Những cái tên góp mặt vào TOP 10 lợi nhuận ngân hàng vẫn tương tự như năm 2020 bao gồm: Vietcombank, Techcombank, VietinBank, MB, VPBank, Agribank, BIDV, ACB, HDBank, VIB. Nhóm 10 ngân hàng dẫn đầu lợi nhuận này làm ra tới 78,5% tổng lợi nhuận của 27 ngân hàng. Trong đó, riêng 4 "ông lớn" ngân hàng quốc doanh làm ra 73.000 tỷ đồng trong năm 2021 (chiếm 37% tổng lợi nhuận trước thuế của 27 ngân hàng được Dân Việt thống kê).
Quán quân lợi nhuận năm 2021 vẫn thuộc về "ông lớn" ngân hàng quốc doanh Vietcombank với con số lợi nhuận trên 27.376 tỷ đồng, tăng 19% so với năm 2020.
Với hơn 23.200 tỷ đồng, Techcombank là ngân hàng lợi nhuận tỷ USD thứ 2 của hệ thống sau Vietcombank. Với con số lợi nhuận này, Techcombank cũng chính thức "vượt mặt" "ông lớn" VietinBank, trở thành á quân lợi nhuận năm 2021. Trước đó, năm 2020, Vietinbank báo lãi trước thuế hơn 17.000 tỷ đồng lợi nhuận, trong khi Techcombank chỉ lãi 15.800 tỷ đồng.
Đứng thứ 3 trong bảng xếp hạng lợi nhuận với 17.589 tỷ đồng, song tăng trưởng lợi nhuận của VietinBank năm nay có phần khiêm tốn hơn so với các ngân hàng còn lại với mức tăng trường xấp xỉ 3% so với năm 2020.
MB có một năm kinh doanh ấn tượng với lợi nhuận đạt hơn 16.500 tỷ đồng, vượt cả VPBank (14.580 tỷ đồng) và Agribank (14.500 tỷ đồng).
Mặc dù đứng vị trí thứ 5 trong bảng xếp hạng với hơn 14.500 tỷ đồng lợi nhuận hợp nhất trước thuế, song VPBank xác lập kỷ lục mới về lợi nhuận riêng lẻ với hơn 38.000 tỷ đồng trong năm 2021. Hiện, VPBank là ngân hàng có lợi nhuận riêng lẻ cao nhất hệ thống ngân hàng Việt Nam, bỏ xa các ''ông lớn'' trong ngành như Vietcombank, BIDV hay VietinBank.
Động lực chính giúp lợi nhuận riêng lẻ ngân hàng mẹ tăng phi mã đến từ thương vụ bán 50% vốn tại FE Credit.
Cụ thể, hoạt động đầu tư và thoái vốn tại công con trong năm qua đóng góp 24.000 tỷ đồng lợi nhuận. Trong đó, riêng thương vụ chuyển nhượng vốn tại FE Credit, thương vụ M&A lớn nhất trong lịch sử lĩnh vực tài chính Việt Nam là 20.352 tỷ đồng.
4 ngân hàng tiếp theo lọt Top 10 lần lượt là BIDV (13.601 tỷ đồng), ACB (12.000 tỷ đồng), HDBank (8.069 tỷ đồng) và VIB (8.011 tỷ đồng).
Xét về tốc độ tăng trưởng lợi nhuận, lợi nhuận của Kienlongbank tăng vọt 539%, từ 158 tỷ đồng lên 1.010 tỷ đồng. Đây cũng là năm đầu tiên Kienlongbank cán mốc lợi nhuận nghìn tỷ.
Tiếp theo là VietABank (VAB) và MSB với con số tăng trưởng lợi nhuận trên 3 con số, đạt lần lượt 844 tỷ đồng và 5.044 tỷ đồng.
Các ngân hàng khác có lợi nhuận tăng trưởng mạnh so với năm ngoái bao gồm SHB (90%), PG Bank và Viet Capital Bank (55%), LienVietPostBank (50%), Techcombank (47),...
Trái ngược với xu hướng chung, Eximbank và NCB đi lùi về lợi nhuận trong năm 2021. Cụ thể, Eximbank báo lãi trước thuế 1.205 tỷ đồng (giảm 10%) và NCB "bốc hơi" 43% lợi nhuận chỉ còn hơn 2 tỷ đồng. Nguyên nhân chính khiến lợi nhuận Eximbank sụt giảm do chi phí dự phòng rủi ro cao gấp rưỡi năm trước, trong khi lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh chỉ tăng nhẹ 9,4%, trong khi đó dự phòng rủi ro tại NCB tăng tới 5 lần so với cùng kỳ năm 2020.
Đánh giá tình hình kinh doanh của hệ thống ngân hàng, các tổ chức tín dụng (TCTD) cho biết có sự phục hồi và "cải thiện" rõ rệt trong quý IV/2021 so với quý trước. Dự báo cho thời gian tới, 72,2 - 84,2% TCTD kỳ vọng tình hình kinh doanh cải thiện hơn trong quý I và cả năm 2022 với mức độ cải thiện cao hơn so với năm 2021.
Trong quý I/2022, 49,5% TCTD kỳ vọng kết quả hoạt động kinh doanh tăng trưởng so với quý IV/2021, trong đó chủ yếu là "tăng nhẹ" (46,5% TCTD lựa chọn), 42,6% TCTD kỳ vọng "không đổi" và 7,9% TCTD lo ngại kết quả hoạt động kinh doanh suy giảm nhẹ.
Dự kiến cho năm 2022, 95% TCTD kỳ vọng lợi nhuận trước thuế của đơn vị tăng trưởng dương, 3% kỳ vọng không đổi và 2% TCTD lo ngại lợi nhuận "giảm".
Đánh giá về triển vọng ngân hàng 2022, các chuyên gia tại Công ty chứng khoán VNDirect lại cho rằng, bức tranh tăng trưởng lợi nhuận ngân hàng năm 2022 sẽ thấp hơn 2021 khi phải cân bằng kiểm soát rủi ro.
Theo dự báo, lợi nhuận ngân hàng chỉ tăng 19% trong năm 2022. Trong đó, nhóm ngân hàng quốc doanh sẽ được hỗ trợ bởi các câu chuyện chia cổ tức và kỳ vọng phát hành riêng lẻ đối tác nước ngoài trong quý I/2022, trong khi nhóm ngân hàng tư nhân sẽ có điểm rơi về tin tức và tăng trưởng kể từ quý II và quý III năm 2022.
Theo quan điểm cá nhân tôi, có thể năm 2022 Ngân hàng Nhà nước sẽ giảm dẫn việc giãn, hoãn và cho phép các Ngân hàng thương mại tăng trích lập dự phòng rủi ro và điều này về trung và dài hạn sẽ rất tốt cho các ngân hàng thương mại, tránh cho việc nợ xấu tích tụ quá lớn, trở thành gánh nặng tài chính cho cả hệ thống.
Nếu như có chính sách "rút củi đáy nồi" như vậy, có thể trước mắt sẽ làm cho lợi nhuận ngân hàng giảm xuống nhưng về lâu về dài cũng tạo điều kiện cho các ngân hàng thương mại có được bảng cân đối tài sản thực chất và có thể tạo điều kiện xử lý các khoản nợ xấu trong 2 năm vừa qua.
TS Lê Xuân Nghĩa, Viện trưởng Viện nghiên cứu và phát triển kinh doanh