Dân Việt

Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức: Giữa nhà trường và phụ huynh phải có mối liên hệ chặt chẽ

Mỹ Quỳnh 14/02/2022 10:35 GMT+7
Lãnh đạo UBND TP.HCM yêu cầu các trường phải xây dựng mối liên hệ chặt chẽ với phụ huynh trong việc theo dõi sức khỏe của học sinh khi trở lại trường học tập trực tiếp.

Sáng nay 14/2, học sinh bậc học mầm non, tiểu học và lớp 6 của TP.HCM bắt đầu được trở lại học tập trực tiếp tại trường sau khoảng thời gian dài học trực tuyến.

Từ sáng sớm, ông Dương Anh Đức - Phó Chủ tịch UBND TP.HCM đã dẫn đầu đoàn công tác của UBND, Sở Y tế, Sở GDĐT TP.HCM đến kiểm tra việc tổ chức dạy học trực tiếp tại Trường tiểu học Nguyễn Đình Chiểu (quận Bình Thạnh) và Trường mầm non Bé Ngoan (quận 1).

Đoàn đã đi kiểm tra cơ sở vật chất, phòng chức năng, phòng dự phòng, cách ly và phương án phòng chống dịch Covid-19 của các nhà trường.

Tạo mối liên hệ chặt chẽ với phụ huynh

Ông Dương Anh Đức lưu ý, sau khi học sinh đồng loạt đi học trở lại, nhà trường và giáo viên cần phối hợp chặt chẽ với phụ huynh, hướng dẫn thật kỹ lưỡng để cho con em đi học thật an toàn.

Phó chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức: Phải tạo mối liên hệ chặt chẽ giữa nhà trường với phụ huynh - Ảnh 1.

Ông Dương Anh Đức - Phó Chủ tịch UBND TP.HCM kiểm tra cơ sở vật chất tại trường tiểu học Nguyễn Đình Chiểu (quận Bình Thạnh). Ảnh: Mỹ Quỳnh

Theo đó, nhà trường cần tương tác, nhờ phụ huynh theo dõi, phối hợp với giáo viên một cách nhịp nhàng để nắm bắt kịp thời những thay đổi về sức khỏe của trẻ. 

Ví dụ, trước khi cho các cháu đến trường phải theo dõi xem có vấn đề gì bất thường hay không, trong lớp có trường hợp nào bất thường hay không, những thông tin khác thường cần được thông tin cho nhà trường để cùng phối hợp có bước xử lý an toàn, đảm bảo tính linh hoạt để việc dạy dỗ cho các cháu được diễn ra liên tục, hiệu quả.

"Khi thấy học sinh có biểu hiện sức khỏe bất thường, cần báo ngay cho giáo viên. Việc hướng dẫn nhằm để phụ huynh yên tâm cho con em đi học, chứ không phải để họ hoang mang, lo lắng", ông Dương Anh Đức nói.

Đối với những cháu chưa có điều kiện học trực tiếp, nhà trường phải tiếp tục duy trì việc học trực tuyến, trong mọi trường hợp phải tạo điều kiện tối đa để cho học sinh thành phố được học tập trong điều kiện tốt nhất có thể, không để các cháu bị ảnh hưởng về mặt kiến thức, khả năng giao tiếp, tiếp xúc và làm quen với xã hội…

Phó chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức: Phải tạo mối liên hệ chặt chẽ giữa nhà trường với phụ huynh - Ảnh 2.

Trẻ mầm non tại trường trường mầm non Bé Ngoan (quận 1) được hướng dẫn khử khuẩn tay trước khi vào phòng học. Ảnh: Mỹ Quỳnh

Ngoài việc xây dựng mối liên hệ chặt chẽ giữa nhà trường với phụ huynh, ông Đức cũng yêu cầu nhà trường tăng cường quan hệ với ngành y tế, với các ban, ngành địa phương để khi có sự cố xảy ra sẽ được xử lý theo đúng quy trình và đảm bảo an toàn, không gây ra xáo trộn.

Theo ông Đức, thành phố mong muốn việc dạy học cho tất cả các cấp lớp diễn ra ổn định, liên tục và theo tinh thần linh hoạt. Nếu có vấn đề xảy ra thì xử lý cục bộ ở đó, đảm bảo việc dạy học vẫn tiếp diễn theo đúng quy định, đảm bảo an toàn cho các cháu.

"Để làm được điều đó, từ cô giáo chủ nhiệm đến các bộ phận phục vụ, y tế cần nắm vững thông tin, đưa ra những quyết định kịp thời, trong trường hợp cần thiết phải có tham vấn của các chuyên gia để có quyết định phù hợp nhất trong tình hình thực tế…", ông Đức lưu ý.

Tỷ lệ đồng thuận rất cao

Cũng tại buổi kiểm tra sáng nay, ông Dương Trí Dũng - Phó Giám đốc Sở GDĐT TP.HCM cho biết, có đến hơn 80% phụ huynh học sinh ở bậc tiểu học và gần 70% phụ huynh ở bậc mầm non (từ 3 đến 6 tuổi) đồng thuận việc cho học sinh đi học trong đợt này.

Phó chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức: Phải tạo mối liên hệ chặt chẽ giữa nhà trường với phụ huynh - Ảnh 4.

Học sinh tiểu học xếp hàng đo thân nhiệt, khử khuẩn tay trước khi vào lớp. Ảnh: Mỹ Quỳnh

Ông Dũng khẳng định, việc cho con đi học trực tiếp hay không trong đợt này hoàn toàn dựa trên tinh thần tự nguyện của phụ huynh và học sinh. Ngành giáo dục không bắt buộc.

Với những học sinh đi học trực tiếp: giáo viên tổ chức hướng dẫn các hoạt động học tập theo nhóm, có các giải pháp ôn tập, củng cố kiến thức cho những em học sinh chưa được học trực tuyến, hay đã học trực tuyến nhưng chưa đạt được các yêu cầu về phẩm chất, năng lực.

Những học sinh nào chưa đi học ở trường trong đợt này, thì các em sẽ tiếp tục được học trực tuyến, học qua truyền hình hay giáo viên giao bài tập về nhà làm.

Sở cũng có yêu cầu giáo viên tiểu học dành thời gian hướng dẫn cho học sinh các thói quen phòng dịch Covid-19 tại trường, xây dựng nề nếp học tập, phân loại học sinh theo từng nhóm căn cứ vào khả năng tiếp thu kiến thức của học sinh, tổ chức ôn tập kiến thức đã học trong giai đoạn học sinh học trực tuyến.

Từ ngày 21/2, học sinh tiểu học của TP.HCM sẽ thực hiện việc giảng dạy kiến thức của chương trình ở tuần thứ 20, thực hiện việc kiểm tra cuối học kỳ 1 ở tuần thứ 21 với học sinh lớp 1, 2.

Trước đó, UBND TP.HCM đã có quyết định cho phép trẻ em thuộc khối giáo dục mầm non và học sinh từ lớp 1 đến lớp 6 học tập trực tiếp từ ngày 14/2 trên tinh thần tự nguyện của cha mẹ trẻ, người chăm sóc trẻ và học sinh.

Theo lộ trình cụ thể của UBND TP, từ ngày 7/2, các cơ sở giáo dục thực hiện các công tác chuẩn bị đón trẻ và học sinh trở lại trường học tập trực tiếp.

Từ ngày 10 - 13/2 các cơ sở giáo dục tổ chức họp phụ huynh học sinh triển khai các vấn đề cần lưu ý trong công tác phối hợp với nhà trường chăm sóc trẻ, giáo dục trẻ; tổ chức cho học sinh học trực tiếp tại trường; tập huấn cán bộ, giáo viên, nhân viên công tác phòng, chống dịch Covid-19 trong trường học.

Từ ngày 14/2, tổ chức đón trẻ mầm non và học sinh từ lớp 1 đến lớp 6 đến trường, sinh hoạt hướng dẫn công tác an toàn cho học sinh khi trở lại trường, học tập trực tiếp.