Căng thẳng Nga – Ukraine: Dầu có thể đạt 150 USD/thùng, dự báo 'nóng' về chứng khoán Việt Nam
Căng thẳng Nga – Ukraine: Dầu có thể đạt 150 USD/thùng, dự báo 'nóng' về chứng khoán Việt Nam
Huyền Anh
Thứ tư, ngày 23/02/2022 15:51 PM (GMT+7)
Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu – chuyên gia tài chính ngân hàng, nếu căng thẳng Nga – Ukraine tiếp tục leo thang, giá dầu có thể lên tới 150 USD/thùng, chứng khoán sẽ chao đảo kể cả thị trường chứng khoán Việt Nam.
Như Dân Việt đã đưa tin, các nước phương Tây ngày 22/2 công bố một loạt biện pháp trừng phạt mới đối với Nga, sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin hạ lệnh đưa quân vào hai vùng ly khai của Ukraine. Phương Tây cũng cảnh báo sẽ trừng phạt khác nghiệm hơn nếu Moscow mở một cuộc tấn công toàn diện vào nước láng giềng này.
Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) và Anh tuyên bố nhằm vào các ngân hàng và giới tinh hoa của Nga, trong khi Đức đình chỉ quy trình phê chuẩn đường ống dẫn dầu Dòng chảy phương Bắc (Nord Stream) 2 từ Nga.
Theo đánh giá của chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu, đây chỉ là những biện pháp khởi đầu trong những biện pháp trừng phạt khi căng thẳng Nga - Ukraine tiếp tục leo thang.
Trong đó, việc Đức đình chỉ quy trình phê chuẩn đường ống dẫn dầu Dòng chảy phương Bắc (Nord Stream) 2 từ Nga được TS. Hiếu đánh giá là biện pháp có tác động trực tiếp tới thị trường xăng dầu, khí đốt không chỉ của Nga mà có thể gây nên cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu.
"Việc Đức đình chỉ quy trình phê chuẩn đường ống dẫn dầu Dòng chảy phương Bắc (Nord Stream) 2 từ Nga sẽ thiệt hại cho cả Nga và Đức. Điều này cũng tác động mạnh tới năng lượng của thế giới, không chỉ khí đốt mà cả xăng dầu cũng ảnh hưởng nặng nề", ông Hiếu nhấn mạnh.
Thực tế, giá dầu thô lại tăng vọt do quan ngại căng thẳng Nga - Ukraine gây thêm áp lực cho nguồn cung dầu toàn cầu.
Kết thúc phiên giao dịch ngày 22/2, giá dầu WTI ngọt nhẹ của Mỹ tăng 1,4% lên 92,35 USD/ thùng. Có thời điểm trong phiên, dầu WTI vọt lên 96 USD/ thùng. Tương tự, giá dầu Brent chuẩn quốc tế có thời điểm đạt tới 99,50 USD, suýt phá mốc 100 USD/ thùng trước khi chốt phiên ở 96,84 USD/ thùng.
"Giá dầu Brent chuẩn quốc tế đã lên gần 100 USD/thùng. Theo dự đoán của tôi giá dầu có thể lên tới 150 USD/thùng, nếu căng thẳng địa chính trị giữa Nga và Ukraine trở nên tồi tệ hơn", ông Hiếu nói.
Tại Việt Nam, TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, khi giá dầu thế giới liên tục nhích lên mức cao mới do những biến động mạnh qua việc Mỹ trừng phạt Nga, giá xăng dầu trong nước cũng vừa trải qua 5 đợt tăng giá xăng dầu liên tiếp.
Mới đây nhất, ngày 21/2, giá bán lẻ tối đa với xăng E5 RON 92 đã đạt mức 25.532 đồng/lít (tăng 961 đồng/lít). Trong khi đó, giá xăng RON95-III không cao hơn 26.287 đồng/lít (tăng 965 đồng/lít).
"Tôi cho rằng, đà tăng của giá xăng dầu trong nước sẽ chưa thể dừng lại. Giá xăng dầu tăng sẽ ảnh hưởng đến giá cả tất cả hàng hóa, dịch vụ trong mọi ngành, từ đó tạo áp lực lạm phát. Trong bối cảnh dịch bệnh vẫn phức tạp, người dân sẽ rất khó khăn", ông Hiếu nói.
Chứng khoán Việt Nam "bất lợi nhưng vẫn có cái lợi", dân "chơi chứng" hoang mang
Trong khi giá dầu leo thang, đà bán tháo nhấn chìm phố Wall trong sắc đỏ ở phiên ngày 22/2, cả ba chỉ số chính của chứng khoán Mỹ lao dốc mạnh mẽ khi căng thẳng Nga - Ukraine tiếp tục gia tăng.
"Thị trường chứng khoán Mỹ rớt mạnh vì lệnh trừng phạt của Mỹ với Nga. Nếu căng thẳng gia tăng, những biện pháp trừng phạt sẽ mạnh mẽ hơn, điều này có thể khiến cho thị trường chứng khoán thế giới chao đảo, khủng hoảng. Khi đó, ngay cả thị trường chứng khoán Việt Nam cũng ảnh hưởng tiêu cực. Theo quan sát, tôi cho rằng nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán hiện đang hoang mang trước cuộc khủng hoảng Nga – Ukraine", TS Nguyễn Trí Hiếu nhấn mạnh.
Bên cạnh vấn đề căng thẳng Nga - Ukraine, nhà đầu tư còn đang theo dõi động thái của Cục dữ trữ liên bang Mỹ (Fed) trong việc nâng lãi suất.
Ông Hiếu cho biết, vào cuối năm ngoái Fed dự tính có thể tăng lãi suất 3 lần trong năm nay, nhưng lạm phát của Mỹ hiện tăng phi mã và khủng hoảng năng lượng xảy ra khiến giá xăng dầu tại Mỹ cũng đang tăng rất nhanh.
Trong bối cảnh như vậy, Fed có thể sẽ tăng lãi suất ở mức cao hơn, thay vì 0,25% có thể tăng 0,5% và nhiều hơn 3 lần trong năm 2022. Khi đó giá trị đồng USD sẽ được đẩy lên, đẩy thị trường chứng khoán đi xuống.
Việc thị trường chứng khoán có thể điều chỉnh mạnh do căng thẳng chính trị và động thái của Fed, theo ông Hiếu là bất lợi nhưng trong bất lợi vẫn có cái lợi.
"Trong năm 2020 và năm 2021, thị trường chứng khoán Việt Nam tăng quá nhanh và mạnh hơn nhiều so với những yếu tố căn bản của nền kinh tế. Tôi e rằng nếu cứ tiếp tục, sẽ có bong bóng chứng khoán. Vì vậy, thị trường chứng khoán điều chỉnh là cần thiết.
Tuy nhiên, mức điều chỉnh bao nhiêu thì rất khó có thể đưa ra vào thời điểm này, bởi điều này phụ thuộc rất nhiều vào căng thẳng Nga – Ukraine sẽ được giải quyết ra sao", TS Nguyễn Trí Hiếu nói.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.