Chỉ từ năm 2018 đến nay, trên địa bàn tỉnh Nghệ An, diện tích cam bị chặt do cây cam sinh trưởng, phát triển kém đã lên đến trên 1.340 ha.
Qua kiểm tra, đánh giá của ngành nông nghiệp, trên các vùng cam kinh doanh tại Nghĩa Đàn, Quỳ Hợp, Con Cuông..., có đến trên 80% diện tích cam kinh doanh và trên 50% diện tích cam kiến thiết cơ bản có biểu hiện suy thoái, chất lượng cam quả suy giảm. Trong đó hơn 6% diện tích thời kỳ kiến thiết có nguy cơ phá bỏ trước khi vào kinh doanh; 15,8% cam kinh doanh phát triển có nguy cơ bị chặt bỏ trong 1 - 2 năm tới.
Tại huyện Con Cuông, nhiều hộ dân cũng đối diện khó khăn lớn vì cây cam không phát triển, một số diện tích vẫn tươi tốt nhưng lại không cho quả, hoặc nếu cho quả cũng rất èo uột.
Anh Trần Văn Kính, bản Pha, Yên Khê (Con Cuông), trồng 300 gốc cam Xã Đoài trong vòng 5 năm nay. Thế nhưng sau 4 năm kiến thiết và cho thu hoạch được 1 vụ với 10 tấn quả, thì cây bị thoái hóa dần, năng suất ngày càng giảm. Hiện tại, anh Kính đang hết sức sốt ruột, lo lắng cho diện tích cam mà gia đình đã đầu tư có nguy cơ phải chặt bỏ.
Tại xã Minh Hợp, một trong những địa bàn trồng cam lớn của huyện Quỳ Hợp hiện nay cũng đang phải đối mặt với tình trạng thoái hóa vườn cam, gây thiệt hại lớn về kinh tế.
Tại khu vực trồng cam của Đội chè 2 thuộc Công ty CP Nông - Công nghiệp 3/2, chúng tôi chứng kiến 10 ha trồng giống cam Xã Đoài của đơn vị này đã bị hư hỏng, dù chỉ mới trồng được 3 năm. Mặc dù chưa cho thu hoạch nhưng 10 ha trồng cam này có nguy cơ phải chặt bỏ.
Ông Nguyễn Nam Thuyên - Giám đốc Công ty CP Nông - Công nghiệp 3/2: Chi phí bỏ ra cho 1ha cam trong 3 năm qua hơn 150 triệu đồng, mặc dù trước khi tiến hành trồng, đơn vị cũng đã lựa chọn cây giống một cách kỹ càng, đồng thời áp dụng các biện pháp kỹ thuật một cách chặt chẽ, nhưng vẫn không hiểu sao cây cam không phát triển mà cứ còi cọc và vàng lá. Với tình trạng này thì nguy cơ sẽ mất trắng gần 2 tỷ đồng.
Theo thống kê, tại huyện Quỳ Hợp diện tích trồng cam chủ yếu tập trung tại 5 xã, gồm: Minh Hợp, Nghĩa Xuân, Châu Đình, Văn Lợi, Hạ Sơn. Nếu từ trước năm 2018 diện tích cam toàn huyện đạt hơn 2.500 ha thì đến nay chỉ còn lại khoảng 1.600 ha, do nhiều diện tích cam bị thoái hóa, sâu bệnh... nên đã bị người dân phá bỏ để trồng cây khác.
Ông Nguyễn Duy Hưng - Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Quỳ Hợp cho biết: có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc cây cam bị thoái hóa, sâu bệnh, năng suất thấp. Trong đó chủ yếu là do đất bị nhiễm bệnh, bị ảnh hưởng bởi thời tiết, các loại nhện đỏ, ruồi vàng, thậm chí là do người dân mua phải giống kém chất lượng.
Ông Hưng cũng cho biết thêm rằng, trước thực trạng nhiều diện tích cam trên địa bàn bị thoái hóa, huyện cũng đã nhiều lần lấy mẫu đất, mẫu cây cam đi làm xét nghiệm, thậm chí mời chuyên gia về kiểm tra, tuy nhiên không thể xử lý xuể vì diện tích rộng. Một số chuyên gia cũng khuyên phải cải tạo đất, bằng cách luân canh cây trồng.
Tuy nhiên, điều quan trọng nhất là người dân cần phải lựa chọn giống một cách kỹ càng, ở những nơi có uy tín. Đồng thời cần phải áp dụng khoa học kỹ thuật trong trồng và chăm sóc cây cam một cách nghiêm ngặt, tránh lạm dụng thuốc, phân hóa học làm ảnh hưởng lâu dài đến cây cam.
Cải tạo cam thoái hóa bằng biện pháp kỹ thuật
Chúng tôi gặp tiến sĩ Đỗ Văn Chung - chuyên gia trong lĩnh vực dinh dưỡng cây trồng của Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam khi ông đang triển khai các biện pháp hỗ trợ người dân cải tạo, phục hồi vườn cam tại huyện Con Cuông.
Ông Chung cho biết, qua nghiên cứu khí hậu và thổ nhưỡng trên địa bàn Nghệ An cùng với tập quán sản xuất của người dân thì nhận thấy rằng, hiện nay rất nhiều hộ dân đang trồng cam theo kinh nghiệm chứ không phải theo quy chuẩn khoa học. Chính vì thế mà nguy cơ vườn cam bị thoái hóa sớm hoặc không phát triển sẽ rất cao, gây thiệt hại cho người trồng.
Ông Chung cho rằng, cây cam là cây trồng rất khó tính, nhạy cảm, nên mỗi vùng trồng sẽ cho giá trị khác nhau. Thực tế hiện nay, người dân đang tự chọn mua giống theo sở thích, theo kiểu truyền tai nhau chứ chưa căn cứ vào nghiên cứu chất đất, khí hậu của từng vùng để chọn loại giống nào cho phù hợp. Chưa kể nhiều loại giống không đảm bảo chất lượng, giống trôi nổi nên cho năng suất thấp.
Bên cạnh đó, việc người dân lạm dụng phân bón, thuốc hóa học để thúc đẩy cây cam phát triển, rút ngắn chu kỳ khai thác khiến cho cây nhanh chóng bị kiệt sức.
Tiến sĩ Đỗ Văn Chung - chuyên gia trong lĩnh vực dinh dưỡng cây trồng của Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam: Bình thường, một chu kỳ khai thác của cây cam nếu áp dụng đúng tiêu chuẩn khoa học kỹ thuật có thể kéo dài từ 25-30 năm, với cách trồng và chăm sóc cam một cách tùy tiện của người dân như hiện nay thì chu kỳ khai thác của cây cam chỉ đạt từ 10-15 năm, thậm chí bước sang năm thứ 5 đã bị thoái hóa.
Hiện nay, theo tìm hiểu của chúng tôi, một số vườn cam trên địa bàn xã Yên Khê (Con Cuông), Đồng Thành (Yên Thành), do bị thoái hóa nên đã phải can thiệp bằng các biện pháp khoa học kỹ thuật. Các nhà khoa học sau khi nghiên cứu tình trạng “bệnh” của vườn cam đã nhanh chóng tiến hành cải tạo bộ rễ, tạo cành, phân tán, bón phân, giúp cây cam phục hồi.
Ông Trương Văn Biên, xóm Đồng Trung, Đồng Thành (Yên Thành) có vườn cam 5ha. Gia đình ông bắt đầu trồng cam cách đây 7 năm, tuy nhiên một thời gian ngắn sau khi trồng thì cây cam cho năng suất kém, vì thế ông đã quyết định mời các nhà khoa học về nghiên cứu, kiểm tra và tiến hành cải tạo. Sau 1 năm cải tạo thì cây đã phục hồi và từng bước cho năng suất cao. Chỉ tính riêng vụ cam năm 2021 vườn cam của gia đình ông đã đạt 30 tấn/ha.
Theo trao đổi của ông Ngô Hoàng Linh - Giám đốc Trung tâm ứng dụng tiến bộ KH&CN Nghệ An, thì hiện nay việc kiểm soát chất lượng, nguồn gốc cây cam giống đang còn gặp nhiều khó khăn. Trên địa bàn chưa có đơn vị nào đáp ứng được nhu cầu giống quy mô lớn, chất lượng, vì thế mà người dân gần như đang phải tự tìm mua cây giống.
Bên cạnh đó, do người dân đang trồng cam theo kinh nghiệm nên kỹ thuật thâm canh còn hạn chế, chưa biết cách tỉa cành tạo tán và sử dụng phân bón sao cho phù hợp. Điều này dẫn đến năng suất chưa đảm bảo, chất lượng các vườn cam không đồng đều, mẫu mã chưa đáp ứng được nhu cầu của thị trường.
Đất trồng cam được khai thác liên tục, không luân canh dẫn đến bị thoái hóa nhanh chóng, nhiễm bệnh, ảnh hưởng đến sinh trưởng và phát triển của cây cam. Chưa kể, việc sử dụng phân hóa học bừa bãi dẫn đến tình trạng kháng thuốc khiến cho nhiều loại bệnh như Greening, vàng lá thối rễ, loét, sẹo... trở nên vô phương cứu chữa.
Trước tình trạng nhiều diện tích cam bị thoái hóa có nguy cơ phải chặt bỏ, để giảm thiểu thiệt hại cho người dân, đồng thời tăng giá trị của cây cam trên địa bàn, đơn vị đang xây dựng đề án thí điểm cải tạo, phục hồi một số vườn cam trên địa bàn. Nếu thành công thì sẽ hướng dẫn người dân áp dụng trên diện rộng.