Giá dầu thô ngọt nhẹ WTI của Mỹ tăng 0,04% lên 91,8 USD/thùng vào lúc 7h17 (giờ Việt Nam) ngày 19/2. Giá dầu thô Brent giao tháng 4 tăng 0,89% lên 93,8 USD/thùng.
Bảng giá xăng dầu thế giới cập nhật lúc 7h17 ngày 19/2/2022
Tên loại | Kỳ hạn | Sàn giao dịch | Giá | %thay đổi | Đơn vị tính |
Dầu thô | Giao tháng 6/2022 | Tokyo | 60.750 | - | JPY/thùng |
Giá dầu Brent | Giao tháng 4/2022 | ICE | 93,80 | 0,89 | USD/thùng |
Dầu Thô WTI | Giao tháng 3/2021 | Nymex | 91,80 | 0,04 | USD/thùng |
Nguồn: Tố Tố tổng hợp.
Giá dầu thô biến động trái chiều trong phiên giao dịch ngày thứ Sáu (18/2), vì giới đầu tư đánh giá khả năng gián đoạn nguồn cung từ khủng hoảng Nga - Ukraine với triển vọng xuất khẩu dầu thô Iran tăng.
Chốt phiên giao dịch, giá dầu Brent giao sau tăng 0,6% lên 93,54 USD/thùng, trong khi giá dầu thô WTI của Mỹ giảm 0,5% xuống 91,07 USD / thùng. Thị trường Mỹ sẽ đóng cửa vào thứ Hai tới (21/2) để nghỉ lễ Ngày Tổng thống.
Cả hai loại dầu thô đều đạt mức cao nhất kể từ tháng 9/2014 vào đầu tuần, nhưng triển vọng ngày càng lớn của việc nới lỏng các biện pháp trừng phạt dầu đối với Iran đã gây áp lực lên thị trường.
Dầu thô Brent đã tăng nhẹ 0,9% trong tuần tăng thứ 9, trong khi dầu thô WTI giảm 1,7% trong tuần, kết thúc đà tăng kéo dài 8 tuần.
Lo ngại về việc nguồn cung có thể bị gián đoạn do sự hiện diện của quân đội Nga tại biên giới Ukraine đã kìm hãm đà giảm trong tuần này.
Phương Tây đã đe dọa Nga, một nhà cung cấp dầu và khí đốt hàng đầu, bằng các biện pháp trừng phạt mới nếu nước này tấn công Ukraine; trong khi Nga phủ nhận việc lên kế hoạch cho bất kỳ cuộc tấn công nào, theo Reuters.
Thủ tướng Italy Mario Draghi cho biết bất kỳ biện pháp trừng phạt nào có thể được Liên minh châu Âu (EU) áp đặt đối với Nga không nên bao gồm nhập khẩu năng lượng.
Thị trường dầu tăng nhẹ vài giờ giao dịch sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden nói rằng ông tin Tổng thống Nga Vladimir Putin đã đưa ra quyết định xâm lược Ukraine trong những ngày tới.
Ở một diễn biến khác, một quan chức cấp cao của EU cho hay một thỏa thuận Mỹ - Iran nhằm khôi phục thỏa thuận hạt nhân năm 2015 của Iran với các cường quốc trên thế giới đã gần kết thúc nhưng thành công phụ thuộc vào ý chí chính trị của những người có liên quan.
Tuy nhiên, thỏa thuận được thành lập gồm các giai đoạn với nhiều tiến trình để cả hai bên tuân thủ đầy đủ trở lại, và bước đầu tiên không gồm việc miễn trừ các lệnh trừng phạt dầu mỏ, các nhà ngoại giao cho biết.
Vì vậy rất ít khả năng dầu thô của Iran sẽ quay trở lại thị trường trong tương lai gần để giảm bớt tình trạng khan hiếm nguồn cung hiện nay, theo giới phân tích.
OPEC+, gồm Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh trong đó có cả Nga, sẽ nỗ lực để đưa Iran vào hiệp ước sản lượng dầu của mình nếu Tehran và các cường quốc thế giới đạt được thỏa thuận về việc khôi phục thỏa thuận hạt nhân của họ, các nguồn thạo tin cho biết.
Chiều ngày 11/2, Liên Bộ Công Thương - Tài chính điều hành giá xăng dầu. Theo đó, sau khi thực hiện việc trích lập và chi sử dụng quỹ Bình ổn, giá bán các mặt hàng xăng dầu tiêu dùng phổ biến trên thị trường như sau:
Xăng/dầu | Thay đổi | Giá không cao hơn |
Xăng E5RON92 | + 976 đồng/lít | 24.571 đồng/lít |
Xăng RON95-III | + 962 đồng/lít | 25.322 đồng/lít |
Dầu diesel 0.05S | + 962 đồng/lít | 19.865 đồng/lít |
Dầu hỏa | + 958 đồng/lít | 18.751 đồng/lít |
Dầu mazut 180CST 3.5S | + 666 đồng/kg | 17.659 đồng/kg. |
Mức giá này có hiệu lực từ 15h ngày 11/2. Như vậy giá xăng dầu sẽ tăng 4 phiên liên tiếp, đưa mặt hàng này lên mức giá khá cao.