Những ngày gần đây, thông tin về khả năng hủy niêm yết cổ phiếu HAG của Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HoSE: HAG) đang khiến hơn 30.000 cổ đông như "ngồi trên lửa". Rất nhiều nhà đầu tư thiệt hại nặng nề do giá cổ phiếu giảm. Tuy nhiên, phía cơ quan chức năng vẫn chưa đưa ra bất cứ thông tin gì về việc này.
Điều này càng khiến nhà đầu tư thêm lo lắng, bởi khi chưa có câu trả lời rõ ràng từ cơ quan quản lý nhà nước thì câu chuyện bị hủy niêm yết như "án treo" lơ lửng trên đầu nhà đầu tư và khả năng cổ phiếu HAG vẫn tiếp tục sụt giảm.
Theo kiến nghị của HAGL gửi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam và Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE), phía HAGL đã đưa ra những dẫn chứng về sự "hồi sinh" của doanh nghiệp phố núi này.
Cụ thể, HAGL đã thanh toán được phần lớn các khoản nợ vay và trái phiếu tồn đọng. Đồng thời cũng xử lý được các khoản đầu tư không hiệu quả như thanh lý các công ty con ngành nông nghiệp, ngành thủy điện và khoáng sản; xử lý các khoản phải thu tồn đọng nhiều năm như công nợ tại Công ty BĐS An Phú; hệ số thanh toán hiện hành đã lớn hơn 1 (báo cáo tài chính hợp nhất soát xét 6 tháng đầu năm 2021).
Kết quả kinh doanh của HAGL trong năm 2021 với lãi sau thuế công ty mẹ đạt 184,2 tỷ đồng.
Dựa trên các cơ sở này, HAGL dự kiến doanh thu thuần năm 2022 đạt tới 4.820 tỷ đồng và 1.120 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế trong năm 2022.
Hiện, dư nợ vay ngân hàng của HAGL gần 8.300 tỷ đồng. Trong đó, vay ngắn hạn chiếm gần 2.500 tỷ đồng, còn lại gần 5.800 tỷ đồng là vay dài hạn. Ngoài ra, HAGL vẫn đang lỗ lũy kế hơn 4.400 tỷ đồng.
Đến cuối năm 2021, tổng tài sản của HAGL đạt hơn 18.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, công ty chỉ có đúng 78 tỷ đồng tiền mặt. Trong khi đó, nợ phải trả lên tới gần 13.500 tỷ đồng, gấp gần 3 lần vốn chủ sở hữu…
Để đạt mục tiêu này, HAGL đặt ra các mục tiêu phải thực hiện trong năm 2022. Trong đó, nổi bật là chiến lược tập trung vào phát triển trồng chuối và chăn nuôi heo.
Cụ thể, HAGL đặt kế hoạch trồng thêm 2.000 ha chuối để nâng diện tích trồng loại cây này lên 7.000 ha. Đồng thời, DN phố núi này cũng dự kiến nâng tổng số cụm chuồng trại chăn nuôi heo lên 16, đẩy công suất lên hơn 1 triệu con heo thịt mỗi năm.
Ngoài ra, HAGL cũng muốn tăng cường các biện pháp cơ cấu tài chính, phấn đấu giảm số dư nợ ngân hàng phải trải xuống còn 5.000 tỷ đồng, quyết tâm đến năm 2023 có thể xóa sạch hết lỗ lũy kế.
"HAGL kiến nghị cơ quan quản lý thị trường chứng khoán cho DN áp dụng điều kiện thử thách là nếu kết quả kinh doanh bán niên và cả năm nay không có lãi thì mới xem xét hủy niêm yết. Như vậy sẽ bảo vệ lợi ích cổ đông và tránh được các xáo trộn lớn trên thị trường", ông Võ Trường Sơn, Tổng Giám đốc HAGL, khẳng định.
Dù phía HAGL đã có nguyện vọng trình cơ quan quản lý, đồng thời cũng đưa ra các bằng chứng về sự "hồi sinh" của DN này, nhưng rõ ràng khi cơ quan quản lý chưa lên tiếng – "án treo" vẫn lơ lửng, khiến cổ phiếu HAG liên tục trồi sụt những phiên giao dịch gần đây.
Trong phiên giao dịch hôm nay (18/2), cổ phiếu HAG vẫn loay hoay quanh mức 11.200 đồng/cổ phiếu. So với cách đây 1 tháng, thị giá của HAG đã bị giảm gần 30% (ngày 17/1, cổ phiếu HAG đạt mức giá 15.650 đồng/cổ phiếu).
Trên thực tế, theo nhận định của nhiều chuyên gia chứng khoán, việc HAG nếu có bị hủy niêm yết và chuyển về UpCOM cũng chỉ là… giải pháp kỹ thuật. Bởi, nếu niêm yết ở UpCOM thì chỉ khác ở khoản cấp margin và công bố thông tin. Tuy nhiên, HAG từ lâu nay vốn dĩ đã không được vào danh sách cấp margin vì trong diện kiểm soát. Còn việc công bố thông tin thì từ trước đến nay HAG cũng không phải DN hay "mặn mà" với việc này, nhiều năm liền DN này cũng hay "xin" chậm công bố thông tin vì sổ sách phức tạp.
Một số ý kiến lại đưa ra dự đoán, có thể HAG xin không hủy niêm yết trên HoSU vì điều này liên quan đến một số khoản nợ của doanh nghiệp tại các ngân hàng với tài sản thế chấp bằng cổ phiếu.
Chuyên gia chứng khoán Phạm Lưu Hưng - Phó Giám đốc SSI Research, cho hay, khi đầu tư mà mình đặt cược vào việc doanh nghiệp sẽ hồi phục và đi lên, mà thực tế lại không đúng thì mình phải chấp nhận thua lỗ, chứ không thể cứ khi thua lỗ thì bắt cơ quan quản lý làm con tin của họ.
"Việc hủy niêm yết, nếu đúng luật thì cứ thế mà làm", ông Hưng nói.
Cũng theo chuyên gia này, có vẻ mọi người hiểu sai về việc hủy niêm yết. Hủy niêm yết trên HoSE không có nghĩa là biến mất, là không được giao dịch nữa, mà phải đăng ký giao dịch trên UPCoM. Như thế cổ đông cũng không mất đi quyền lợi giao dịch…
Đến hết 31/12/2021, tổng diện tích trồng cây ăn trái của HAGL khoảng 10.000 ha. Trong đó, một nửa là diện tích trồng chuối (gồm 2.500 ha tại Việt Nam, 1.500 ha tại Lào và 1.000 ha tại Campuchia) và các loại trái cây khác như mít, bơ, sầu riêng, xoài...
Với ngành chăn nuôi heo, doanh nghiệp của bầu Đức đã xây dựng được 7 cụm chuồng với công suất nuôi khoảng 400.000 con heo thịt mỗi năm...
Tuy nhiên, theo ông Trương Hiền Phương - Giám đốc cấp cao Chứng khoán KIS Việt Nam, cho hay, nếu HAG vẫn được niêm yết trên HoSE thì HAGL sẽ được lợi nhiều hơn so với việc bị hủy niêm yết trên HoSE, chuyển sang UpCOM.
Thứ nhất, độ phổ biến và độ nổi tiếng của DN sẽ được nhiều người biết đến, được quan tâm nhiều hơn. Bởi khi nhà đầu tư tham gia vào TTCK sẽ dò danh mục những cổ phiếu được niêm yết trên HoSE.
Khi đó, nếu HNG vẫn nằm trong danh mục cổ phiếu giao dịch trên HoSE thì sẽ được đánh giá rằng đây là DN lớn, uy tín, đáp ứng được các tiêu chí tài chính…
Kế đến, việc huy động vốn của các DN niêm yết trên HoSE sẽ dễ hơn trong việc phát hành cổ phiếu, kể cả trái phiếu cũng dễ hơn so với các DN ngoài danh mục, vì nhà đầu tư đặt niềm tin vào đó.
"Khi HAG không còn niêm yết trên HoSE thì những điểm lợi thế, điểm mạnh như trên sẽ bị mất đi. Trong đó, cái mất lớn nhất là khó huy động vốn ở thị trường, ở những nhà đầu tư phổ thông. Còn với việc chào bán riêng lẻ, những cổ đông lớn mua riêng với câu chuyện riêng thì không nói, nhưng nếu phát hành đại chúng thì sẽ hơi khó với HAG", ông Phương nói.