Hiến chương LHQ đang biến thành một tài liệu mang tính hình thức, và không gian vũ trụ đang biến thành một bãi chiến trường. Những chi tiết về quá trình thay đổi cán cân quyền lực được nêu trong tài liệu của Sputnik.
15 năm trước, bài phát biểu của Tổng thống Nga Putin đã gây ấn tượng mạnh. Đại diện của Mỹ và các nước châu Âu lắng nghe nhà lãnh đạo Nga với vẻ mặt bất cần - chưa có ai dám nói chuyện với họ theo cách này. Các phương tiện truyền thông phương Tây cũng bối rối. Giọng điệu chung của các ấn phẩm trong những ngày đó: "Sao anh ta dám nói như vậy?!"
Vladimir Putin cáo buộc Mỹ áp đặt lợi ích của mình lên các quốc gia khác, trách móc NATO vì đã phá vỡ lời hứa không mở rộng về phía đông và tuyên bố không đồng ý với nỗ lực của phương Tây nhằm tạo ra một thế giới đơn cực. Theo ông, hệ thống quan hệ quốc tế như vậy không liên quan gì đến nền dân chủ và sự chung sống hoà bình giữa các nền văn minh khác nhau. Ông Putin dự đoán sự xuất hiện của các trung tâm quyền lực mới sẽ thách thức trật tự thế giới thời hậu Chiến tranh Lạnh. Và hiện nay, tất cả những luận điểm này vẫn mang tính cấp bách.
Phó chủ tịch Viện Các vấn đề địa chính trị Konstantin Sokolov nhận xét: "Khi đó, ông Putin đã nhìn vào tương lai, Ngày nay, trật tự thế giới được quyết định bởi sự cân bằng quyền lực trong bộ ba Nga-Trung-Mỹ. Trong 15 năm qua, Nga và Trung Quốc đã tăng cường đáng kể tiềm lực chính trị, kinh tế và quân sự. Đây là một sự thật không thể chối cãi. Hơn nữa, đang xuất hiện một cấu trúc mới của các đồng minh, đây là một phương án thay thế cho phương Tây tập thể. Cấu trúc này bao gồm SCO, BRICS và các hiệp hội khác. Chính sách của Washington đang đẩy Nga và Trung Quốc đến việc thành lập một khối quân sự-chính trị".
Chuyên gia Sokolov nhấn mạnh, trên thực tế, vào năm 2007, Nga không có đồng minh nào. Không có quốc gia nào coi Nga là người bảo trợ. Ngày nay tình hình đã thay đổi đáng kể. Vào năm 2015, chính phủ Syria đã chính thức yêu cầu Nga hỗ trợ quân sự, và Cộng hòa Ả Rập Syria đã cho cả thế giới thấy rằng, trên hành tinh chúng ta có một hệ thống phòng thủ khác, ngoài hệ thống mà người Mỹ áp đặt. Và hệ thống này hoạt động hiệu quả hơn nhiều.
Chuyên gia Sokolov nói: "Nga có thể cung cấp một sản phẩm độc nhất - xuất khẩu an ninh, mà trước đây Washington độc quyền. Ở đây nói không chỉ về Syria. Các chuyên gia quân sự của Nga làm việc ở Libya và các nước châu Phi khác, ở Venezuela. Argentina cũng đưa ra tín hiệu về sự sẵn sàng hợp tác với Nga. Ngay cả trong Liên minh châu Âu cũng có những nước đi chệch hướng "đường lối của đảng" và ủng hộ hợp tác với Matxcơva. Hungary là một ví dụ sinh động. Nhìn chung, chúng tôi có thể tự tin nói rằng, trong 15 năm qua, Nga đã từ một quốc gia bại trận trong Chiến tranh Lạnh lại thành một cường quốc trên thế giới".
Vào mùa hè năm 2013, Nga lần đầu tiên sử dụng năng lực ngoại giao mới của mình, khi đó Mỹ đã sẵn sàng giáng một đòn mạnh vào Syria. Cái cớ là thông tin chưa được kiểm chứng về việc Damascus sử dụng vũ khí hóa học để trấn áp phe đối lập. Điện Kremlin đã thuyết phục được phương Tây đồng ý với việc đặt toàn bộ hệ thống vũ khí hóa học của Syria dưới sự kiểm soát quốc tế để sau đó vũ khí này bị hủy. Cuộc xâm lược đã bị ngăn chặn, nhưng các nước NATO vẫn tham gia vào cuộc nội chiến Syria.
Vị thế quân sự của Nga cũng đã thay đổi. Nửa năm sau bài phát biểu tại Munich, Tổng thống Vladimir Putin đã ký sắc lệnh về việc Liên bang Nga ngừng tham gia Hiệp ước về các lực lượng vũ trang thông thường ở châu Âu (CFE), cũng như các thỏa thuận liên quan tới hiệp ước này. Tài liệu này xác định số quân, xe bọc thép và vũ khí mà Matxcơva có thể triển khai ở biên giới phía tây và NATO có thể triển khai ở biên giới phía đông. Tuy nhiên, việc các nước Baltic và Đông Âu gia nhập NATO đã làm đảo lộn cán cân quyền lực, trên thực tế biến Hiệp ước CFE thành giấy lộn.
Chuyên gia quân sự Alexei Leonkov giải thích: "Hiệp ước không còn hiệu lực sau khi các đồng minh cũ trong Hiệp ước Warsaw chính thức gia nhập NATO. Để phản ứng tương xứng, Nga cần phải gia tăng lực lượng vũ trang lên gấp hai đến hai lần rưỡi, phải chi tiêu số tiền khổng lồ, đây là gánh nặng chi phí rất lớn lên nền kinh tế. Do đó, ban lãnh đạo Nga quyết định thay đổi học thuyết quân sự. Chiến lược phòng thủ vừa đủ được chọn làm nguyên tắc phòng thủ chính, ưu tiên hàng đầu là các loại vũ khí có độ chính xác cao, hỏa lực chính xác tầm xa".
Vào tháng 8 năm 2008, Mỹ và các đồng minh của họ đã thúc giục Mikhail Saakashvili tấn công Nam Ossetia. Trong những giờ đầu tiên của cuộc chiến, các cuộc pháo kích của Gruzia đã giết chết 15 lính Nga tham gia hoạt động Gìn giữ hòa bình LHQ ở Tskhinval. Nga đáp trả hành động khiêu khích bằng cuộc tấn công của tập đoàn quân số 58. Sau năm ngày, kẻ xâm lược buộc phải ngừng bắn, tiềm lực công nghiệp-quân sự của Gruzia bị phá hủy hoàn toàn. Tuy nhiên, chiến dịch đó đã bộc lộ nhiều vấn đề: tổ chức tương tác kém, thiếu vũ khí hiện đại và nhân lực được huấn luyện, chiến thuật lạc hậu. Cuộc Chiến Năm ngày là điểm khởi đầu cho cuộc cải cách quân sự quy mô lớn.
"Điện Kremlin đã hiểu rằng, con át chủ bài của Mỹ và NATO là máy bay và thiết bị không người lái, mà họ có rất nhiều, - chuyên gia quân sự Leonkov ghi chú. - Đây là điểm khởi đầu cho chương trình hiện đại hóa quân đội. Trong một thập kỷ rưỡi, Nga đã tạo ra một trường radar liên tục bao phủ dọc hết các vùng biên giới của đất nước - ngày nay không một máy bay nước ngoài nào xâm nhập không phận của Nga mà không bị phát hiện. Ngoài ra, một hệ thống điều khiển chiến thuật tự động (ACS TZ) đã được xây dựng từ con số 0".
Hệ thống này bổ sung cho khái niệm hiện đại về tác chiến vũ khí kết hợp và cho phép quân đội thực hiện các nhiệm vụ với phản ứng tức thời. ACS TZ đã được thử nghiệm ở Syria và khả năng của nó đã thể hiện đầy đủ tại cuộc tập trận Zapad-2021, khi 200.000 quân nhân đang đồng thời huấn luyện tại 14 bãi tập. Đây là một kỷ lục tuyệt đối trong thời kỳ hậu Xô Viết.