Chủ tịch UBND huyện Tuy Phước Huỳnh Nam cho biết, gần 10 năm thực hiện mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, huyện này đã phát huy sức mạnh toàn hệ thống chính trị trong lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện đồng bộ, sâu sát, quyết liệt.
Xác định từng phương pháp, lựa chọn đúng nội dung, khâu đột phá, có trọng tâm với nhiều năng động, sáng tạo phù hợp với điều kiện thực tế địa phương đã phát huy các tiềm năng, lợi thế vượt qua khó khăn thách thức.
Đến nay, huyện Tuy Phước đã đạt được những kết quả khá toàn diện trên mọi lĩnh vực, diện mạo nông thôn có nhiều đổi thay, chất lượng cuộc sống của người dân được nâng cao; tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân hàng năm của huyện đạt 92%; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng giá trị công nghiệp, thương mại và dịch vụ. Thu nhập bình quân đầu người toàn huyện đạt 45,8 triệu đồng/người/năm.
Hệ thống đường giao thông nông thôn trục xã, liên xã được nhựa hóa, bê tông hóa đạt 100%; đường trục thôn, liên thôn đạt 99,3%. Tỷ lệ lao động có việc làm qua đào tạo đạt 48,67%. Tỷ lệ hộ sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 100%; trong đó, hộ sử dụng nước sạch theo quy chuẩn quốc gia là 74,4%.
Tỷ lệ hộ nghèo còn 1,92% (giảm 7,92% so với năm 2011). Huyện Tuy Phước đã được UBND tỉnh phê duyệt 4 dự án cánh đồng lớn cho cây lúa, 3 cánh đồng liên kết sản xuất lúa giống với tổng diện tích canh tác 750 ha, hiện có 12/14 HTX nông nghiệp liên kết sản xuất giống với các công ty, hàng năm liên kết sản xuất giống trên 1.200 ha, áp dụng tiến bộ kỹ thuật tiên tiến...
"Đón nhận bằng công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới của Chính phủ là vinh dự, niềm tự hào, đồng thời cũng là trách nhiệm to lớn của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Tuy Phước. Xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ trọng tâm, toàn diện, lâu dài trong sự nghiệp phát triển nông nghiệp, nông dân và nông thôn", ông Nam nói.
Không được thoả mãn "non"
Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc biểu dương, chúc mừng những kết quả xây dựng nông thôn mới mà huyện Tuy Phước và tỉnh Bình Định đã đạt được trong thời gian qua.
Theo Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, nông thôn mới không chỉ là hình thức bên ngoài mà phải có nội dung bên trong, gắn với việc nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân; giữ gìn vốn quý về văn hóa con người, xây dựng văn hóa tình làng nghĩa xóm, hỗ trợ lẫn nhau lúc khó khăn.
Nông thôn mới còn là đảm bảo an toàn cho người dân, đảm bảo an ninh nông thôn; ứng dụng khoa học và xã hội, phát triển các sản phẩm OCOP, sản phẩm sạch, đảm bảo an toàn thực phẩm.
Đặc biệt, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu huyện Tuy Phước không được thỏa mãn "non", bệnh thành tích, phải phấn đấu, có khát vọng mới để đưa Tuy Phước tiếp bước.
Giữ vững khát vọng, nêu cao ý chí, vượt khó hơn nữa, huyện Tuy Phước phải có khát vọng phát triển để đưa huyện tiến bước cùng với các huyện nông thôn tiên tiến khác của Việt Nam.
Phải chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu kinh tế, áp dụng KH&CN, nhất là công nghiệp 4.0, xây dựng nông nghiệp số, quản lý dân cư bằng công nghệ số hóa để hiểu và phục vụ nhân dân tốt hơn.
Ngoài ra, Tuy Phước cần hướng đến mục tiêu trở thành huyện nông thôn mới kiểu mẫu, huyện nông thôn mới nâng cao của Việt Nam.
Vì vậy, các lãnh đạo huyện Tuy Phước và tỉnh Bình Định phải có 1 kế hoạch cụ thể với lộ trình, bước đi phù hợp trong đó phải giữ vững môi trường, có trách nhiệm bảo vệ đầm Thị Nại (5.000ha).
"Tôi rất mong Tuy Phước được công nhận nông thôn mới hôm nay là bước đầu quan trọng để tất cả hệ thống chính trị, với sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, Huyện ủy chúng ta cùng nhau đoàn kết, quyết tâm, sáng tạo, sát dân để đưa Tuy Phước tiến lên giai đoạn mới", Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.