như những ngày bình thường khác. Từ xưa đến nay, người dân trong xã đều thực hiện như vậy.
Theo tìm hiểu của PV, không riêng gì người dân tộc Mường, Kinh, Thái... mà đa số bà con các dân tộc thiểu số sinh sống trên địa bàn tỉnh Hoà Bình đều chọn ngày đi làm đồng và nương rẫy rất sớm.
Họ không tổ chức ăn Tết, liên hoan kéo dài như thời xa xưa, họ quan niệm rằng càng tổ chức Tết kéo dài sẽ càng gây tốn kém, làm ảnh hưởng đến thu nhập kinh tế của gia đình. Bởi vậy, mỗi gia đình đều chọn cho mình những khung giờ đẹp để tổ chức lao động sản xuất, mong 1 năm mới an khang thịnh vượng, phát lộc, phát tài, mùa màng bội thu.
Năm 2021, đại dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, tác động tới mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội của đất nước nói chung và cuộc sống của nhân dân tỉnh Hoà Bình nói riêng.
Trong bối cảnh đó, Đảng bộ, chính quyền, lực lượng vũ trang, cộng đồng doanh nghiệp và người dân các dân tộc trên địa bàn tỉnh Hoà Bình đã phát huy tinh thần đoàn kết, đổi mới, sáng tạo; triển khai nhiều giải pháp quyết liệt, đồng bộ và hiệu quả nhằm thực hiện "mục tiêu kép" vừa phòng chống, ngăn chặn, đẩy lùi dịch bệnh, vừa thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an sinh, an toàn xã hội.
Trước tình hình dịch bệnh còn phức tạp, tác động trực tiếp đến cuốc sống của người dân, vì vậy bà con đã chọn cách ăn Tết tiết kiệm, không gây lãng phí. Đồng thời, tập trung nguồn lực và rút ngắn thời gian ăn Tết tổ chức đi làm sớm để nâng cao thu nhập cho gia đình.
Theo ông Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoà Bình cho biết, trong năm 2021 tăng trưởng kinh tế của tỉnh ước đạt 2,66% (nếu loại trừ nhà máy thủy điện Hòa Bình thì tăng trưởng GRDP toàn tỉnh đạt mức 5,5%), GRDP bình quân đầu người đạt 61,5 triệu đồng.
Tổng mức đầu tư toàn xã hội ước trên địa bàn tỉnh đạt 17.105 tỷ đồng. Tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn tăng 36% so với năm 2020. Tổng chi ngân sách địa phương ước bằng 95% so với năm 2020.
Đặc biệt, kim ngạch xuất khẩu cả năm ước đạt 1.218 triệu USD, tăng 18,02% so với năm 2020. Kim ngạch nhập khẩu ước đạt 980 triệu USD, tăng 12% so với năm 2020. Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch đúng hướng, tỷ lệ đô thị hóa đạt 31,6%. Tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 6,6%.
Tỉnh Hòa Bình đã thực hiện nghiêm kế hoạch đầu tư công, kịp thời rà soát, điều chỉnh kế hoạch đầu tư công năm 2021. Ước cả năm hoàn thành giải ngân 100% kế hoạch vốn đầu tư công được giao.
Kỳ vọng lớn trong năm mới 2022, tình hình dịch bệnh Covid-19 sẽ được đẩy lùi hoàn toàn, để người dân có cuộc sống an yên và có điều kiện phát triển kinh tế, xoá đói giảm nghèo tại địa phương.
Thời gian qua lĩnh vực sản xuất nông, lâm nghiệp, thuỷ sản tiếp tục có đóng góp quan trọng, là "trụ đỡ" trong nền kinh tế với mức tăng trưởng 1,9% so với năm 2020. Đặc biệt, một số sản phẩm của tỉnh Hoà Bình đã tiếp cận được các thị trường khó tính ở châu Âu như: Mía ăn tươi xuất khẩu sang Đức, Anh; sản phẩm măng, miến dong xuất khẩu sang Hà Lan, Nhật Bản...
Trên địa bàn tỉnh Hoà Bình có thêm 9 xã đạt chuẩn nông thôn mới, nâng tổng số xã về đích nông thôn mới lên 65 xã, bằng 50,4% số xã, cao nhất vùng Tây Bắc; có thêm 31 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP cấp tỉnh, hiện, toàn tỉnh đã có 100 sản phẩm OCOP.