Cụ thể, LĐLĐ TP.HCM vừa có công văn gửi các cấp công đoàn thành phố tăng cường thực hiện các giải pháp phòng ngừa, giải quyết tranh chấp lao động, ngừng việc tập thể.
Trong đó, đặt quan tâm, chăm lo việc làm, đời sống, thu nhập của người lao động làm động lực ổn định doanh nghiệp và ngược lại, phát triển doanh nghiệp là cơ sở để tạo việc làm, thu nhập cũng như nâng cao đời sống của người lao động.
Các cấp công đoàn cũng cần phải tăng cường chủ động phối hợp, đề xuất với người sử dụng lao động thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, tổ chức đối thoại tại nơi làm định kỳ hoặc đột xuất hoặc theo vụ việc theo quy định của pháp luật.
Các chủ tịch công đoàn cơ sở cần thiết lập kênh trao đổi thông tin (như Zalo) để kịp thời chia sẻ thông tin, cập nhật tình hình. Chỉ đạo công đoàn cơ sở chủ động phối hợp, hỗ trợ, tăng cường trao đổi thông tin về tình hình doanh nghiệp, tâm tư, nguyện vọng, chế độ đối người lao động.
Khi xảy ra tranh chấp lao động, ngừng việc tập thể, các cấp công đoàn cần kịp thời phối hợp với các cơ quan chức năng hỗ trợ, hướng dẫn công đoàn cơ sở, người lao động, người sử dụng lao động đối thoại, thương lượng giải quyết, xử lý nhanh nhất.
LĐLĐ TP.HCM cũng yêu cầu các đơn vị phối hợp với cơ quan Bảo hiểm Xã hội TP.HCM, các quận huyện và TP.Thủ Đức để rà soát các doanh nghiệp trên địa bàn nợ đóng bảo hiểm xã hội, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp để đề nghị cơ quan chức năng có thẩm quyền kịp thời xử lý.
Đồng thời, phối hợp với các cấp chính quyền, phòng LĐTBXH các quận, huyện và TP.Thủ Đức; Ban quản lý các khu chế xuất và công nghiệp TP.HCM, Ban quản lý Khu công nghệ cao rà soát, lập danh sách các doanh nghiệp có nguy cơ phá sản, giải thể, có chủ bỏ trốn, nợ lương, không khả năng trả thưởng, có nguy cơ xảy ra tranh chấp lao động để có phương án ngăn chặn, hỗ trợ, giải quyết kịp thời.