Thay vào đó, Nga tạo nên bước chuyển quyết định mới với việc tổng thống Nga Vladimir Putin công nhận hai vùng lãnh thổ ly khai ở miền đông Ukraine, tự xưng là nước Cộng hoà nhân dân Lugansk và Cộng hoà nhân dân Donetsk, là quốc gia độc lập, với việc ký kết với hai nhà nước được Nga công nhận kia hiệp ước hữu nghị và tương trợ.
Hiệp ước này cho phép Nga khi được chính thức yêu cầu có thể triển khai quân đội và thậm chí cả thiết lập căn cứ quân sự thường trú ở hai nơi kia. Và Nga cũng đã đưa quân đội vào hai vùng lãnh thổ ly khai. Nga coi đấy là "Lực lượng hoà bình" trong khi tổng thống Mỹ Joe Biden nhìn nhận những động thái nói trên của Nga là "bắt đầu cuộc xâm lược".
Ngay lập tức, Mỹ cùng với EU, NATO và một vài đồng minh khác áp dụng nhiều biện pháp mạnh mẽ mới trừng phạt Nga. Cùng với những biện pháp trừng phạt mới này, mọi kênh tiếp xúc và đối thoại ngoại giao trực tiếp giữa hai bên đều bị gián đoạn.
Nga không phát động chiến tranh với Ukraine nhưng tiếp tục gia tăng áp lực đối với Ucraine, Mỹ, NATO và EU. Điều khiến cho phe này khó khăn và khó xử nhất hiện tại là Nga tạo sự đã rồi ở hai vùng lãnh thổ ly khai tại miền đông Ukraine.
Đương nhiên, lập luận của Nga cho những quyết sách mới nói trên và nhìn nhận của phe bên kia không thể giống nhau. Nhưng cả điều ấy cũng không thể phủ nhận một thực tế là cục diện chính trị an ninh ở châu Âu tiếp tục thay đổi và cho dù sau này hai bên có đạt được thoả thuận nào với nhau về an ninh đi chăng nữa thì châu Âu cũng vẫn không trở lại các cấu trúc và thể chế an ninh chung như trước.
Mối ràng buộc trên thực tế giữa Ukraine và hai vùng lãnh thổ ly khai rồi đây như thế nào có thể thấy được qua mối quan hệ trên thực tế giữa Gruzia và hai vùng Abkhazia và Nam Ossetia kể từ năm 2008 đến nay. Đương nhiên không thể loại trừ kịch bản Crimea hồi năm 2014 được lặp lại. Nhưng vì 2022 khác biệt cơ bản so với 2014 đối với Nga và châu Âu nên không vội vàng với kịch bản Crimea mới có lợi nhiều và ít hại đối với Nga cả hiện tại lẫn về lâu dài.
Sau khi Nga đưa quân đội vào hai vùng lãnh thổ ly khai kia, Ukraine bị đẩy vào tình thế rất khó xử. Nếu không dùng biện pháp quân sự thì khó xử lý được dứt điểm vấn đề ly khai - nếu như không nói là không thể.
Nhưng nếu bây giờ khơi chiến với lực lượng ly khai thì nguy cơ xảy ra đụng độ vũ trang trực tiếp giữa quân đội Nga và quân đội Ukraine ở vùng này trở nên rất thực tế và Nga có thể coi đấy là cớ để mở rộng phạm vi giao tranh vũ trang.
Ukraine có thể dựa cậy vào cung cấp vũ khí từ Mỹ và NATO nhưng sẽ không có thành viên NATO nào cử binh lính đến cùng Ukraine giao tranh với quân đội Nga. Chiến sự ở đây càng quyết liệt và kéo dài thì NATO càng không dám thu nạp Ukraine vào liên minh.
Mỹ và NATO cũng bị đẩy vào tình thế khó xử vì không thể can thiệp quân sự trực tiếp vào chiến sự giữa quân đội chính phủ Ukraine với phe ly khai hay quân đội Nga ở vùng lãnh thổ ly khai, trong khi Nga có thêm nhiều sự lựa chọn phương án tác chiến trên thực địa.
Hy vọng duy nhất của họ bây giờ là các biện pháp chính sách trừng phạt đã áp dụng và còn sẽ được áp dụng đối với Nga sẽ gây khó khăn và thiệt hại cho Nga đến mức Nga không thể chịu đựng nổi nữa và vì thế phải nhượng bộ.
Nhiều khả năng phía Nga chủ trương duy trì tình trạng hiện tại, có nghĩa là tiếp tục triển khai quân đội ở vùng biên giới với Ukraine, kể cả trên bán đảo Crimea, chưa triệt thoái quân đội ra khỏi Belarus sau tập trận chung và tăng cường hiện diện quân sự ở hai nhà nước ly khai mới được Nga công nhận là quốc gia độc lập, nhưng tránh nếu như có thể được mọi đụng độ quân sự trực tiếp với quân đội chính phủ Ukraine.
Như thế, Nga giảm được tối đa chi phí tài chính và rủi ro an ninh mà vẫn bảo tồn được những con chủ bài chiến lược cũng như sách lược để tiếp tục cuộc chơi an ninh với Mỹ, NATO, EU và Ukraine ở châu Âu.