Anh Linh, thôn Mỹ Phú Đông, xã Mỹ Lợi, huyện Phù Mỹ (tỉnh Bình Định) cho biết, trước đây, trên diện tích gò đồi cằn cỗi này, nhà tôi và bà con xung quanh thường trồng mì, có hộ trồng keo nhưng năng suất kém, hiệu quả kinh tế không cao nên nhiều hộ bỏ đất hoang.
"Sau một thời gian tính toán thật kỹ, tôi mua thêm một số đất mà bà con bỏ hoang, san ủi, đầu tư cải tạo và trồng mãng cầu. Đầu năm 2018, tôi nhập 400 cây mãng cầu giống về và trồng thử nghiệm trên diện tích 4 sào...", anh Kinh cho hay.
Theo anh Linh, cây mãng cầu chịu được nắng hạn, ưa đất thoáng, dù vậy vẫn phải cung cấp đủ nước cho cây vào mùa nắng.
Đến mùa mưa phải khơi rãnh để thoát nước dù là đất trên đồi có độ dốc tương đối lớn chứ không bằng phẳng, và chịu khó thường xuyên bổ sung phân chuồng để làm giàu dinh dưỡng cho đất. Sau 18 tháng, mãng cầu bắt đầu cho lứa trái bói và vụ kế tiếp bắt đầu thu hoạch rộ.
Sau một năm trồng, nhận thấy cây mãng cầu phát triển tốt, anh Linh mạnh dạn mở rộng diện tích. Đến nay, trên diện tích hơn 1,2 ha, anh Linh trồng gần 2.400 gốc mãng cầu, trong đó có gần 400 gốc đã thu hoạch ổn định và 300 gốc bắt đầu cho thu hoạch lứa đầu.
Nhờ đầu tư chăm sóc và thường xuyên cập nhật kỹ thuật canh tác nên vườn mãng cầu của anh Linh phát triển rất tốt. Hiện nay, mỗi năm, cây mãng cầu cho thu hoạch 2 vụ, vụ đầu vào tháng 5 âm lịch và vụ thứ hai vào tháng Chạp. Vụ mãng cầu vừa qua, anh Linh bán được hơn 3 tấn trái với giá mãng cầu ta bán ra từ 70.000 - 80.000 đồng/kg.
Anh Linh chia sẻ thêm kinh nghiệm: Đối với cây mãng cầu, bệnh thường gặp nhất là bệnh rầy và rệp sáp hại lá, hại quả. Bệnh này khi đã bị thì rất khó trị, do đó, phải chủ động phòng trước. Ngay từ khi cắt cành, tỉa lá, là tôi bón phân, phun thuốc để phòng bệnh ngay.
Ông Phan Văn Pháp, Phó Chủ tịch UBND xã Mỹ Lợi (huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định) nhận xét: Anh Linh là người tiên phong trồng cây mãng cầu quy mô lớn trên đất gò đồi ở xã Mỹ Lợi. Mô hình đang khẳng định hiệu quả kinh tế khá và hiện nhiều hộ dân ở Mỹ Lợi đã học theo anh cải tạo gần 5 ha đất gò đồi chuyển sang trồng mãng cầu.
"Theo khảo sát của tôi, toàn bộ diện tích mãng cầu này đều đang phát triển tốt. Đây là một lối đi mới trong việc tìm ra cách sử dụng đạt hiệu quả cao cho nhiều diện tích gò đồi lâu nay bị bỏ hoang ở địa phương...", ông Phan Văn Pháp, Phó Chủ tịch UBND xã Mỹ Lợi (huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định).