Theo dự báo của Trung tâm khí tượng thủy văn Trung ương, từ 18/2 đến đầu tháng 3 không khí lạnh tiếp tục tăng cường mạnh gây ra rét đậm, rét hại kéo dài tại miền Bắc. Nhiệt độ thấp nhất phổ biến 8-11 độ; vùng núi 5-7 độ; vùng núi cao có nơi dưới 5 độ. Rét đậm rét hại kéo dài đã gây ảnh hưởng rất lớn đến đời sống cũng như sản xuất của người dân.
Theo báo cáo của 11 tỉnh ở khu vực phía Bắc, tính đến ngày 22/2, rét đậm rét hại đã làm hơn 1.000 con gia súc bị chết.
Trong đó Sơn La có gần 400 con trâu bò chết rét; Lào Cai có 140 con gia súc các loại bị chết rét (125 con trâu, 7 con bò, 2 con dê; 6 con ngựa). Bắc Kạn bị chết 127 con vật nuôi, chủ yếu là trâu, bò; Điện Biên có 163 gia súc bị chết rét; trong đó, 116 con trâu, 45 con bò, còn lại là dê... Ngoài ra, rét đậm rét hại kèm theo mưa đã làm nhiều diện tích mạ, lúa mới cấy và hoa màu bị ảnh hưởng.
Theo ngành nông nghiệp tỉnh Thái Bình, do ảnh hưởng của đợt rét đậm, rét hại đợt trước và sau Tết Nguyên đán, một số diện tích mạ của nông dân bị chết, ảnh hưởng đến việc gieo cấy lúa xuân.
Để đảm bảo tiến độ gieo cấy lúa xuân, ngành nông nghiệp Thái Bình khuyến cáo nông dân thực hiện các biện pháp bảo vệ diện tích mạ bằng cách: Khi mạ lên mũi chông thì rắc đất ải đập nhỏ trộn tro bếp mục hoặc sỉ than và luôn giữ ẩm thường xuyên cho mạ, tuyệt đối không để mạ khô nứt nẻ.
Buổi tối cần che phủ bằng nilon để chống rét và sương giá. Ban ngày khi trời ấm, nhiệt độ trên 15 độ C nên mở dần nilon 2 đầu cho mạ. Trước khi đưa mạ ra ruộng cấy 1-3 ngày, bà con cần mở hết nilon để luyện cho mạ quen với môi trường bên ngoài. Không được phun thuốc kích thích sinh trưởng và bón phân cho mạ.
Trong khi đó, Trung tâm Khuyến nông quốc gia (Bộ NNPTNT) cũng đưa ra một số khuyến cáo về việc phòng, chống rét cho cây trồng như sau:
Với những diện tích mạ đã gieo để chuẩn bị cấy, bà con nông dân cần làm vòm nilon màu trắng che chắn chống rét cho mạ. Duy trì độ ẩm trên mặt luống, tốt nhất là để rãnh có nước và cần kiểm tra độ kín của nilon.
Trong thời gian rét đậm rét hại kéo dài, nếu kiểm tra mạ sinh trưởng phát triển kém bà con có thể dùng 50-70 gam supe lân pha loãng với nước phân chuồng hoai mục để tưới cho 1m2 mạ nhằm tăng cường phát triển của bộ rễ.
Tuy nhiên, chăm sóc mạ lúc rét đậm rét hại tuyệt đối không được tưới phân đạm, sẽ khiến mạ bị xót, chết cây. Nguyên nhân là phân đạm khi tan trong nước thu nhiệt sẽ làm nhiệt độ hạ, cây không hấp thụ được, có trường hợp cây còn bị ngộ độc và chết.
Khi nhiệt độ ngoài trời <15 độ vào kéo dài 2-3 ngày tuyệt đối không nhổ mạ cấy để hạn chế lúa đã cấy chết rét ảnh hưởng đến thời vụ.
Với diện tích lúa đã cấy (hoặc gieo thẳng) tại các tỉnh phía Bắc: Cần duy trì lớp nước mặt từ 3 – 5 cm với phương châm là "lấy nước làm áo", nhằm tăng cường khả năng chống chịu rét. Tuyệt đối không được để ruộng khô cạn.
Trong thời gian này tuyệt đối không được bón bổ sung phân đạm, đợi khi thời tiết nắng ấm trở lại thì mới tiến hành chăm sóc như bình thường. Bà con cũng lưu ý cần có mạ dự phòng để cấy dặm khi lúa bị chết.
Đảm bảo chế độ nước tưới thích hợp với cây trồng: đối với ngô, hành tỏi, khoai tây, cà chua, dưa chuột…, bà con nên dùng phương pháp tưới rãnh bằng cách bơm nước vào rãnh để nước tự ngấm là tốt nhất.
Sử dụng màng phủ nông nghiệp có tác dụng chống rét, giữ ấm cho cây trồng rất tốt. Ngoài ra màng phủ còn hạn chế cỏ dại, giữ ẩm, tiết kiệm phân bón và nước tưới, hạn chế côn trùng, sâu bệnh gây hại…
Áp dụng công nghệ vòm che thấp trong sản xuất rau. Dùng nilon màu trắng, mỏng, dai, không bị rách thủng trùm kín luống rau trên khung vòm.