Nhặt thứ cả làng vứt đi đem trồng hoa Tết, trồng mai vàng,ai ngờ anh nông dân An Giang trúng lớn
"Nhặt" thứ cả làng vứt đi đem trồng hoa, trồng cây cảnh, trồng nấm, ai ngờ anh nông dân An Giang kiếm bộn tiền
Thứ tư, ngày 02/02/2022 13:00 PM (GMT+7)
Không còn là phế phẩm nông nghiệp bỏ đi sau vụ mùa thu hoạch, gây ô nhiễm môi trường, càng ngày rơm rạ càng thể hiện được lợi ích của mình. Rơm rạ sử dụng để trồng nấm, làm phân bón hữu cơ cho đất…Ngay cả lượng rơm rạ sau thu hoạch nấm rơm còn được nông dân tận dụng để trồng hoa, trồng cây cảnh...
Trồng hoa, trồng cây cảnh từ rơm rạ, không chỉ giúp tiết kiệm chi phí, mang lại hiệu quả kinh tế, mà còn góp phần rất lớn bảo vệ môi trường.
Thu lợi từ trồng nấm trong nhà
Là nông dân chuyên trồng hoa cung ứng thị trường Tết, anh Lê Văn Cà Xôm (thị trấn An Châu, huyện Châu Thành, tỉnh An Giang) tìm tòi nhiều giống hoa mới, đẹp, giúp khách hàng có thêm sự lựa chọn. Năm nay, được cán bộ khuyến nông huyện hướng dẫn, anh Xôm tận dụng diện tích trống kế bên nhà để trồng nấm rơm dạng trụ.
Đây là mô hình được nhiều nông dân huyện Châu Thành áp dụng thành công trong thời gian qua, nhân rộng ở nhiều địa phương.
Mô hình giúp tận dụng tốt lượng rơm rạ sau thu hoạch, phù hợp đất trống nhỏ. So với nhiều mô hình trồng nấm rơm khác, mô hình dạng trụ thể hiện ưu thế về năng suất thu hoạch, chất lượng nấm tốt, bán được giá hơn.
Bên cạnh đó, khi trồng nấm trong nhà, nông dân vẫn có thời gian canh tác thêm mô hình kinh tế khác. Diện tích chỉ khoảng 40m2, đặt 30 trụ rơm, phối trộn cùng nguyên liệu bông vải, giúp anh Xôm thu hoạch gần 100kg nấm rơm.
Theo anh Xôm, nấm rơm được trồng trong nhà được người tiêu dùng ưa chuộng vì là nấm sạch, thương lái đến tận nhà mua với giá từ 60.000-90.000 đồng/kg, tùy thuộc vào ngày thường hay ngày rằm.
Trước giờ chỉ quen với ruộng lúa, nghề hoa, nên khi bắt tay vào trồng nấm, anh Xôm chịu khó học hỏi nhiều kỹ thuật, kinh nghiệm từ cán bộ khuyến nông, nông dân đi trước.
“Khó thì không khó, nhưng nói dễ cũng không dễ, vì người trồng phải nắm vững kỹ thuật phối trộn nguyên liệu, thời gian ủ rơm, kích men. Đến khi đưa cuộn rơm vào nhà trồng, cần điều chỉnh độ ẩm, nhiệt độ trong nhà… Chỉ sau vài ngày là bắt đầu có nấm. Vụ vừa rồi, dù mới trồng nhưng tôi thu hoạch thấy ham lắm. Có ngày hái mấy chục ký, nấm to và trắng, thương lái chịu mà người tiêu dùng cũng thích” - anh Xôm chia sẻ.
Hiện nay, vườn của anh Xôm trồng rất nhiều loại hoa kiểng, từ cúc mẫu đơn, cúc pha lê, cúc mai, cúc đại đóa, cúc mini, vạn thọ, cây mai vàng, sứ Thái, đồng tiền… số lượng khoảng 1.000 chậu, đáp ứng đa dạng chủng loại cho thị trường Tết Nguyên đán đang đến gần.
Khi thu hoạch xong, anh Xôm xử lý nhà nấm bằng cách phủ nhẹ một lớp xi-măng mỏng lên nền trồng, đây là cách vệ sinh nhà trồng nấm rất hiệu quả để bắt đầu vụ tiếp theo.
Theo bà Phạm Thị Như (cán bộ kỹ thuật Trung tâm Khuyến nông huyện Châu Thành, tỉnh An Giang), việc vệ sinh nền trồng rất quan trọng. Nếu làm tốt nguyên tắc vệ sinh trại, thời gian cách ly hợp lý, có thể trồng 8 vụ trong năm. Bên cạnh đó, mô hình trồng nấm rơm trong nhà (gồm: Dạng trụ, dạng sọt…) rất phù hợp với hộ gia đình muốn tận dụng diện tích xung quanh nhà để phát triển, có thêm kinh tế.
Lấy rơm rạ trồng hoa
Tất cả lượng rơm rạ sau khi trồng nấm được anh Xôm tận dụng, phối trộn cùng trấu, tro, xơ dừa, phân bò để phát triển mô hình trồng hoa Tết của mình.
Rơm rạ sau trồng nấm chứa nhiều loại vi khuẩn, muốn sử dụng tiếp thì nông dân phải thêm công đoạn xử lý, phơi khô, thêm nấm Trichoderma.
Với nghề trồng hoa trong chậu, nguyên liệu rơm rạ đóng vai trò rất quan trọng, góp phần làm tơi xốp đất trồng, thoát nước tốt. “Khi sử dụng nguyên liệu rơm rạ trồng hoa, người trồng sẽ giảm được lượng phân bò trong phối trộn đất.
Trồng hoa trong chậu, nhất là các loại hoa cúc, nếu nông dân không sử dụng rơm rạ, mà sử dụng quá nhiều phân bò, cây hoa rất dễ bị bệnh, vàng lá, kém phát triển” - anh Xôm giải thích.
Năm nay, rơm cuộn có giá thành cao hơn nhiều năm trước, vì ngay đợt thu hoạch lúa bị ảnh hưởng thời tiết, lượng rơm thu được không nhiều. Bù lại, lượng rơm rạ sau trồng nấm rơm giúp anh Xôm tiết kiệm được khoản chi phí đáng kể trồng hoa cho vụ Tết.
Ngoài việc ủ rơm rạ để làm phân bón, anh Xôm còn chia lại cho người dân có nhu cầu chăm sóc hoa, cây kiểng trong và ngoài địa phương.
Anh Xôm chia sẻ: “Mấy năm gần đây, người dân trồng cây cảnh (cây kiểng), như: cây bonsai, cây mai vàng rất chuộng loại phân từ rơm rạ ủ này, vì dễ thoát nước. Mỗi lần muốn thay chậu, đổi đất cũng dễ dàng. Còn nếu chỉ trồng bằng đất, trong quá trình chăm sóc, càng tưới nước, đất càng chặt, nước khó xuống, lại không tốt cho cây kiểng. Khi thay chậu gặp khó khăn hơn, dễ đứt rễ, chết cây”.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.