Roni Cohen Leiderman, một nhà giáo dục làm việc cho Tòa án Tối cao Florida (Mỹ), cho biết, dù khái niệm kỷ luật có vẻ như khiến các bậc phụ huynh nản lòng, nhưng thực tế có thể không nhất thiết như vậy.
Theo bà, kỷ luật không chỉ đơn giản là thưởng và phạt. "Đơn giản chỉ là dạy trẻ và khuyến khích chúng đưa ra những lựa chọn an toàn, nhưng khi gõ từ khóa "kỷ luật" (discipline) trên mạng, bạn sẽ thấy rất nhiều điều nên và không nên làm, cũng như quá nhiều phương pháp.
Trong thời đại hiện nay, vấn đề kỷ luật đối với trẻ ngày càng trở nên phức tạp hơn. Hầu hết trẻ em đều dùng mạng xã hội; nhiều em mỗi lần dành nhiều giờ vào mạng xã hội. Mặc dù nhờ mạng xã hội mà nhiều trẻ đã có cơ hội phát triển các mối quan hệ, tiếp thu được thêm nhiều kiến thức, nhưng cùng với đó là những nguy cơ tiềm ẩn, như nghiện sử dụng Internet, truy cập các trang không lành mạnh, bị bắt nạt trên mạng.
Dù lý do trẻ cần đến giáo dục kỷ luật là gì, có 5 kiểu kỷ luật chính để giúp trẻ hình thành những phẩm chất tốt.
Kỷ luật tích cực, đúng như tên gọi, là khi bố mẹ sử dụng sự chân thành và tôn trọng con cái để tạo ra bầu không khí an toàn cho cả hai.
Theo bà Leiderman, phương pháp kỷ luật tích cực khuyến khích trẻ cư xử nhẹ nhàng, lịch sự, tôn trọng và chu đáo; trong khi bố mẹ cũng phải thể hiện những phẩm chất đó khi đặt ra những giới hạn cho con. Phương pháp này tập trung củng cố những hành vi tích cực của trẻ, thay vì chỉ chăm chăm sửa lỗi.
Ví dụ như trong trường hợp muốn con giảm thời gian chơi điện tử hơn, bố mẹ có thể nói: "Bố mẹ rất vui nếu con kể cho bố mẹ nghe về cốt truyện của cuốn sách mới. Hãy tắt máy tính đi và đọc sách, rồi kể cho bố mẹ nhé."
Bà Leiderman giải thích rằng đây là cách hiệu quả để dẫn dụ trẻ thay đổi, thay vì trách mắng con dành quá nhiều thời gian vào mạng.
Cũng giống như kỷ luật tích cực, kỷ luật nhẹ nhàng cũng tạo bầu không khí an toàn cho trẻ, nhưng đồng thời giúp trẻ hiểu được những giới hạn được phép. Phương pháp này khiến trẻ nhận ra bố mẹ hiểu được những cảm xúc của trẻ, từ đó trẻ sẽ tôn trọng những quy định của bố mẹ hơn.
Một khía cạnh quan trọng của phương pháp này chính là chấp nhận tất cả những cảm xúc của trẻ, để rồi dạy cho chúng biết cách kiểm soát những cảm xúc tiêu cực, như tức giận, thất vọng, buồn bã.
Ví dụ, hãy nói: "Bố mẹ biết con buồn bởi vì con vẫn còn muốn dùng máy tính. Nhưng bây giờ đã muộn rồi, con hãy tắt máy tính đi và đi ngủ nhé".
Kỷ luật dựa trên ranh giới
Kỷ luật dựa trên ranh giới là một trong những phương pháp được nhiều chuyên gia khuyến nghị nhất hiện nay. Phương pháp này làm cho trẻ nhận thức được những hành động tiêu cực sẽ mang đến những hậu quả như thế nào.
Nếu trẻ được chứng kiến những hậu quả trong suốt quá trình nuôi dạy, thì kỷ luật dựa trên ranh giới sẽ khiến trẻ sẵn lòng tuân theo những quy định của bố mẹ.
Bà Leiderman cũng chỉ ra rằng, khi áp dụng phương pháp này, bố mẹ cần lưu ý đến độ tuổi của trẻ.
Khi trẻ còn nhỏ, hãy đưa ra những quy định đơn giản như: "Con cần phải thắt dây an toàn khi ở trên xe, khi đó thì con có thể dùng iPad."
Đối với trẻ lớn hơn, chúng cần được tham gia thảo luận cùng bố mẹ: "Bố mẹ muốn con cùng quyết định lượng thời gian sử dụng máy tính của con. Bố mẹ muốn con chấp nhận những hậu quả nếu con không thực hiện đúng quy định".
Sửa đổi hành vi
Sửa đổi hành vi cũng tương tự như kỷ luật dựa trên ranh giới, nhưng kết hợp phần thưởng khi trẻ có những hành động tốt, và hình phạt khi trẻ có những hành động không đúng mực.
Điều quan trọng của phương pháp này chính là bố mẹ không được sử dụng bạo lực hay ghét bỏ con trẻ. Thay vào đó, hãy khen ngợi và thưởng cho những hành vi tốt của con trẻ; bỏ qua hoặc giúp con trẻ hiểu được những hậu quả của hành vi tiêu cực.
Hướng dẫn cảm xúc
Hướng dẫn cảm xúc khuyến khích trẻ em có những nhận thức rõ ràng về cảm xúc của bản thân cũng như cảm xúc của bố mẹ.
Bằng cách chấp nhận tất cả cảm xúc của trẻ, kể cả khi trẻ tức giận, bố mẹ nên từ tốn khuyên bảo con trẻ, cho chúng biết bố mẹ cũng thấu hiểu những cảm xúc của chúng. Điều này sẽ giúp trẻ thấy mình được yêu thương và chở che.
Một ví dụ cho phương pháp này là: "Bố mẹ biết con tức giận vì con phải tắt máy tính. Bố mẹ hiểu, thế nên hãy bình tĩnh lại, rồi gia đình mình ra ngoài công viên nhé".