Dân Việt

Chặn đường đánh bạn học cùng lớp của con, ông bố học sinh lớp 8 ở Thái Bình liệu có vướng lao lý?

Phạm Hiệp 11/02/2022 14:15 GMT+7
Một ông bố ở Thái Bình đã chặn đường, đánh bạn học cùng lớp của con gây xôn xao dư luận. Chuyên gia pháp lý đã nêu quan điểm với Dân Việt về vấn đề này.

Công an đã vào cuộc xác minh

Như Dân Việt đã đưa tin, theo báo cáo của Trường Tiểu học và Trung học cơ sở xã Thụy Ninh (Thái Thụy, Thái Bình) gửi tới Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Thái Thụy, vào hồi 14 giờ 30 phút ngày 5/2, tại địa bàn xã Thụy Ninh, ông P.K.D – phụ huynh em P.T.P.L (lớp 8, học sinh Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Thụy Ninh) đã chặn đường để đánh em N.P.A (học sinh lớp 8, bạn học của em P.T.P.L).

Theo báo cáo này, nguyên nhân dẫn đến sự việc trên là do các em học sinh không hiểu nhau, nói xấu nhau trên mạng xã hội vào dịp nghỉ Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022.

Sau đó em N.P.A dẫn bạn đến nhà em P.T.P.L nói chuyện và đã đánh nhau.

Khi phụ huynh của em P.T.P.L về nhà, biết chuyện đã lái ô tô chở theo con gái đuổi theo nhóm bạn kia, chặn đánh tại khu vực chợ Hệ (xã Thụy Ninh). Em N.P.A sau đó được đưa tới bệnh viện để cấp cứu.

Chặn đường đánh bạn học cùng lớp của con, ông bố học sinh lớp 8 ở Thái Bình liệu có vướng lao lý? - Ảnh 1.

Công an huyện Thái Thụy đang vào cuộc xác minh, làm rõ các thông tin liên quan vụ người bố chặn đường đánh bạn học của con ở địa bàn xã Thụy Ninh. Ảnh: Trung Du

Theo thông tin của Dân Việt, Công an huyện Thái Thụy đã vào cuộc xác minh, làm rõ sự việc.

Ở góc độ pháp lý, chia sẻ với Dân Việt liên quan vấn đề này, Tiến sĩ Luật học, luật sư Đặng Văn Cường (Đoàn luật sư TP.Hà Nội) nhìn nhận, hành vi của vị phụ huynh nêu trên là nóng nảy, thiếu kiểm soát hành vi nên từ đúng thành sai, hành vi không phù hợp với chuẩn mực đạo đức xã hội và có dấu hiệu vi phạm pháp luật, bởi vậy cơ quan điều tra sẽ vào cuộc xác minh làm rõ sự việc và có thể sẽ xử lý hình sự với người đàn ông này.

Theo luật sư Đặng Văn Cường, việc mâu thuẫn giữa các em học sinh là chuyện hết sức bình thường, rất dễ có thể xảy ra, và đó là chuyện "trẻ con", người lớn khi biết chuyện thì cần phải khuyên bảo, giáo dục phù hợp.

Khi biết sự việc, đáng lẽ phụ huynh cần phải tìm hiểu thông tin, khuyên giải các em, thực hiện các giải pháp phòng ngừa và báo với nhà trường hoặc chính quyền địa phương để có những biện pháp giáo dục các em.

Tuy nhiên vị phụ huynh này lại có một hành xử rất "trẻ con", đó là chặn đường, đánh các cháu học sinh.

Cách hành xử như vậy là không phù hợp với đạo đức xã hội, không cho thấy sự chín chắn trong hành vi và suy nghĩ.

Ông bố chặn đường đánh bạn học của con có thể sẽ vướng lao lý?

"Dù các học sinh kia có thể là người có lỗi, thậm chí vi phạm khi đánh con mình thì các cháu cũng vẫn chỉ là trẻ con, là người chưa thành niên.

Việc giáo dục, thậm chí xử lý vi phạm đối với người chưa thành niên phải trên cơ sở pháp luật và đạo đức xã hội. Pháp luật nghiêm cấm hành vi xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe, danh dự nhân phẩm của trẻ.

Chặn đường đánh bạn học cùng lớp của con, ông bố học sinh lớp 8 ở Thái Bình liệu có vướng lao lý? - Ảnh 2.

Luật sư Đặng Văn Cường nhìn nhận, hành vi của vị phụ huynh là đáng trách, không chín chắn và có thể sẽ phải đối mặt với biện pháp xử lý của pháp luật. Ảnh: NVCC

Bởi vậy cơ quan chức năng sẽ vào cuộc xác minh làm rõ nguyên nhân sự việc, làm rõ diễn biến hành vi của người đàn ông này và xác định hậu quả thương tích đối với nạn nhân để có căn cứ xử lý phù hợp với quy định pháp luật" – vị luật sư của Đoàn luật sư TP.Hà Nội nói.

Cũng theo luật sư Đặng Văn Cường, ở độ tuổi dưới 16 tuổi thì pháp luật xác định đây là trẻ em, việc bảo vệ trẻ em sẽ được thực hiện theo các quy định của pháp luật trong đó có luật trẻ em và các văn bản pháp luật khác có liên quan.

"Bởi vậy trường hợp kết quả giám định thương tích cho thấy nạn nhân bị thương tích thì dù thương tích dưới 11 %, cơ quan chức năng cũng có thể xử lý hình sự đối với người đàn ông này về tội "Cố ý gây thương tích", theo điều 134 Bộ luật Hình sự năm 2015" – luật sư Đặng Văn Cường nêu quan điểm.

Mặt khác, trong trường hợp thương tích của cháu bé từ 11% đến 30%, dù gia đình cháu bé không có đơn đề nghị xử lý thì cơ quan điều tra vẫn tiến hành xử lý đối với người đàn ông này theo quy định tại Khoản 2, Điều 134 Bộ luật Hình sự năm 2015 với chế tài là phạt tù từ 2 năm đến 6 năm.

"Hành vi của người đàn ông trong vụ việc này là rất đáng trách, thậm chí đáng lên án khi đã chọn cách giải quyết mâu thuẫn của trẻ em bằng bạo lực, thực hiện hành vi đánh người ngay trước mặt con cái mình.

Hành vi này không chỉ gây ra thương tích cho nạn nhân, gây ra sự hoang mang, hoảng sợ cho các em khác mà còn là một tấm gương xấu đối với con mình. Đứa trẻ chứng kiến cảnh bố mình đánh người khác để bảo vệ mình sẽ tác động tiêu cực đến sự phát triển hình thành nhân cách của trẻ em. Bởi vậy đây là hành vi rất đáng trách và sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật" – luật sư Cường chia sẻ.