Đóng cửa giao dịch ngày 15/2, VN-Index tăng 20,79 điểm ( 1,41%) và chốt tại 1.492,75 điểm. Nhà đầu tư có dấu hiệu còn thận trọng nên giao dịch khớp lệnh giảm so với phiên trước với giá trị đạt hơn 20.000 tỉ đồng.
Cũng trong phiên giao dịch ngày 15/2, cổ phiếu HAG của Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai gây "sốc" giới đầu tư. Chỉ trong vòng vài phút, hơn 20 triệu cổ phiếu HAG dư bán giá sàn đã được hấp thụ chóng vánh. Mã này đảo chiều tăng giữa lúc thị trường xuất hiện một lá đơn "kêu cứu".
Cổ phiếu HAGL có cú hồi phục ngoạn mục thời điểm đầu giờ chiều ngày 15/2
Cụ thể, trong phiên buổi sáng, cổ phiếu này sàn ngay đầu phiên xuống 10.750 đồng/cổ phiếu với lượng dư bán sàn hàng chục triệu đơn vị nhưng lệnh mua chỉ lẻ tẻ vài trăm đến vài nghìn cổ phiếu.
Tuy nhiên, đầu phiên buổi chiều tình thế đã đảo ngược. Chỉ trong 5 phút từ khoảng 13h23 - 13h28 phút, hơn 12 triệu cổ phiếu đã được giải cứu chớp nhoáng với những lệnh mua lớn rất nhanh và mạnh lên tới hàng trăm ngàn đơn vị. Các lệnh mua lớn lên đến 300.000 - 500.000 - 600.000 - 900.000 đơn vị ồ ạt vào giải cứu khiến lượng cổ phiếu dư bán sàn được khớp trong chớp nhoáng. Các lệnh lớn "mồi" kích hoạt dòng tiền mua chủ động khiến cho cổ phiếu HAG ngay sau đó đã bật tăng từ giá sàn lên giá xanh 5% tức 12.300 đồng/cổ phiếu.
Tuy vậy, lực bán vẫn lớn, lệnh mua đuổi đuối dần khiến cho HAG lùi về 11.650 đồng/cổ phiếu kết thúc phiên với thanh khoản hơn 38 triệu đơn vị.
Màn "giải cứu" ấn tượng không kém phần sốc của HAG khiến giới đầu tư choáng váng. Đặc biệt, trong bối cảnh, cổ đông của doanh nghiệp này đang có đơn kêu cứu lên Bộ Công an, Bộ Tài chính, Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước, Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM.
Trước đó, một nhóm cổ đông HAG đã có đơn thư gửi các cơ quan chức năng về việc HAG sẽ bị huỷ niêm yết sau khi lỗ 3 năm liên tiếp là 2017 - 2018 và 2019.
Theo đó, nhóm cổ đông cho biết, việc HAG bị huỷ niêm yết trên HOSE sẽ gây thiệt hại lớn cho họ, vì giá cổ phiếu liên tiếp giảm sâu.
Thực tế, HAG đã mất gần 1/3 thị giá trong hơn 1 tháng qua do những lùm xùm liên quan đến việc huỷ niêm yết trên HOSE của doanh nghiệp này. Đà giảm cũng chóng vánh không kém gì đà tăng nóng của cổ phiếu HAG trước đó.
Nhận định về thị trường chứng khoán phiên 16/2, các công ty chứng khoán nhận định thị trường chưa thực sự ổn định như trước nên nhà đầu tư cân nhắc yếu tố rủi ro.
Các CTCK nhận định thị trường chưa thực sự ổn định như trước nên nhà đầu tư cân nhắc yếu tố rủi ro
Công ty CK BIDV (BSC) cho rằng, thị trường giằng co trong vùng 1.470-1.485 điểm.
Phân tích của BSC cho thấy, sau phiên giảm điểm mạnh ngày hôm qua, nhà đầu tư có vẻ khá ngần ngại bước chân vào thị trường trong phiên hôm nay. Thanh khoản suy yếu, nên mức tăng 20 điểm là sự giải tỏa tâm lý, nhưng chưa thể khẳng định nhịp điều chỉnh đã kết thúc.
Thị trường nghiêng về phía tích cực với 15/19 ngành tăng điểm, với mức tăng nổi bật nhất đến từ nhóm ngành bất động sản.Trong những phiên tới, thị trường có thể sẽ giằng co trong vùng 1.470-1.485 điểm.
Với cách nhìn khả quan hơn, Công ty CK Vietcombank (VCBS) thì dành lời khuyên cho các nhà đầu tư: Có thể tiếp tục nắm giữ các cổ phiếu dẫn dắt
VN-Index vẫn đang vận động tích lũy trong biên độ hẹp (1.470-1.500 điểm). Theo đó, tâm lý nhà đầu đang dần trở nên ổn định hơn ngay cả trong bối cảnh đại dịch Covid-19 vẫn đang có những diễn biến phức tạp mới.
Tuy nhiên, thanh khoản chưa có sự cải thiện đáng kể, cho thấy nhà đầu tư vẫn chưa thực sự có niềm tin vào thị trường và lực cầu bắt đáy phiên hôm nay cũng chủ yếu xuất hiện ở những cổ phiếu đang đi vào vùng quá bán theo phân tích kỹ thuật.
VCBS cho rằng áp lực chốt lời tại ngưỡng 1.500 là tương đối mạnh, và chỉ số VN-Index sẽ chưa thể xuất hiện xu hướng hồi phục vững chắc trong những phiên tới.
“Nhà đầu tư vẫn có thể tiếp tục nắm giữ các cổ phiếu dẫn dắt, nhưng cần sẵn sàng chốt lời trong những phiên cuối tuần nếu nhịp hồi phục suy yếu và thị trường xuất hiện tín hiệu đảo chiều quay lại xu hướng giảm” – VCBS đưa ra khuyến nghị.
Chiêu trò cũ lặp lại: Loạt đất vườn “hô biến” phân lô, tách thửa bán giá trên trời
Trước thực trạng đất nền khan hiếm và được săn lùng ráo riết, nhiều mảnh đất được các nhà đầu tư “tay to” phân lô, tách thửa thành các lô có diện tích nhỏ để bán.
Bấm xem >>
Vui lòng nhập nội dung bình luận.