Đang nhanh tay hái những nụ hoa nhài trắng muốt, thơm nức, bà Trần Thị Thủy (thôn Đông Thủy, xã Đông Xuân) cho biết gia đình bà đã có gần 20 năm trồng hoa nhài. Nhận thấy đây là loài hoa cho giá trị kinh tế cao, từ diện tích nhỏ lẻ vườn nhà, đến nay, các hộ dân trong xã đã mở rộng diện tích trồng hoa nhai lên đến hàng chục ha, nhất là khi địa phương tiến hành dồn điền đổi thửa.
Theo bà Thủy, cây hoa nhài được trồng phổ biến ở xã Đông Xuân sở dĩ do đây là loại cây dễ trồng, phù hợp với chất đất vùng bãi bồi. Hoa nhài cũng là loại cây ưa nắng với chi phí đầu tư thấp, ít sâu bệnh so với các loại rau màu khác.
Điều đặc biệt là hoa nhài có tuổi thọ cao. Gần 1 năm sau khi trồng, cây nhài bắt đầu cho thu hoạch hoa và phải 10 năm sau mới phải trồng lại. Với 1 sào trồng hoa nhài, mỗi ngày bà Thủy hái được khoảng 6kg, trừ các khoản chi phí, gia đình bà có thu nhập gần 20 triệu đồng/vụ, cao gấp nhiều lần so với trồng lúa.
Hoa nhài được thu mua để lấy hương thơm, nên thương lái sẽ mua những nụ hoa chớm nở vào buổi chiều để về giữ hương luôn vào buổi tối. Trung bình mỗi sào ruộng trồng nhài vào mùa nở rộ cho thu hoạch từ 5-7 kg/ngày. Trừ chi phí, người nông dân trồng nhài sẽ thu từ 13 - 15 triệu đồng/sào/năm.
Theo bà con, hoa nhài là loại cây dễ trồng, chi phí đầu tư không nhiều, không đòi hỏi chăm sóc cầu kỳ. Việc trồng nhài ai cũng có thể làm được, vào vụ thu hoạch người già trẻ nhỏ đều có thể dễ dàng hái hoa.
Bình quân mỗi ngày, vùng hoa nhài của xã thu hái được khoảng 5-6 tấn nụ hoa, và được thương lái, các doanh nghiệp thu mua hết.
Để đảm bảo đầu ra cho bà con và tạo điều kiện pháp lý cho cây hoa nhài phát triển ổn định, xã Đông Xuân đã đứng ra thống nhất với các hộ dân về việc ký hợp đồng thu mua dài hạn với Hiệp hội Hoa nhài huyện Sóc Sơn.
Theo đó, mức giá thu mua sẽ được duy trì ổn định liên tục trong vòng 7 năm (từ năm 2014 - 2021), và giá thu mua hoa không thấp hơn 35.000 đồng/kg. Nhờ đó, người dân trên địa bàn yên tâm sản xuất, đầu tư phát triển cây nhài về lâu dài.
Là một trong những hộ dân trồng nhài lâu năm ở thôn Đông Thủy, anh Nguyễn Tùng cho biết, với diện tích 7 sào gia đình đang đầu tư vốn và công sức thì tổng sản lượng có thể đạt được là 400 kg/sào/vụ (khoảng 6 tháng). Năm ngoái, giá bán hoa nhài dao động từ 50.000-52.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, gia đình anh thu lãi khoảng 150 triệu đồng.
Cây trồng chủ lực, chăm sóc dễ dàng
Hiện cây hoa nhài đã trở thành một trong những loại cây trồng chủ lực tại huyện Sóc Sơn. Theo người nông dân ở đây, việc chăm sóc cây hoa nhài không đỏi hỏi kỹ thuật cầu kỳ. Suốt quá trình cây đơm hoa, người trồng chỉ cần thường xuyên tỉa lá, làm cỏ, bón phân.
Sau khi hái hoa, cành nhài cũ cần cắt đi rồi bón phân một lần, chờ đến đầu xuân sẽ cắt lại một lần nữa, rồi đợi ngày ra hoa.
Chi phí chăm bón cho 1 sào hoa nhài mỗi năm khoảng 1 triệu đồng. Trồng hoa nhài, tốn công nhất là khâu thu hoạch.
Hoa nhài chỉ có năng suất cao nhất khi thu hoạch vào buổi chiều, khoảng từ 13 đến 17 giờ. Vào khung giờ này nụ hoa vừa đủ cứng, dầy dặn và quan trọng là chưa nở. Việc thu hoạch hoa hoàn toàn là hái bằng tay. Hoa nhài lại lớn rất nhanh, chỉ khoảng 2 ngày sau khi ra nụ là hoa nở nên ngày nào người trồng cũng phải ra ruộng, bất kể mưa nắng.
Vào mùa hè nắng nóng gay gắt, người trồng hoa nhài phải đứng phơi mình dưới nắng thu hoạch nên cũng rất vất vả. Bù lại, đây là loài hoa cho thu nhập cao nên người dân vẫn thích trồng.
Ông Nguyễn Văn Vịnh (xã Đông Xuân, huyện Sóc Sơn) cho biết: Nếu hái vào buổi sáng, nụ hoa nhài lại chưa đủ lớn, hái về không nở thương lái sẽ không mua. Còn hái chiều muộn quá, hoa sẽ nở hết và bị bay hương, thương lái cũng không thu mua nên bắt buộc phải hái trong khung giờ cố định.
Liên tục 6 tháng (hoa nhài thường cho thu hoạch từ tháng 2-8 âm lịch), ngày nào cũng như ngày nào, nếu không hái coi như hôm đấy không có thu nhập, mà hoa vẫn sẽ nở và phải bỏ đi. Hái hoa cũng phải khéo léo, tỉ mỉ vì nụ hoa rất bé cần phải chọn lựa những nụ hoa đẹp, vừa tuổi để cho mùi hương nhiều nhất.
Đối với chăm sóc hoa nhài, theo chị Nguyễn Thị Nhung (xã Đông Xuân), hoa nhài thường bị mắc bệnh sâu đục hoa, do đó người dân phải phun thuốc sinh học định kỳ 2 lần mỗi tháng để phòng ngừa. Loài hoa này khi sử dụng thuốc kích thích mầm sẽ không trổ bông được, vì vậy người dân chỉ bón phân và sử dụng thuốc sinh học để chăm sóc và phòng ngừa dịch bệnh.