Ngày 24/2, Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Thừa Thiên Huế phối hợp với Chương trình Phát triển Liên hiệp quốc (UNDP) tổ chức hội thảo "Chia sẻ kết quả khảo sát về ý kiến người dân đối với cổng dịch vụ công trực tuyến của tỉnh Thừa Thiên Huế".
Tại hội thảo, bà Diana Torres- Trưởng phòng Quản trị và tham gia Chương trình Phát triển của Liên hợp quốc- cho biết: Tại Thừa Thiên Huế, công tác giải quyết các TTHC trên môi trường điện tử thông qua các dịch vụ công trực tuyến của tỉnh có những tiến bộ đáng kể. Qua đó, đã góp phần hạn chế các hiện tượng tiêu cực trong quá trình tiếp nhận, giải quyết các TTHC khi UBND tỉnh hoàn thành việc tái cấu trúc quy trình chuẩn hóa các dữ liệu cung cấp dịch vụ công trực tuyến; 100% thủ tục hành chính đủ điều kiện cung cấp dịch vụ trực tuyến mức độ 4 trên cổng dịch vụ công quốc gia và cổng dịch vụ của cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh.
Tại hội thảo, các đại biểu đã có những trao đổi, đánh giá và phân tích trong việc đáp ứng nhu cầu của người dân và mức độ sẵn sàng đáp ứng trên 4 thủ tục hành chính được chọn, gồm: Đăng ký khai sinh, đăng ký thường trú, cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ em dưới 6 tuổi; xác định, xác định lại mức độ khuyết tật và cấp giấy xác nhận khuyết tật; hỗ trợ chi phí mai táng cho đối tượng bảo trợ xã hội; thực hiện, điều chỉnh, thôi hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng, hỗ trợ phí chăm sóc, nuôi dưỡng.
Theo các đại biểu, trong bối cảnh tình hình đại dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, yêu cầu về chuyển đổi số, đẩy mạnh việc thực hiện, giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường điện tử thông qua các dịch vụ công trực tuyến càng được đặt ra cấp thiết. Việc trao đổi văn bản qua mạng và cập nhật hồ sơ giải quyết đúng hạn qua cổng thông tin dịch vụ công trực tuyến giúp tiết kiệm thời gian, chi phí cho người dân, doanh nghiệp, góp phần tạo ra môi trường làm việc thông thoáng, công khai, minh bạch, thu hút đầu tư.
Các đại biểu tham dự hội thảo cũng đã làm rõ những vướng mắc, bất cập, hạn chế còn tồn tại, các nguyên nhân khiến người dân chưa tiếp cận với thủ tục hành chính công trực tuyến.
Theo các đại biểu, để nâng cao sự hài lòng của người dân trong cung cấp dịch vụ công, trước hết cần lấy sự hài lòng của người dân làm thước đo đánh giá chất lượng hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước, tiếp tục đẩy mạnh cải cách TTHC; đổi mới việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC theo hướng nâng cao chất lượng phục vụ, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, mở rộng phạm vi tiếp nhận hồ sơ của bộ phận một cửa, không gắn với địa giới hành chính, giảm thời gian đi lại, chi phí xã hội và tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp...