Dù rời xa nơi “chôn nhau, cắt rốn” đã lâu nhưng đều đặn hằng năm, ông Vinh vẫn dành thời gian về thăm quê vài lần. Năm nay, dịch bệnh phức tạp, ông đành gác lại những chuyến về thăm quê, chờ đến dịp cuối năm.
Tiếp chúng tôi trong ngôi nhà ấm áp, ông Vinh mở tủ lấy những kỷ vật do người cha quá cố để lại, trong đó có những vỏ ốc, vỏ sò quý được mang về từ hòn đảo tiền tiêu.
Ông Vinh bồi hồi kể lại, sau ngày giải phóng, Đảng và Nhà nước có chủ trương về thực hiện chính sách xây dựng vùng kinh tế mới, với mục đích khai thác tốt và phân bố lại lao động giữa các vùng, các ngành, nhằm tăng năng suất lao động xã hội.
Trung tuần tháng 7/1976, chuyến tàu đầu tiên từ đảo Lý Sơn khởi hành, trực chỉ đất liền, đưa gia đình ông cùng nhiều hộ dân vào định cư tại Vùng kinh tế mới Bình Khương (Bình Sơn). Lúc đó, xã Bình An chưa thành lập.
Ông Vinh chia sẻ, cha của tôi lúc bấy giờ sức khỏe không tốt nên không thể vươn khơi bám biển. Hoàn cảnh kinh tế gia đình khó khăn. Vậy nên, ngay khi có chủ trương đến định cư ở Bình Khương, gia đình tôi tình nguyện lên đường, với hy vọng vùng đất mới sẽ cưu mang và có cơ hội đổi đời.
Những ngày đầu khi đến đây, các hộ dân sống chung trong một căn nhà dài, được dựng sẵn từ cây rừng, mái lợp cỏ tranh. Một tuần sau các hộ mới dựng nhà ra ở riêng. Trong 6 tháng đầu tiên, mỗi khẩu là người lớn được hỗ trợ 14kg gạo/tháng, mỗi khẩu là trẻ em được hỗ trợ 7kg gạo/tháng.
Cuộc sống mới quá khó khăn nên số gạo này cũng chỉ giúp cứu đói trong thời gian đầu. "Việc trồng lúa, hoa màu đều thất bát do chuột và thú rừng cắn phá, nên năm nào cũng rơi vào cảnh thiếu lương thực. Nếu thiếu kiên nhẫn, rất dễ rời đi", ông Vinh nhớ lại.
“Ngày ấy, để có cái ăn, chúng tôi phải đi mót củ, hái rau rừng dùng tạm, hoặc đèo củi hơn 15 cây số xuống chợ Châu Ổ và các xã lân cận để bán, trao đổi hàng hóa. Giờ ngồi nghĩ lại, không hiểu sao mình có thể trụ được tới ngày hôm nay. Điều đặc biệt là dù khổ cực đến đâu, người Lý Sơn vẫn luôn tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau, cùng với người Cor và người Kinh ở các nơi về đây, xây dựng một vùng đất mới ngày càng đi lên”, ông Tân nhớ lại.
Sau này, khi huyện Lý Sơn thành lập, nhiều người trở về quê sinh sống. Nhưng có nhiều hộ dân quyết định cả cuộc đời với mảnh đất Bình An, xem đây là quê hương thứ hai của mình.
Hiện nay, các hộ gia đình Lý Sơn ở đất Bình An đều có kinh tế khá giả. Hộ nào cũng có đất rừng, bình quân từ 5 - 10ha/hộ. Người dân đã tận dụng lợi thế đất rừng để phát triển các mô hình trồng cây nông, lâm nghiệp, chăn nuôi, đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Đặc biệt, phần lớn các hộ dân đều có con, cháu là đảng viên, luôn gương mẫu, trách nhiệm, tích cực đóng góp xây dựng quê hương.
Ông Lê Quốc An đã cử cán bộ dẫn chúng tôi đi dạo một vòng quanh xã. Hiện ra trước mắt chúng tôi là màu xanh bạt ngàn của rừng sản xuất, của những cánh đồng mì và hình ảnh người dân phấn khởi vào vụ thu hoạch.
Những căn nhà mới khang trang, hiện đại mọc lên thay cho những ngôi nhà tạm bợ. Điện, đường, trường, trạm được đầu tư xây dựng kiên cố, phục vụ tốt cho đời sống dân trí, dân sinh.
“Đất không phụ công người, từ 10ha rừng trồng, cùng với chăn nuôi gà, kinh doanh tạp hóa, xay xát gạo, mỗi năm gia đình tôi thu về hơn 100 triệu đồng. Khó khăn một thời qua đi, đến nay gia đình cũng có "của dư, của để", lo cho con cái ăn học đến nơi, đến chốn", ông Cao phấn khởi nói.
Giữa lúc dịch bệnh gây ảnh hưởng tới hoạt động kinh doanh, sản xuất của đa số người dân, anh Kết cùng người thân lại mạnh dạn đầu tư gần 1,7 tỷ đồng cho trại gà, khiến nhiều người nể phục sự táo bạo đó.
Lứa đầu tiên với 21.000 con gà chuẩn bị xuất bán, dự tính sẽ thu về khoảng 300 triệu đồng. Anh Kết cho hay, thế hệ trẻ chúng tôi phải kế thừa những gì mà cha ông đã gầy dựng. Tôi thật sự yêu quý mảnh đất này, nơi tôi sinh ra và lớn lên. Tôi sẽ cố gắng để góp phần công sức xây dựng quê hương.
Trong những dịp ra đảo để thăm nguồn cội, khi trở về các hộ dân không quên mang theo những món quà quê, sẻ chia với người thân, hàng xóm. Đó cũng là cách để mọi người cùng hoài vọng, vơi bớt nỗi nhớ quê, thấy đất và người Lý Sơn như ở bên mình.