Trồng thứ cây đặc sản gì mà tới thời thu tiền "cản không kịp", nông dân Nghệ An bán được từ vỏ đến lá?

Cảnh Thắng Thứ năm, ngày 17/02/2022 05:33 AM (GMT+7)
Đến vùng đất Phủ Quỳ những ngày đầu năm mới Nhâm Dần 2022, xa xa là những cánh rừng trồng quế bạt ngàn đang dần phủ kín các ngọn đồi trọc ở huyện Quế Phong (tỉnh Nghệ An). Dẫu qua biết bao thăng trầm của thời gian, hiện nay, cây quế được xem là cây chủ lực thoát nghèo, làm giàu của bà con.
Bình luận 0

Trồng quế bán được cả vỏ lẫn lá

Theo những bậc cao niên tại xã Hạnh Dịch, huyện Quế Phong (Nghệ An), vào những năm 1970 đến đầu những năm 1990 của thế kỷ trước, khi nhắc đến giá trị của cây quế ở vùng đất Phủ Quỳ (gồm các huyện Nghĩa Đàn, Quỳ Hợp, Quỳ Châu, Quế Phong ngày nay - PV) không một người dân nào không biết đến. 

Thậm chí cánh thương lái thời đó ví von rằng, việc khai thác quế, bán quế thời điểm đó cũng là "điểm nóng" không kém gì "cơn sốt" đá đỏ Quỳ Châu một thời.

Nghệ An: Vùng đất Phủ Quỳ đổi thay vì cây quế   - Ảnh 1.

Vườn ươm Na Chạng thuộc Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt đang ươm giống cây quế địa phương để mở rộng diện tích trồng quế tại huyện Quế Phong và vùng phụ cận. Ảnh: Cảnh Thắng

Anh Hà Huy, tại xã Hạnh Dịch kể lại, ngày trước tại những cánh rừng nguyên sinh sau nhà, cây quế mọc tự nhiên xen với những cây rừng khác, người dân cứ đến mùa thu hoạch là vô tư khai thác, khai thác.

Quế nhiều đến nỗi không có thương lái đến thu mua thì chất thành từng đống ở góc nhà, khi nào có người đến mua thì bán kiếm tiền đong gạo.

Theo thời gian, những cánh rừng tự nhiên ngày càng thu hẹp, cây cổ thụ cũng lâm vào cảnh bị chặt phá đem bán cho thương lái. 

Thời điểm đó, cây quế có giá gần cả triệu đồng nên người dân Phủ Quỳ thay nhau lên rừng đốn hạ khiến cho lượng cây quế gốc cổ thụ ngày nay vô cùng hiếm và khó tìm thấy.

Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Dân Việt, ông Ngân Văn Tuấn - Trưởng bản Na Hứm, xã Thông Thụ, huyện Quế Phong cho biết: "Xưa kia, ở xã Thông Thụ, cây quế cũng nhiều lắm. Tôi lớn lên là đã thấy cây quế già ở trong rừng. Sau đó do giá quế đắt, nhiều thương lái ở dưới xuôi đi tìm thu mua nên dân bản vào rừng bóc trộm quế, thậm chí chặt cả cây quế về bán kiếm lời...".

Theo ông Tuấn, dần dần, cây quế rừng không còn nữa, chỉ còn sót lại ở một số mảnh rừng mà người dân nhận khoanh nuôi giao khóa mà thôi…

Nghệ An: Vùng đất Phủ Quỳ đổi thay vì cây quế   - Ảnh 2.

Cán bộ vườn ươm Na Chạng kiểm tra cây giống quế chuẩn bị giao cho người dân trồng. Ảnh: Cảnh Thắng

Ông Hà Minh Tuấn - Bí thư Đảng ủy xã Châu Kim, huyện Quế Phong (Nghệ An)– người tiên phong và nhận thấy cây quế sẽ là cây chủ lực của vùng đất Quế Phong trong tương lai nên mạnh dạn đầu tư mua 3ha đất rừng của người dân làm trang trại để trồng cây quế.

Anh Tuấn kể: "Trước đây, quế chủ yếu mọc tự nhiên thôi, nhưng sau đó người dân khai thác trộm nhiều nên cây to hầu như đã bị chặt hạ. Ở xã Châu Kim một số khu vực nay vẫn còn sót lại những cây có đường kính 10 - 20 cm. Sau khi có chủ trương giao đất, giao rừng thì những cánh rừng gần như là có chủ hết nên giờ người dân bảo vệ được cây quế tự nhiên khá nhiều".

Nghệ An: Vùng đất Phủ Quỳ đổi thay vì cây quế   - Ảnh 3.

Người dân tại các bản làng xã Tiền Phong, Hạnh Dịch (huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An) nhận biết giá trị của cây quế nên họ rất có ý thức trồng và thu hoạch cây quế trong tương lai. Ảnh: Cảnh Thắng

Trang trại của nhà tôi rộng khoảng 3 ha thì cây quế chiếm khoảng 2 ha. Những cây to là cây quế mọc tự nhiên còn sót lại, còn những cây nhỏ hơn là gia đình trồng thêm qua các năm. Trồng quế là để thu hoạch lá, cành chiết xuất tinh dầu, còn vỏ để bán cho thương lái được giá khá cao. 

"Ngoài ra, mục đích trồng quế của gia đình tôi là để tận dụng tán mát của cây quế che cho cây chè hoa vàng bên dưới. Bởi cây chè hoa vàng thích hợp trồng xen những cây bóng mát, chứ để nắng trực tiếp là cây chè sẽ bị héo rồi chết", ông Tuấn chia sẻ thêm.

Cũng theo ông Tuấn, cả xã Châu Kim hiện nay có diện tích trồng cây quế đến khoảng trên dưới 200 ha, hàng năm người dân nơi đây bán quế cho thu nhập khá cao, đây cũng là cây chủ lực xóa đói giảm nghèo làm giàu bền vững tại địa phương. 

Đặc biệt, việc người dân trồng quế còn góp phần phủ xanh đất trống đồi núi trọc, hi vọng thời gian tơi diện tích trồng cây quế ở xã Châu Kim ngày một tăng vì hiện nay quế rất được giá.

Cây quế làm giàu phủ xanh núi rừng miền Tây Nghệ An

Trao đổi với anh Nguyễn Văn Mạnh - Trưởng phòng Khoa học và Hợp tác quốc tế (Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt) cho hay, hiện bản Na Hứm, xã Thông Thụ là bản trồng quế nhiều nhất ở huyện Quế Phong, nơi đây có tới 50 hộ dân trồng hơn 80ha quế. 

Thời gian gần đây, dân bản ở đây rất khoái trồng cây quế. Trước đây, đã có thời họ nói "không" với loại cây này vì lúc đó giá rẻ, đời sống của bà con lại khó khăn nên họ chuyển sang trồng cây keo vì nhanh chóng được thu hoạch. 

"Thế nhưng, thời gian gần đây, sau khi bán keo họ lại chuyển sang trồng cây quế, vì những lợi ích kinh tế vượt trội mà loài cây này mang lại, cây quế giúp nhiều hộ dân nơi đây thoát nghèo", anh Mạnh nói.

Ông Ngân Văn Tuấn, người đang sở hữu 4ha quế ở bản Na Hứm cho biết: "Sau khi vào tái định cư tại bản Na Hứm từ Dự án thủy điện Hủa Na, tôi bắt đầu trồng cây quế từ năm 2004. Lúc đó, giá thương lái thu mua quế đã bắt đầu tăng, hơn nữa bản thân tôi nghĩ cây quế là loài cây bản địa. Từ thời cha ông đều trồng cây quế, đất vùng này rất hợp nên quế phát triển rất tốt. Tương lai sẽ rất đáng chờ đợi…".

Cũng theo ông Tuấn, trong những năm gần đây, được sự vận động của cán bộ Ban Quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt cũng như hỗ trợ của Ban về giống cây, kỹ thuật, phân bón… nên người dân như anh rất tự tin trồng loại cây này thay thế cây keo.

Nghệ An: Vùng đất Phủ Quỳ đổi thay vì cây quế   - Ảnh 4.

Người dân đến mua cây quế giống tại vườn ươm Na Chạng (Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt) về trồng trong vườn nhà. Ảnh: Cảnh Thắng

"Cán bộ Pù Hoạt hướng dẫn chúng tôi trồng quế mỗi cây phải cách nhau 3 đến 3,5 m; đào hố sâu 20 x 20 cm, phân thì không nên bón nhiều vì quế là cây có tính chất nóng… có thế cây mới phát triển tốt" - ông Tuấn cho biết.

Nghệ An: Vùng đất Phủ Quỳ đổi thay vì cây quế   - Ảnh 5.

Cán bộ vườn ươm Na Chạng (Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt) hướng dẫn cách trồng cây quế cho người dân. Ảnh: Cảnh Thắng

Trao đổi với báo điện tử Dân Việt, ông Nguyễn Văn Sinh - Giám đốc Ban Quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt cho biết: "Từ năm 2018, đơn vị đã phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu Lâm sản ngoài gỗ tổ chức điều tra, đánh giá, chọn lọc cây trội quế quỳ trong rừng trồng tại xã Tiền Phong, Mường Nọc với một quy trình khắt khe đưa về vườn ươm giống cây Na Chạng, xã Tiền Phong.

Theo đó, cây quế được sưu tầm chọn lựa ở hàng trăm hộ dân, được tính toán các giá trị trung bình của đường kính, chiều cao vút ngọn, chiều cao dưới cành, đường kính tán, độ dày vỏ trên cây vào phiếu điều tra cây trội. 

Trong hàng ngàn cây, các chuyên gia chỉ chọn được 10 cây trội đạt các tiêu chuẩn. Các cây này sau khi được Sở, ngành thẩm định, công nhận và cấp chứng chỉ đã được lập hồ sơ quản lý để phục vụ việc nhân giống lâu dài.

Tại Vườn ươm giống cây Na Chạng có hàng chục cây quế giống bố mẹ quỳ đạt tiêu chuẩn được lựa chọn để nhân giống. Trạm trưởng Ngô Xuân Hải cho biết, hiện vườn ươm Na Chạng đang có trên 10 vạn cây quế giống hơn 4 tháng tuổi. 

Cây quế giống khi đến 1 năm tuổi là sẽ bắt đầu đủ điều kiện cung ứng cho người dân trồng. Từ năm 2017 đến nay, được sự hỗ trợ giống và kỹ thuật của Ban Quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt thì người dân ở nhiều xã như Thông Thụ, Đồng Văn, Tiền Phong, Hạnh Dịch…đã trồng được hơn 250 ha cây quế. Diện tích nói trên sẽ không ngừng tăng lên nhanh chóng trong tương lai gần.

Ông Phan Trọng Dũng - Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Quế Phong cho biết; Thời điểm hoàng kim, toàn huyện Quế Phong có trên 3.000 ha quế, quế còn được chưng cất tinh dầu từ cành, lá để xuất khẩu sang Liên Xô và các nước Đông Âu. 

Nghệ An: Vùng đất Phủ Quỳ đổi thay vì cây quế   - Ảnh 6.

Thời gian tới cây quế là cây chủ lực giúp phát triển kinh tế địa phương xóa đói giảm nghèo và phủ xanh đất rừng ở Quế Phong. Ảnh: Cảnh Thắng

Những năm gần đây, giá vỏ quế tăng cao, người dân và chính quyền địa phương xác định đưa loại cây này vào các dự án trồng rừng gỗ lớn của huyện. Thời gian qua, UBND huyện Quế Phong đã phối hợp với Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt, Trung tâm Nghiên cứu Lâm sản khảo sát cùng bảo tồn giống quế quỳ để ươm giống, nhân rộng diện tích nhằm tạo thu nhập cao cho người dân, góp phần phủ xanh đất trống đồi núi trọc.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem