Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022: Nhìn lại năm tuổi của sếp ngân hàng 'cầm tinh' con Trâu

Huyền Anh Chủ nhật, ngày 30/01/2022 14:23 PM (GMT+7)
Năm tuổi Tân Sửu 2021 vừa qua được đánh giá là một năm có nhiều chuyển biến quan trọng trong sự nghiệp của các sếp ngân hàng 'cầm tinh' con Trâu.
Bình luận 0

Năm tuổi được biết là năm sinh gắn liền với con giáp theo vòng tuần hoàn chu kỳ 12 năm. Theo quan niệm xưa của dân gian Việt Nam, năm tuổi còn được hiểu là năm hạn, không đem đến may mắn cho những người có tuổi vào năm đó và phải hứng chịu nhiều biến động khác nhau trong cuộc sống.

Trong năm tuổi Tân Sửu 2021, ông Phạm Quang Dũng (Vietcombank), bà Trần Thị Thu Hằng (Kienlongbank) và ông Nguyễn Quang Lê (SHB) là những sếp ngân hàng tuổi Sửu có sự thay đổi lớn trong sự nghiệp vào năm này.

Ông Phạm Quang Dũng – Chủ tịch HĐQT Vietcombank (1973 - Quý Sửu)

Năm tuổi Tân Sửu 2021 có thể đánh giá là một năm thành công đối với ông Phạm Quang Dũng khi ông được "thăng cấp" từ Tổng Giám đốc lên đảm nhận chức danh Chủ tịch HĐQT Vietcombank, thay cho người tiền nhiệm là ông Nghiêm Xuân Thành vào 30/8/2021.

Chủ tịch Vietcombank Phạm Quang Dũng, có bằng Thạc sỹ Tài chính Ngân hàng tại Trường Đại học Birmingham (Anh Quốc), kinh nghiệm 27 năm công tác trong lĩnh vực tài chính ngân hàng. Năm 1994, ông Phạm Quang Dũng đã bắt đầu gắn bó với Vietcombank với vị trí cán bộ Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam.

Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022: Nhìn lại năm tuổi của các sếp ngân hàng 'cầm tinh' con Trâu - Ảnh 1.

Ông Phạm Quang Dũng – Chủ tịch HĐQT Vietcombank (1973 - Quý Sửu) - Ảnh: VCB

Tại Vietcombank, ông Dũng đã trải qua nhiều vị trí công tác tại Phòng Đầu tư và Bảo lãnh; Phòng quan hệ Quốc tế; Công ty Cho thuê tài chính và kinh qua nhiều chức vụ quản lý quan trọng tại Vietcombank như: Phó Chánh Văn phòng; Phó Giám đốc Công ty Tài chính Việt Nam tại Hồng Kông; Trưởng phòng Quan hệ Ngân hàng đại lý; Phó Tổng Giám đốc; Thành viên HĐQT kiêm Phó Tổng Giám đốc.

Về hoạt động kinh doanh, trong năm 2021, Vietcombank vẫn là quán quân lợi nhuận ngành. Theo báo cáo tài chính hợp nhất của Vietcombank vừa công bố, nhà băng này ghi nhận 27.376 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng 18,7%. Riêng trong quý IV – quý đầu tiên ông Dũng ngồi vào vị trí Chủ tịch, Vietcombank ghi nhận 8.064 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng 13,8%.

Quy mô tổng tài sản tăng từ 1.326 tỷ đồng lên 1.415 tỷ đồng. Cho vay khách hàng tăng 14,1%, trong khi tiền gửi khách hàng tăng xấp xỉ 10%.

Trong năm 2021, mặc dù nợ xấu tăng từ 5.226 tỷ đồng lên 6.120 tỷ đồng, song tỷ lệ nợ xấu của Vietcombank tương đổi ổn định quanh mức 0,6%.

Chủ tịch Kienlongbank Trần Thị Thu Hằng (1985 – Ất Sửu)

Là một trong số ít "bóng hồng" quyền lực của ngành ngân hàng bước vào năm tuổi trong năm vừa qua (năm Tân Sửu 2021), bà Trần Thị Thu Hằng được bổ nhiệm vào vị trí Chủ tịch Kienlongbank từ cuối tháng 5/2021.

Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022: Nhìn lại năm tuổi của các sếp ngân hàng 'cầm tinh' con Trâu - Ảnh 2.

Nữ Chủ tịch trẻ tuổi nhất giới ngân hàng Trần Thị Thu Hằng. (Ảnh: KLB)

Theo bản cung cấp thông tin, bà Trần Thị Thu Hằng sinh năm 1985, tại Thái Nguyên, hiện sinh sống tại Hà Nội. Như vậy, bà Hằng là nữ Chủ tịch ngân hàng trẻ nhất ngành khi đảm nhận vị trí ghế nóng khi mới chỉ 36 tuổi. Bà Hằng có hơn 10 năm kinh nghiệm trong ngành ngân hàng, trải qua một số vị trí quản lý ở LienVietPostBank và MSB.

Trước khi đảm nhiệm chức Chủ tịch Kienlongbank, bà Hằng là Phó Chủ tịch ngân hàng này; Tổng giám đốc điều hành Công ty cổ phần tập đoàn Sunshine (Sunshine Group) và Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần KS Group.

Dưới sự chèo lái của nữ Chủ tịch trẻ tuổi, KienlongBank đạt hơn 131 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế trong quý IV/2021, gấp 10 cùng kỳ năm trước. Với kết quả này, năm 2021 KienlongBank ghi nhận hơn 1.010 tỷ đồng tổng lợi nhuận trước thuế và hoàn thành vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra từ đầu năm.

Tính đến ngày 31/12/2021, các số liệu của KienlongBank đều có xu hướng thay đổi tích cực, tổng tài sản của KienlongBank tăng 46% so với đầu năm lên mức hơn 83.822 tỷ đồng. Cho vay khách hàng tăng 10% lên hơn 38.387 tỷ đồng. Tiền gửi của khách hàng tăng 22,3% so với đầu năm khi đạt 51.397 tỷ đồng, trong đó tiền gửi không kỳ hạn (CASA) có mức tăng ấn tượng hơn 5 lần so với mốc báo cáo năm trước.

Đáng chú ý, tỷ lệ nợ xấu toàn ngân hàng giảm xuống dưới 2%, xử lý dứt điểm các khoản cho vay có tài sản bảo đảm là cổ phiếu STB (theo Phương án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu của KienlongBank đã được Ngân hàng Nhà nước phê duyệt), góp phần mang lại nguồn lợi nhuận lớn cho KienlongBank trong năm qua.

Năm 2021, KienlongBank cũng đã tăng vốn điều lệ thành công lên 3.653 tỷ đồng bằng hình thức phát hành cổ phiếu để trả cổ tức cho cổ đông hiện hữu.

Ông Nguyễn Văn Lê – nguyên Tổng giám đốc SHB

Sinh năm 1973, ông Nguyễn Văn Lê cũng có một năm biến động khi ông chính thức từ nhiệm chức danh Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội (mã SHB) kể từ 04/8/2021, tuy nhiên ông Nguyễn Văn Lê vẫn tiếp tục là thành viên HĐQT tại ngân hàng này.

Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022: Nhìn lại năm tuổi của các sếp ngân hàng 'cầm tinh' con Trâu - Ảnh 3.

Ông Nguyễn Văn Lê – nguyên Tổng giám đốc SHB

Ông Nguyễn Văn Lê là Tiến sỹ kinh tế với gần 30 năm kinh nghiệm công tác và quản lý trong lĩnh vực tài chính ngân hàng, và giữ chức danh Tổng Giám đốc SHB từ năm 1999. Ông đã được Chủ tịch nước trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhì, hạng Ba; cùng với Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Thống đốc NHNN.

Ông Nguyễn Văn Lê sẽ rời ghế CEO của SHB sau gần 23 gắn bó và đưa ngân hàng này đạt nhiều thành tựu nổi bật, bước qua nhiều giai đoạn phát triển và chuyển mình mạnh mẽ. Đặc biệt phải kể đến thương vụ nhận sáp nhập thành công Habubank trở thành thương vụ điển hình thành công trong đề án tái cấu trúc của hệ thống ngân hàng, sáp nhập công ty tài chính cổ phần Vinaconex – Viettel…

Năm 2021, SHB ghi nhận lợi nhuận trước thuế của cả năm đạt 6.224 tỷ đồng, tăng trưởng tới 90,5% so với năm trước, trong đó, riêng quý IV/2021 đóng góp 1.169 tỷ đồng, tăng trưởng tới 76,9% so với cùng kỳ năm trước.

Tính đến cuối tháng 12/2020, tổng tài sản của SHB đạt 506,5 nghìn tỷ đồng, tăng 23% so với cuối năm 2020, trong đó, cho vay khách hàng tăng 18,6%, lên 362,4 nghìn tỷ đồng. Tiền gửi của khách hàng tăng 7,8%, lên 327 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu/cho vay của ngân hàng giảm xuống 1,43%, từ mức 1,83% hồi đầu năm.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem