Hà Nội lo thiếu giáo viên mầm non sau dịch Covid-19
Chủ trường mầm non sau đại dịch Covid-19: "Nếu tiếp tục đóng cửa chắc tôi buộc phải giải thể trường" (bài 4)
Gia Khiêm
Chủ nhật, ngày 13/02/2022 06:00 AM (GMT+7)
Chị Trần Tuyến – chủ hai cơ cở mầm non tư thục tại Hà Nội bày tỏ nhiều lo ngại khi trường học đóng cửa quá lâu, ảnh hưởng tâm lý trẻ nhỏ và các trường đứng trước nguy cơ giải thể, thiếu hụt giáo viên.
Chủ trường lo thiếu giáo viên, trẻ nhỏ bị ảnh hưởng sau chuỗi ngày dài ở nhà triền miên
Trao đổi với PV Dân Việt, chị Trần Tuyến, chủ 2 cơ sở mầm non tư thục tại Hà Nội cho hay, những khó khăn do Covid-19 gây ra cho các ngành nghề nhất là giáo dục là rất lớn. Tuy nhiên phải kể đến mầm non tư thục. Bởi theo chị cơ sở tư thục là đơn vị dễ tổn thương do dựa hoàn toàn vào vốn tự thân để vận hành.
"Ai cũng biết rõ rằng chủ trường vẫn phải trả tiền thuê nhà và cố gắng duy trì trường học do đồ mầm non mua thì đắt chứ bán thì như đồng nát. Muốn giữ được giáo viên phải duy trì hỗ trợ, nếu không hỗ trợ giáo viên buộc phải xoay chuyển sang làm các nghề khác. Có rất nhiều giáo viên bén duyên với nghề khác thấy lương cao hơn, trách nhiệm ít hơn và có nhiều thời gian cho gia đình hơn thì họ không quay lại với nghề nữa nên nguy cơ thiếu hụt giáo viên là rất lớn", chị Tuyến nói.
Theo chị Tuyến, khi được tin trường học có thể được mở cửa trở lại, bản thân chị rất vui nhưng bày tỏ một số lo ngại. Bởi theo chị, trường học đã đóng cửa quá lâu. Trẻ em, đặc biệt là trẻ ở Hà Nội hầu hết đều không có điều kiện không gian rộng ở nhà để vui chơi hay có ông bà chăm sóc và tương tác tích cực hàng ngày.
"Rất nhiều phụ huynh than phiền về việc con nhỏ có những rối nhiễu do phải ở nhà quá lâu. Khi bố mẹ vẫn phải đi làm thì trẻ bị cấm túc ở nhà để tránh dịch. Trẻ xem tivi và sử dụng các thiết bị điện tử quá nhiều dẫn đến tăng ngưỡng kích thích về thị giác... Tất cả các thói quen của trẻ được thiết lập trước đó khi còn đi học bị thay đổi.
Như chúng ta đã biết não bộ con người có cơ chế 21 ngày để hình thành 1 thói quen, 90 ngày để rơi vào tiềm thức. Nhưng trẻ của chúng ta có đến gần 1 năm ở nhà với các nếp sinh hoạt lộn xộn của gia đình cũng như thói quen sử dụng các thiết bị điện tử trong suốt quá trình ấy. Có rất nhiều học sinh của tôi ở nhà đã có các biểu hiện cáu gắt, khó kiểm soát cảm xúc, thừa năng lượng, gặm móng tay, suy giảm thị lực, rối loạn giấc ngủ và các biểu hiện của việc mất khả năng tư duy mạch lạc...", chị Tuyến nói.
Chủ trường bị stress, suy nhược vì trăm nỗi lo
Chị Tuyến cho rằng, tất cả những hệ lụy trên sẽ mang lại muôn vàn khó khăn cho trường học và các cô giáo khi trẻ quay lại trường.
"Tôi lo ngại thế hệ trẻ em trong những năm Covid-19 này sẽ là những tấm khăn len với những mũi đan lỗi do tác hại của việc bị tách khỏi cộng đồng. Trường tôi không có nhiều cô nghỉ hẳn do suốt quá trình dịch tôi vẫn bám sát để hỗ trợ các cô.
Tuy nhiên các trường học thu học phí thấp thì giáo viên gần như bỏ nghề hết bởi lương của họ rất thấp trong khi các ngành nghề khác thu nhập cao và dễ thở hơn nhiều. Chuyện thiếu hụt giáo viên là không thể tránh khỏi. Những trường lường trước được điều này thì xoay xở tìm mọi cách để giữ cô giáo. Còn những trường không đủ tiềm lực buộc phải buông", chị Tuyến nói.
Chị Tuyến cho hay, chính vì nhiều nỗi lo khiến không ít chủ trường mầm non, trong đó có chị và kể cả giáo viên mầm non rơi vào stress và suy nhược. Có trường có giáo viên nước ngoài rơi vào khủng hoảng vì hầu hết họ đã về nước. Tình trạng khan hiếm giáo viên nước ngoài gần như không lối thoát nếu tình hình dịch Covid-19 vẫn căng thẳng.
"Như tôi đứng trước quá nhiều khó khăn vì vừa mở cơ sở 2 thì bắt đầu dịch Covid-19 kéo dài cho tới nay. Nếu dịch bệnh vẫn tiếp tục, thành phố quyết định đóng cửa thì chắc tôi buộc phải giải thể.
Thời gian qua để giữ chân giáo viên tôi hỗ trợ bằng tiền và hỗ trợ bằng việc, tạo cho họ các công việc phù hợp khả năng để duy trì thu nhập, chờ ngày quay lại. Trường tôi có 3 giáo viên nghỉ hẳn không quay lại do đã tìm được công việc mới.
Tuy nhiên so với con số 20 giáo viên mà quay lại 17 người là tốt lắm rồi. Phần lớn lo ngại là thiếu giáo viên ở các trường không có hỗ trợ. Ngoài ra, còn lo ngại về việc tiến độ của trẻ bị chậm lại, thói quen và nếp sinh hoạt thay đổi, các vấn đề thích nghi của trẻ khi quay lại trường", chị Tuyến chia sẻ thêm.
Cùng chung suy nghĩ trên, chị H. (chủ 2 cơ sở mầm non tại KĐT Linh Đàm, quận Hoàng Mai, Hà Nội) chia sẻ: "Tôi hy vọng sắp tới dịch bệnh ổn, học sinh được trở lại trường. Nếu phải giải thể một cơ sở tôi xót và áy náy bởi còn giáo viên của mình nữa. Nhiều lúc tôi nghĩ có cố được nữa hay không? Có lúc nghĩ mãi rồi động viên mình cố gắng.
Học sinh thích đến trường giờ mà giải thể các con lại thắc mắc 'trường con không còn nữa' mình cũng buồn chứ. Đại đa số phụ huynh muốn cho con đi học. Theo tôi tùy tình hình nếu ổn định, thành phố nên cho trẻ sớm đi học trở lại".
Vui lòng nhập nội dung bình luận.