Nhiều lao động ở TP.HCM “nhảy việc” sau Tết, vì sao?

Chinh Hoàng Thứ năm, ngày 17/02/2022 17:52 PM (GMT+7)
Theo khảo sát của Dân Việt với người lao động ở TP.HCM nhảy việc sau Tết, nhiều người đều có câu trả lời chung rằng: “Muốn tìm môi trường tốt hơn”.
Bình luận 0

"Không thấy vui ở nơi làm cũ, tìm môi trường tốt hơn"

Anh Nguyễn Cảnh Tín (trú Bình Thạnh - nhân viên một công ty buôn bán, sửa chữa xe máy ở quận Tân Bình) vừa nộp đơn xin nghỉ việc sau 3 năm gắn bó với công ty.

Anh Tín kể rằng, lý do lớn nhất anh "nhảy việc" vì không thấy vui, không cùng tiếng nói, quan điểm với nơi làm cũ. Anh Tín dự định sẽ nộp đơn ứng tuyển ở một công ty mới ngay sau khi đơn vị cũ chấm dứt hợp động lao động với anh trong tháng 2 này.

Nhiều lao động ở TP.HCM “nhảy việc” sau Tết vì sao? - Ảnh 1.

Sau Tết Nguyên đán, nhiều lao động nhảy việc với muôn vàn lý do. Ảnh: Hoàng Minh

Tương tự, chị Đỗ Thị Đào (trú Bình Tân), nhân viên sale mặt hàng mỹ phẩm tại một công ty trên địa bàn TP.HCM nói chị chuyển việc vì thu nhập không ổn định. Chị Đào có mức lương cố định 7 triệu đồng/tháng, nếu có sản phẩm, nhân viên sẽ được chiết khấu thêm % hoa hồng. Tuy nhiên, năm 2021, do tình hình dịch bệnh phức tạp, doanh thu của công ty giảm khiến lương của chị sa sút.

"Đợt thưởng Tết vừa qua, tôi chỉ được công ty thưởng 7 trăm nghìn đồng. Sau 3 năm đi làm, đây là lần đầu tiên tôi có cái Tết ảm đạm như vậy. Tôi vừa viết đơn xin nghỉ vào ngày đầu đi làm việc (mồng 7 âm lịch)", chị Đào bộc bạch.

Còn anh Hồ Thiện (nhân viên Công ty TNHH Cửa cuốn Quốc Tuấn, quận Tân Phú) cho hay, anh đã gắn bó với công ty hơn 6 năm. Anh Thiện xin nghỉ việc để về quê (Đà Nẵng), vừa chăm lo cho gia đình, vừa mở công ty riêng. 

"Ở ngoài quê, anh chị em nhà tôi đều sống xa nhà ba mẹ, cho nên tôi muốn về chăm sóc ông bà đồng thời mở xưởng làm việc riêng. Hết tháng 2 này tôi chính thức chấm dứt hợp đồng lao động với công ty", anh Thiện chia sẻ.

Muôn vàn lý do nghỉ việc của người lao động

Trao đổi với Dân Việt, ông Phạm Bá Thành Nam - Giám đốc Công ty TNHH thiết bị điện dân dụng, quận 7, TP.HCM - cho biết: Sau Tết Nguyên đán, công ty ông có 20 người nghỉ việc với nhiều lý do như gia đình bận việc, chế độ đãi ngộ thấp, muốn tìm môi trường mới...

 Đây là những lao động có thâm niên thấp, chủ yếu làm nhân viên sản xuất. So với gần 200 công nhân đang làm việc tại công ty thì con số lao động nghỉ việc trên không ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Nhiều lao động ở TP.HCM “nhảy việc” sau Tết vì sao? - Ảnh 3.

Nhiều người lao động cho rằng: "Không thấy vui ở nơi làm cũ, muốn tìm môi trường tốt hơn". Ảnh: Chinh Hoàng

"Tình trạng lao động nghỉ việc, "ra vào" ở mỗi công ty đều không thể tránh khỏi trong năm. Sau khi lao động nghỉ việc, công ty trên thường có một biểu mẫu phỏng vấn. Ở đây, người lao động sẽ ghi rõ những lý do xin nghỉ. Từ đó, phía công ty có những tiếp thu, rút kinh nghiệm", ông Nam nói.

Còn ông Nguyễn Đăng Hoàng, Trưởng phòng nhân sự Công ty TNHH giày da Á Hoàng, quận 2, TP.HCM,  cho hay: Những lao động nghỉ việc sau Tết này chủ yếu ở bộ phận khâu giày. Trong số những người nghỉ việc có lẫn thâm niêm lâu năm và ngắn hạn. Lý do nghỉ việc của họ chỉ ghi chung chung như về quê hay gia đình có việc gấp.

Theo ông Hoàng, lượng người lao động do ông quản lý ở công ty có khoảng hơn 300 ở nhiều khâu khác nhau người và hiện tại sau Tết 120 ở chuyền khâu dày, người đã xin nghỉ việc. Ông bảo: "Nhân công nghỉ việc bất ngờ khiến công ty không trở tay kịp, tôi rất vất vả trong khâu ứng tuyển công nhân để bù lại khoảng trống của những người đã nghỉ".

Người lao động muốn nhảy việc trước khi hết hạn hợp đồng cần thực hiện thủ tục báo trước cho người sử dụng lao động biết để tránh vi phạm luật lao động.

Theo Khoản 1 Điều 35 Bộ luật Lao động năm 2019, những ngành, nghề, công việc thông thường, người lao động phải báo trước, tối thiểu 45 ngày đối với hợp đồng lao động không xác định thời hạn; tối thiểu 30 ngày với hợp đồng lao động từ 12 - 36 tháng; tối thiểu 3 ngày làm việc với hợp đồng lao động dưới 12 tháng.

Trong khi đó, với các ngành, nghề, công việc đặc thù, Điều 7 Nghị định 145/2020/NĐ-CP cũng nêu rõ thời hạn báo trước như sau: Tối thiểu 120 ngày đối với hợp đồng lao động từ đủ 12 tháng trở lên; tối thiểu ¼ thời hạn hợp đồng với hợp đồng lao động dưới 12 tháng.

Cũng theo Bộ luật Lao động năm 2019, người lao động nghỉ việc tùy từng trường hợp mà có thể được nhận các khoản tiền như: tiền lương cho những ngày làm việc chưa được thanh toán; tiền trợ cấp thôi việc; tiền trợ cấp mất việc làm; tiền phép năm chưa nghỉ hoặc chưa nghỉ hết; tiền trợ cấp thất nghiệp.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem