CLIP: Theo chân người dân bản Dao ở (xã Đôn Phong, huyện Bạch Thông, tỉnh Bắc Kạn) tìm măng rừng ngày sau Tết.
Khi chúng tôi lên thôn Nà Lồm (xã Đôn Phong, huyện Bạch Thông, tỉnh Bắc Kạn), dù vẫn đang trong những ngày mùng của Tết Nguyên đán, vậy nhưng phần lớn các nhà đều cửa khóa im lìm.
Thi thoảng có đôi ba tiếng trẻ tíu tít ngoài mương nước, bờ khe, đám chó đẫy bụng thức ăn sau những ngày Tết thấy người lạ chẳng cả buồn sủa. Tìm mãi rồi cũng có nhà còn vọng tiếng người.
Bàn Thị Huệ khá xinh xắn, tay cuốc, vai gùi mở cửa chào chúng tôi. Huệ hỏi, các anh tìm ai, lên bản giờ này không gặp người đâu, đi tìm măng hết rồi, chỉ có cái nhà trống thôi.
Hai đứa con của cô chủ nhà xinh đẹp thấy người lạ nép cả phía sau mẹ, tiếng nước suối ầm ập vọng lên nghe như có cả đoàn người đang tiến vào bản. Gió, sương mang theo cái lạnh cắt da, cắt thịt, ấy vậy mà nhà nhà đóng cửa đi rừng, mặc Tết còn lừng khừng ở ngoài kia bậu cửa.
Chúng tôi ngỏ ý được đi cùng mấy mẹ con Bàn Thị Huệ lên rừng tìm măng, Huệ cười, sẽ mệt đấy, nhưng cô không từ chối lời đề nghị của chúng tôi.
Khu rừng Khuổi Dài mà người dân bản Dao Nà Lồm tìm măng cách bản chừng hơn 1km. Đó là cánh rừng rậm rịt với bạt ngàn thân vầu thẳng đứng đâm lên trời tua tủa. Theo chân Bàn Thị Huệ, chúng tôi đi sâu vào phía trong.
Huệ tay cầm cuốc, vai đeo gùi, gằm mặt dán mắt vào đám lá mục dưới chân, thi thoảng cô lại dùng chân khua khoắng gạt đám lá để tìm tai măng.
Năm nay sấm về muộn, măng rừng còn ở kẽ đất, chưa lên khỏi hẳn nên phải tinh lắm mới phát hiện.
"Tìm tai măng không chỉ bằng mắt, còn phải phán đoán, cảm nhận bằng gan bàn chân khi giẫm lên. Người thạo có thể biết giẫm phải tai măng hoặc ổ măng, có thể đoán được hướng đi của vệt măng.
Có những vệt măng dài đến 3 sải tay người lớn, măng mọc chi chít, có thể chục hai chục củ một vệt. Không mang cuốc, các anh dùng chân hoặc que để bới cũng được nhưng phải nhìn kỹ, không là bỏ qua tai măng đấy", Huệ cười.
Càng vào sâu phía trong, tiếng cuốc bới lá càng nhiều hơn, tiếng dao chặt măng loạt soạt liên hồi. Bố mẹ Bàn Thị Huệ cũng đang ở cánh rừng Khuổi Dài này tìm măng.
Gùi trên lưng cũng đã nặng trĩu, phải cho sang bao tải mới có đủ chỗ cho măng.
Những người lên rừng sớm giờ này cũng đã về đến nhà, người khỏe cũng đã lên rừng lần hai. Tai măng ở cánh rừng Khuổi Dài nhiều, rất nhiều.
Việc khai thác lâm sản phụ từ rừng cũng được người dân nơi đây làm rất tốt.
Người Dao Nà Lồm bảo nhau, đấy là "nồi cơm" của bản, phải bảo vệ, không được phát phá hay khai thác hết đâu. Có rừng thì mới có măng, người dân Nà Lồm mới có đồng ra đồng vào được.
Trời sẩm tối, người dân thôn Nà Lồm lại lũ lượt xuống núi, trên lưng là những bao tải, những gùi măng rừng nặng trĩu. Người khỏe có thể mang vác được 80-100kg, người bình thường thì ít hơn, khoảng 60kg.
Măng rừng để nguyên vỏ, nguyên tai, được người dân chất lên xe máy chở ra TP.Bắc Kạn bán cho thương lái hoặc có thể bán ngay tại nhà, ô tô lái buôn vào tận nơi lấy.
Bàn Thị Huệ chia sẻ, mùa măng rừng ở đây thường bắt đầu từ khoảng tháng 10 âm lịch. Đầu mùa, măng rừng được bán với giá 20.000 đồng/kg, hiện chỉ còn 10.000 đồng/kg.
"Kiếm măng vất vả lắm, vắt cắn, muỗi đốt rồi sương giá… nhưng ở đây cũng chỉ có đi măng mới kiếm ra tiền thôi", Bàn Thị Huệ bảo.
Trao đổi với chúng tôi, ông Bàn Phúc Minh, Chi hội trưởng Chi hội Nông dân thôn Nà Lồm (xã Đôn Phong, huyện Bạch Thông, tỉnh Bắc Kạn) cho biết, người dân ở đây chủ yếu sống nhờ vào việc khai thác lâm sản phụ từ rừng.
"Làm ruộng chỉ đủ ăn thôi, còn tiền thì chủ yếu là từ bán măng rừng. Đến mùa măng rừng, mỗi gia đình nếu chăm có thể kiếm được hơn 100 triệu đồng. Măng rừng đầu mùa đắt, còn giờ cũng đã rẻ đi nhiều.
Nếu chở ra tận thành phố bán thì cũng sẽ được giá hơn, còn bán tại nhà, thương lái vào lấy hiện nay chỉ bán được 5.000 đồng/kg thôi", ông Minh cho biết thêm.