Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc phát động Tết trồng cây tại Phú Thọ, mong trồng cây nào sống tốt cây đó
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc phát động Tết trồng cây tại Phú Thọ, mong trồng cây nào sống tốt cây đó
Minh Ngọc
Chủ nhật, ngày 06/02/2022 13:18 PM (GMT+7)
Sáng 6/2, tại Khu di tích lịch sử Đền Hùng (Việt Trì, Phú Thọ), Bộ NNPTNT và tỉnh Phú Thọ tổ chức Lễ phát động trồng cây “Đời đời nhớ ơn Bác Hồ.” Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đến dự và tham gia trồng cây.
Phát biểu tại buổi lễ, trích dẫn lời dạy của Bác Hồ "Mùa xuân là Tết trồng cây, làm cho đất nước càng ngày càng xuân", Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: “Các cấp, các ngành cần xây dựng kế hoạch hành động cụ thể, thiết thực về trồng rừng, bảo vệ rừng; phấn đấu chủ động trên 80% gỗ nguyên liệu phục vụ chế biến xuất khẩu, quyết tâm phấn đấu đưa Việt Nam trở thành trung tâm hàng đầu thế giới về sản xuất, xuất khẩu gỗ và các sản phẩm từ gỗ rừng trồng”.
Chủ tịch nước nêu rõ, nhân loại đang đứng trước những thách thức to lớn của biến đổi khí hậu toàn cầu.
Các hiện tượng thời tiết cực đoan, bão lụt, sạt lở, hạn mặn gây hậu quả nặng nề đến tính mạng, tài sản.
Điều này đã làm cho việc trồng rừng, bảo vệ rừng ngày càng có vai trò quan trọng, vừa là nhiệm vụ cấp bách, vừa mang ý nghĩa chiến lược với cuộc sống của người dân và sự phát triển bền vững của đất nước.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cho biết, trong thời gian qua, nhiệm vụ bảo vệ, phát triển rừng và trồng cây xanh phân tán luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm, nhiều chương trình trồng rừng, phục hồi rừng và trồng cây phân tán đã được triển khai thực hiện; qua đó đã tích cực góp phần phòng hộ, bảo vệ môi trường, cảnh quan, tạo nguồn nguyên liệu từ gỗ rừng trồng trong nước cho công nghiệp chế biến, xuất khẩu lâm sản, phát triển kinh tế đất nước.
Ngày 1/4/2021, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án số 524 với mục tiêu trồng đến hết 2025, cả nước trồng được 1 tỷ cây xanh.
Chủ tịch nước rất vui mừng trước kết quả đạt được năm 2021, khi cả nước trồng được 210 triệu cây, đạt 115% kế hoạch.
Một số địa phương có kết quả trồng cây xanh năm 2021 tốt như: Nghệ An, Thanh Hóa, Lâm Đồng, Hà Tĩnh, Quảng Nam, Cao Bằng, Lạng Sơn…
Toàn tỉnh Phú Thọ năm 2021 cũng trồng được 1,5 triệu cây xanh…
Tuy nhiên, mặc dù tỷ lệ che phủ rừng có tăng lên, nhưng chất lượng rừng tự nhiên hiện tại vẫn còn thấp; nhiều khu vực rừng phòng hộ vẫn chưa phát huy đầy đủ chức năng; tỷ lệ cây xanh/người dân đô thị và nhiều khu vực nông thôn vẫn còn thấp so với mức tiêu chuẩn quốc gia và thấp hơn nhiều nước trên thế giới.
Tiếp nối tư tưởng của Bác Hồ, cùng với nhận thức sâu sắc về biến đổi khí hậu và lợi ích của việc trồng cây, trồng rừng, bảo vệ môi trường sinh thái; với mong muốn đem lại một môi trường sống xanh - sạch - đẹp cho người dân trên mọi miền của Tổ quốc và thực hiện nghiêm chủ trương không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế, Chủ tịch nước kêu gọi toàn thể đồng bào, đồng chí, các anh, các chị, các cháu thanh niên, thiếu nhi cả nước, trong những ngày vui tết, đón xuân Nhâm Dần hãy hăng hái tham gia trồng cây, trồng rừng ngay từ những ngày đầu năm 2022.
Chủ tịch nước yêu cầu các cấp, các ngành cần xây dựng kế hoạch hành động cụ thể, thiết thực về trồng rừng, bảo vệ rừng và trồng cây xanh phân tán, góp phần thực hiện thành công Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững và chương trình 1 tỷ cây xanh giai đoạn 2021-2025 được Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Phát động phong trào thi đua mọi người trồng cây, mọi nhà trồng cây để xanh đường, xanh nhà; trồng cây ăn quả, cây lấy gỗ, trồng rừng sản xuất, trồng rừng phòng hộ đầu nguồn, chống xói mòn đất, bảo vệ nguồn nước của cộng đồng dân cư; trồng rừng phòng hộ biên giới; rừng phòng hộ chắn gió, chắn cát bay; rừng phòng hộ chắn sóng, lấn biển; trồng cây trong thôn xóm, dọc đường giao thông nông thôn, vùng ven biển, biên giới, trên các hải đảo, vùng đất trống, đồi trọc; trồng cây xanh phân tán ở cả khu vực đô thị và nông thôn, trồng cây nào sống tốt cây đó, tạo môi trường cảnh quan, góp phần xây dựng nông thôn mới.
Phấn đấu chủ động trên 80% gỗ nguyên liệu phục vụ chế biến xuất khẩu, có chất lượng cao, đáp ứng các tiêu chuẩn trong nước và quốc tế; trồng rừng gắn liền với phát triển chế biến và mở rộng thị trường trong nước và xuất khẩu, quyết tâm phấn đấu đưa Việt Nam trở thành trung tâm hàng đầu thế giới về sản xuất, xuất khẩu gỗ và các sản phẩm từ gỗ rừng trồng.
Tổ chức tốt công tác quản lý, bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng; kiểm soát chặt chẽ chuyển mục đích sử dụng rừng, thực hiện nghiêm Chỉ thị số 13-CT/TW ngày 12 tháng 01 năm 2017 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng và pháp luật về Lâm nghiệp.
Tiếp tục thực hiện chủ trương đóng cửa rừng tự nhiên và không sử dụng gỗ bất hợp pháp, ngăn chặn tình trạng chặt phá, đốt rừng, khai thác rừng trái pháp luật, rừng bị lấn chiếm sử dụng sai mục đích, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Tại lễ phát động, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cùng lãnh đạo các Bộ, ban, ngành Trung ương; lãnh đạo tỉnh Phú Thọ và đông đảo cán bộ, chiến sĩ cùng các tầng lớp nhân dân tỉnh Phú Thọ tham gia trồng cây tại Khu di tích lịch sử Đền Hùng.
Trước lễ phát động trồng cây, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và các đại biểu đã tới dâng hương tại Đền thờ các Vua Hùng nằm trong khuôn Khu di tích lịch sử Đền Hùng.
Theo Bộ NNPTNT, Chiến lược phát triển lâm nghiệp Việt Nam giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 đặt mục tiêu nâng cao chất lượng và duy trì tỷ lệ che phủ rừng ổn định ở mức 42%; tốc độ gia tăng giá trị sản xuất lâm nghiệp từ 5,0 - 5,5%/năm.
Tổng thu tiền dịch vụ môi trường rừng tăng bình quân 5%/năm; trồng rừng mỗi năm 230.000 ha để sản lượng gỗ khai thác từ rừng trồng đạt 35 triệu m3 cho chế biến, tiêu dùng, giá trị xuất khẩu gỗ và lâm sản ngoài gỗ đạt 20 tỷ USD vào năm 2025.
Để đạt được các mục tiêu cơ bản này, theo Bộ trưởng NNPTNT Lê Minh Hoan, trong những năm tới, cần chung sức, đồng lòng, hành động quyết liệt, có hiệu quả với một số nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm.
Tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền để các cấp, các ngành tổ chức thực hiện tốt pháp luật về lâm nghiệp, bảo đảm các quy định pháp luật được thực thi đồng bộ, thống nhất, phát huy hiệu quả trên thực tiễn.
Bên cạnh đó, các cấp, các ngành và các địa phương quyết liệt chỉ đạo, tổ chức xây dựng kế hoạch trồng cây, trồng rừng gắn với triển khai thực hiện các chỉ tiêu nhiệm vụ phát triển lâm nghiệp theo Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2021-2025 và Đề án trồng một tỷ cây xanh giai đoạn 2021-2025.
Tăng cường quản lý chất lượng giống cây trồng lâm nghiệp, đảm bảo sử dụng giống tốt, chuẩn bị đầy đủ các điều kiện về hiện trường, vật tư, nhân lực, kinh phí; coi trọng cả trồng rừng tập trung và trồng cây phân tán, ưu tiên trồng cây bản địa, trồng rừng gỗ lớn, lâu năm, đa mục tiêu ở khu vực đô thị, khu dân cư tập trung, khu văn hóa - lịch sử…
Vui lòng nhập nội dung bình luận.