Trong văn bản mới đây của UBND Lạng Sơn, kể từ ngày 16/2 đến 25/2 tạm thời dừng tiếp nhận phương tiện chở mặt hàng hoa quả tươi lên cửa khẩu đường bộ của tỉnh này do việc xuất khẩu hàng sang Trung Quốc đang trong tình trạng quá tải.
Chính quyền nơi đây cũng đề nghị, các cơ quan chức năng kịp thời thông báo cho các địa phương tạm ngừng đưa xe lên cửa khẩu, tránh tái diễn cảnh ùn ứ như cuối tháng 12/2021 và đầu tháng 1/2022 vừa qua.
Nhiều nông dân ở tỉnh Long An tỏ ra chán nản, đuối sức khi không xuất khẩu được mặt hàng trái cây thanh long. Không những vậy, giá thanh long bán trong nước thì quá bèo bọt. "Bán như cho không, giờ không trồng cây thanh long thì chẳng biết trồng cây gì!", một nông dân bày tỏ với phóng viên.
Ông Nguyễn Văn Hồng (64 tuổi, ngụ ấp 8, xã Vĩnh Công, huyện Châu Thành) trồng 3 ha thanh long cho biết: "Hai năm nay, giá bán thanh long gặp nhiều khó khăn, đến vụ thu hoạch thì dịch bệnh, hết dịch bệnh trái thanh long lại mất giá lỗ nặng. Có lúc, thương lái đặt cọc xong rồi bỏ luôn cả cọc. Kêu người thu mua để bán, thì họ trả 500 -1.000 đồng/kg, giờ chỉ muốn dẹp để trồng cây khác".
Khi hay tin nông dân không xuất khẩu được mặt hàng thanh long, Sở Công Thương tỉnh Long An nhanh chóng thông báo đến các doanh nghiệp, nhà kho địa bàn tỉnh biết để tính toán cho phù hợp.
"Sở đang trực tiếp nắm sát tình hình xuất khẩu loại trái cây này, trên tinh thần đó hỗ trợ nông dân tiêu thụ nông sản một cách nhanh chóng và hiệu quả nhất", ông Nguyễn Tuấn Thanh, Giám đốc Sở Công Thương nói.
Theo Phòng NN&PTNT huyện Châu Thành, thời điểm này chưa phải vào vụ chính nên diện tích thanh long thu hoạch gần 1.000 tấn, thương lái mua nhập kho giá trung bình từ 7.000 - 8.000 đồng/kg. Do không xuất hàng đi qua cửa khẩu được nên hiện tại các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Long An cũng đã ngưng mua mặt hàng này của nông dân.
Trao đổi với Dân Việt, đại diện UBND huyện Châu Thành cho hay, trước Tết Nguyên đán 2022, Trung Quốc đã tạm dừng nhập khẩu loại trái cây tươi từ Việt Nam qua cửa khẩu đường bộ. Trước đó, chủ trương "Người Việt ưu tiên dùng hàng Việt" do Sở Công Thương Long An phát động cũng đem lại hiệu quả tương đối tốt khi các doanh nghiệp, sở, ban ngành... ở tỉnh Long An đã hỗ trợ người nông dân nơi đây tiêu thụ khoảng 26.000 tấn.
Ông Nguyễn Văn Khải, Chủ tịch UBND huyện Châu Thành khẳng định: Huyện đã chủ động phối hợp Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại Sở Công Thương tỉnh tìm đầu ra cho thanh long qua các kênh bán hàng ở trong nước.
"Chúng tôi đang tích cực đưa những mặt hàng này đi giới thiệu ở những doanh nghiệp, đơn vị có chuỗi siêu thị, cửa hàng lớn trên cả nước, cũng như các chợ đầu mối, trung tâm thương mại. Đồng thời chúng tôi còn đưa đến những khu vực đông dân cư, công nhân lao động khu, cụm công nghiệp, chợ nông thôn. Người mua chỉ cần 1-2kg sẽ tiêu thụ số lượng chẳng hề nhỏ" - ông Khải nói.
Theo khảo sát của phóng viên tại địa bàn huyện Tân Trụ, diện tích thanh long không lớn. Tuy nhiên, cán bộ huyện, xã đã trực tiếp xuống tận nhà vườn để cùng bàn bạc cách tiêu thụ khi thanh long bắt đầu cho trái.
Chủ tịch UBND huyện Tân Trụ Trương Thanh Liêm cho hay, người nông dân gặp khó, chính quyền cần nhanh chóng tìm giải pháp để giúp họ vượt qua, không để tự nông dân "tự bơi". Chính nhờ sự quyết tâm chung tay giúp đỡ, sẻ chia với những người nông dân này mà toàn bộ sản lượng thanh long ở địa bàn gần như bán hết.