Giá cà phê nhân Đắk Lắk hôm nay tăng bất ngờ, thị trường xuất khẩu tốt
Sau phiên rớt giá sâu với mức 500 đồng/kg vào hôm rằm tháng Giêng, giá cà phê nhân Đắk Lắk hôm nay tăng trở lại. Hiện cà phê Robusta Đắk Lắk đang được thu mua với mức 41.600 đồng/kg.
Giá cà phê nhân xô tại các tỉnh Tây Nguyên còn lại hôm nay cũng đồng loạt tăng 500 đồng/kg. Theo đó, cà phê Robusta tại các tỉnh Gia Lai, Kon Tum, Đắk Nông có giá mua trung bình 41.500 đồng/kg. Riêng tại Lâm Đồng, cà phê nhân được mua với giá 41.000 đồng/kg.
Theo một lãnh đạo tại Công ty TNHH MTV xuất nhập khẩu 2/9 Đắk Lắk, so với cùng thời điểm vào năm ngoái, giá cà phê hiện tăng khoảng 8.000- 9.000 đồng/kg. Đây là mức giá khá tốt. Tuy nhiên, thị trường cà sẽ biến động bất thường. Bà con tùy theo nhu cầu mà tính toán việc bán cà phê cho phù hợp.
"Theo tôi, nông dân cần tính toán để chốt giá có lời đã. Sau đó, tùy vào điều kiện, diễn biến thị trường mà có thể giữ hoặc bán tiếp"- lãnh đạo này nói.
Cũng theo lãnh đạo này, so với năm trước, tình hình xuất khẩu cà phê năm nay tăng 10%. Giá bán cà phê có chứng nhận so với thị trường cao hơn từ 500- 700 ngàn đồng/tấn. Với mức giá này, nông dân trồng cà phê chứng nhận đang có lãi khá tốt.
Ngoài ra, do việc trồng cà phê bền vững tiết kiệm được chi phí nhiều hơn, cà phê phát triển ổn định hơn nên nông dân rất phấn khởi.
Ghép cà phê nông dân cần lưu ý những điều gì?
Ghép cà phê để tạo ra những vườn cây có chất lượng cao từ nhiều năm qua đã được nhiều nông dân áp dụng, đem lại hiệu quả tốt. Tuy nhiên, do nhiều yếu tố mà tỷ lệ thành công sẽ khác nhau.
Một cán bộ kỹ thuật tại Viện Khoa học kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên chi sẻ một số lưu ý khi ghép cà phê. Cán bộ này cho biết, kinh nghiệm thực tế thì tùy theo cách canh tác và khí hậu của từng vùng mà một số nơi ghép mà không cần chụp túi nilon chồi ghép vẫn sống và phát triển bình thường.
Sau khi ghép sẽ có một tỷ lệ nhất định phần cây không tương thích với ngọn ghép. Biểu hiện của tình trạng này là cây phát triển còi cọc, ít cành cấp và hay bị khô cành.
Để hạn chế những vấn đề này nông dân nên ghép vài giống vô tính vào cùng một gốc. Bất cứ thời điểm nào trong năm, nông dân vẫn có thể ghép cà phê nhưng tốt nhất là thời điểm tháng 5 và tháng 6. Yêu cầu cần thiết nhất là chồi gốc phải đủ tiêu chuẩn.
Phương pháp ghép chồi cần thận trọng ở các khâu cưa gốc và kỹ thuật ghép chồi. Nông dân chỉ nên chọn những cây có u ở thân để chồi phát triển. Khi cưa, nông dân không nên cưa thân bằng phẳng hay lõm xuống mà mặt cưa phải có độ chênh hướng về phía mặt trời mọc và xoay lưng về phía mặt trời lặn để hạn chế việc nứt thân.
Chồi cà phê được chọn để ghép không quá già hoặc quá non. Vì nếu chồi quá già thì ít nhựa, khó bám dính còn chồi quá non thì dễ bị khô héo trong tuần đầu tiên. Chồi ghép, nông dân chỉ nên để lại từ 2~3 cặp lá non,. Khi ghép, nông dân nên vát bớt diện tích lá sau đó gọt hình cây nêm dẹt và nhét vào khe hở đã chẻ sẵn, quấn nilon mỏng để cố định vị trí và bảo vệ vết thương.
"Hiện có khá nhiều hướng dẫn về kỹ thuật ghép cà phê. Trước khi ghép, để tỷ lệ thành công đạt cao nhất, nông dân nên tham khảo và thực hành theo"- cán bộ này nói.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.