Những ngày này, vợ chồng chị Trần Thu Hương, chủ Trường mầm non tư thục T.L. (quận Hoàng Mai, Hà Nội) dành thời gian để dọn dẹp, tu sửa lại trường sau nhiều tháng đóng cửa, dừng hoạt động do ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Cách đây hơn 2 tháng chị Hương bị sốc nặng khi toàn bộ tài sản tại cơ sở mầm non của mình bị trộm vào khoắng sạch từ máy tính, bàn inox, máy bơm nước, máy in, tivi... Kể cả thứ nhỏ như xoong nồi, dao… cũng không cánh mà bay.
"Trước Tết gần 2 tháng tôi nhận được thông báo từ công ty nước sạch thông báo sử dụng hết 800.000 đồng tiền nước. Tôi giật mình bởi mấy tháng vừa qua trường học đóng cửa, không ai lui tới. Thắc mắc tôi tới trường kiểm tra thì thấy cảnh trộm vào lấy sạch tài sản, mọi thứ trống trơn không còn gì ngoài cảnh hoang tàn. Tôi sốc quá ngất xỉu tại chỗ", chị Hương nhớ lại.
Qua kiểm tra, chị Hương xác định trộm đã lẻn vào từ căn biệt thự bỏ hoang bên cạnh, sau đó cạy ô cửa chui vào trong rồi phá khoá cửa, lấy toàn bộ tài sản có giá trị. Sau sự việc chủ trường mầm non cũng đã báo chính quyền địa phương, công an.
"Tôi báo công an, phía họ nói trường học cần bố trí người trông nom chứ để như vậy khó tránh được việc bị mất cắp. Thú thực cơ sở mầm non tôi vừa mới hoạt động chưa được bao lâu thì dịch bệnh Covid-19 nên không có tiền để thuê người trông nom. Khó khăn chồng chất khó khăn khi mình bị bệnh phải đi điều trị, con nhỏ…", chị Hương bày tỏ.
Mặc dù chán nản nhưng chị Hương cũng động viên bản thân cố gắng khắc phục để giữ trường, giữ lớp, giữ đứa con tinh thần sau bao công sức chị đã bỏ ra gây dựng.
"Vợ chồng tôi cố gắng tự tay thu dọn lại trường lớp, túc tắc mỗi ngày một ít. Dịch bệnh mình không thể lo được cho đội ngũ giáo viên. Nghỉ dịch đồng nghĩa với việc các cô sẽ không lương, không phụ cấp. Chính vì vậy tôi không dám gọi các cô, mỗi người giờ một công một việc riêng lo cho cuộc sống của mình.
Tôi tính trang thiết bị nào cần thiết thì mua trước. Sau khi trường lớp mở cửa hoạt động trở lại có kinh phí sẽ mua sắm dần, chứ dịch dã thế này chẳng biết học sinh quay lại thế nào, có đông không", chị Hương tâm sự.
Để trường học bỏ không lãng phí, vốn khéo tay nên đợt trước Tết âm lịch vừa qua chị Hương cùng một vài cô giáo trong trường mua đồ vàng mã về trang trí làm thành các đồ lễ… và lấy thêm một số hàng Tết, đặc sản vùng miền về bán.
"Gian hàng giải cứu giáo viên mầm non" với mong muốn "để các cô có chiếc bánh chưng có thịt" được chia sẻ lên một số hội nhóm nhận được sự quan tâm, sẻ chia của nhiều người dân, phụ huynh học sinh.
"Trường tôi có 7-8 giáo viên mầm non. Đợt dịch các cô đi làm công việc khác hết. Có người thì nhận trông dạy 2,3 trẻ. Có người đi buôn bán. Các cô đủ nghề. Có lúc tôi đùa nói giáo viên mầm non giờ biến thành dân buôn, đủ nghề hết cả. Trường tôi thuê rộng, nằm gần toà chung cư nên tôi biến thành sân chơi cho trẻ.
Tôi chuẩn bị đồ để các cháu vui chơi thoả sức và thu phụ huynh mỗi lượt 10.000 đồng. Đằng nào đồ chơi cũng để không lãng phí, cho trẻ vào chơi sạch sẽ, vừa tiện dọn dẹp vừa trông nom.
Bên cạnh đó tôi vẫn cố gắng liên kết với các cô, giới thiệu việc làm, nếu hết dịch mong sao các cô quay trở lại trường. Tôi cũng thường xuyên động viên giáo viên của mình để giữ chân họ", chị Hương chia sẻ.
Chủ trường mầm non này cũng cho biết thêm, biết hoàn cảnh của chị vừa mở lớp đã phải đóng cửa triền miên, lại thêm hay ốm đau nên chủ nhà ban đầu bớt cho chị 50% tiền thuê. Sau gia chủ quyết định giảm 70% tiền thuê mỗi tháng, chị chỉ chịu khoảng 10 triệu đồng.
Việc này giúp chị có thêm động lực để cố gắng phấn đấu chờ đến ngày cơ sở mầm non mở cửa. Nếu tiền thuê cao, có lẽ chị Hương cũng phải ngậm ngùi giải thể trường do dịch bệnh Covid-19.
Còn nữa!