Sáng 18/2, giá cà phê nhân xô tại Đắk Lắk đã có biến động nhẹ, tăng thêm 200 đồng/kg tại một số địa phương, chạm mốc 42.000 đồng/kg. Tuy nhiên, sự tăng trưởng này chỉ diễn ra trong vài tiếng. Trưa cùng ngày, giá cà phê nhân tại Đắk Lắk đã quay về mốc 41.800 đồng/kg.
Trong ngày, giá cà phê Robusta tại Đắk Nông, Gia Lai, Kon Tum cũng chững lại ở mức 41.700 đồng/kg, Lâm Đồng là 41.200 đồng/kg.
Những ngày qua, tại Tây Nguyên đã xảy ra mưa cục bộ. Điều này đang khiến nhiều nông dân hết sức lo lắng. "Mưa rất ít không đủ để cà phê bung hoa đều. Muốn hoa cà phê nở đều, chúng tôi buộc phải tưới tiếp cho đủ nước. Vấn đề là hiện nay mầm hoa cà phê phân hóa nhiều, đều nên rất nhiều khả năng vụ này cà phê sẽ bị giảm năng suất"- ông Lê Đạt (xã Ea Tân, huyện Krông Năng, Đắk Lắk) nói.
Một số người dân trong xã cũng cho biết, do cà phê tại đây thu hoạch muộn hơn một số nơi nên việc phân hóa mầm hoa trên cây cũng diễn ra chậm hơn. Tuy nhiên, những ngày qua địa phương có mưa. Nếu không tưới đủ nước, hoa cà phê sẽ xảy ra hiện tượng "hoa chanh".
"Chúng tôi đang muốn "ép" thêm một thời gian nữa để mầm hoa phân hóa đều rồi mới tưới nước. Tuy nhiên thời tiết năm nay lại có mưa sớm nên rất khó. Tình trạng này thường sẽ khiến năng suất năm nay bị giảm xuống"- Ông Lê Văn Thái (xã Ea Tân) nói.
Tại một số địa phương khác, những ngày qua cũng bắt đầu có mưa. Tuy nhiên do lượng mưa quá ít, nông dân buộc phải ra đồng để "tưới đuổi". "Mưa chỉ diễn ra vài phút rồi ngưng. Lượng mưa không nhiều nhưng cũng khiến cho cà phê bung hoa. Vì thế không còn cách nào khác, gia đình chúng tôi phải gấp rút "tưới đuổi" để hoa cà phê bung đều"- ông Võ Văn Dũng (xã Ea Tu, TP.Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk) nói.
Hiện nay, việc tái canh cà phê vẫn đang là một vấn đề cấp thiết đối với Tây Nguyên. Đây là giải pháp nhằm tăng năng suất, chất lượng cà phê trong thời gian tới.
Để việc tái canh đạt hiệu quả cao nhất, các chuyên gia nông nghiệp khuyên nông dân nên tuân thủ theo đúng các nguyên tắc cơ bản. Trước mắt đó là cần hiểu và thực hành đúng cách các kỹ thuật tối thiểu để cây cà phê tái canh có tỷ lệ sống cao nhất.
Trước khi tái canh, để đảm bảo vườn cây sạch bệnh, nông dân nên luân canh trồng các cây ngắn ngày trong thời gian từ 2-3 năm. Tuy nhiên, nếu làm tốt việc cải tạo đất (thường xuyên cày xới) thời gian này có thể rút ngắn lại song phải đảm bảo đất không còn mầm mống bệnh.
Nông dân cần phải tìm hiểu và tốt nhất là nhờ các chuyên gia chọn giống cà phê để tái canh cho phù hợp với từng điều kiện thổ nhưỡng. Việc bón lót phân cũng cần phải đúng, đúng, đủ.
Sau khi trồng mới, nông dân nên trồng thêm cây che bóng, trồng xen thêm các loại cây vừa để bảo vệ cho cây cà phê vừa cải tạo đất.
Để đạt hiệu quả kinh tế cao nhất trên vườn cà phê tái canh, nông dân nên trồng xen thêm các loại cây có giá trị kinh tế cao. Các loại cây trồng xen đảm bảo không làm ảnh hưởng đến cây cà phê mà ngược lại có tác dụng che bóng, chắn gió giúp cho cây cà phê phát triển tốt. Đồng thời đây cũng sẽ là một nguồn thu nhập cho nông dân về sau.