Sáng 25/2, giá vàng thế giới lao dốc đi xuống còn 1.917 USD/ounce, giảm từ đỉnh 1.976 USD/ounce trước đó. Như vậy kim loại quý đã rớt gần 60 USD chỉ sau một đêm. Quy đổi tương đương, giá vàng thế giới hiện khoảng 53 triệu đồng/lượng (chưa bao gồm thuế, phí).
Giá vàng thậm chí trong phiên giảm xuống dưới ngưỡng 1.900 USD/ounce vì thị trường chứng khoán phục hồi, sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden công bố các lệnh trừng phạt mới đối với Nga. Theo ông Edward Moya, nhà phân tích thị trường cấp cao tại Oanda, đợt bán tháo buổi chiều của vàng gia tăng nhanh chóng.
Trong khi đó, tại thị trường trong nước, giá vàng SJC cũng "bốc hơi" 1 triệu đồng/lượng ngay khi mở cửa.
Cụ thể, lúc 9h00, Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) niêm yết giá vàng miếng SJC ở mức 64,0-66,0 triệu đồng/lượng, giảm 1 triệu đồng ở cả 2 chiều mua – bán.
Tương tự, DOJI cũng giảm mạnh 1 triệu đồng/lượng chiều bán xuống 66,4 triệu đồng/lượng, đồng thời giảm giá mua 200 nghìn đồng xuống 65 triệu đồng/lượng,
Trước đó, trong ngày 24/2, giá vàng trong nước đã tăng tới 3-3,5 triệu đồng/lượng, vượt mốc 67 triệu đồng/lượng, cao nhất từ trước đến nay.
Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế trong nước vẫn đang có cái nhìn "khắt khe" với diễn biến của giá vàng trong thời gian tới, đặc biệt trong bối cảnh xung đột vũ trang giữa Nga và Ukraine chưa có dấu hiệu kết thúc.
Trao đổi với PV Dân Việt, chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh cho rằng, có quá nhiều yếu tố để tin rằng giá vàng vẫn sẽ tăng lên, thậm chí phá vỡ hết đỉnh cao mà giá vàng đã lập trước đó.
Nguyên nhân đến từ việc chiến tranh Nga - Ukraine bùng nổ, Mỹ và các nước đã áp dụng các biện pháp cấm vận đối với Nga. Vì thế, có nguy cơ nền kinh tế thế giới sẽ rơi vào tình trạng phát triển chững lại, thậm chí trì trệ.
Tất cả các sàn chứng khoán trên thế giới ngày hôm qua đã chứng kiến sự rớt giá. Đầu tư vào sản xuất kinh doanh khá rủi ro trong thời điểm này. Nó nằm ở chính trạng thái tâm lý của người sản xuất, xáo trộn chi phối một cách mãnh liệt. Không ai biết được giá dầu sẽ đi đến đâu? Quan hệ giữa cung cấp dầu của Nga cho thế giới và tác động của Nga đến kinh tế thế giới thế nào?
"Nhiều kênh đầu tư sẽ bị dừng lại, toàn bộ tiền bạc sẽ được đổ vào nơi trú ẩn an toàn nhất là vàng, kết quả là vàng sẽ tăng giá trong khi một số lĩnh vực khác lại giảm", ông Thịnh cho hay.
Ông Thịnh nêu quan điểm, hy vọng cuộc chiến này sẽ không tồn tại quá lâu, và di chứng sẽ ko nặng nề lắm. Thông thường, những xáo động dạng thế này sẽ tác động đến tâm lý và tình hình kinh tế xã hội rất lớn. Do đó, một số chỉ số như chứng khoán sẽ đột ngột bị tác động trong thời gian ngắn, nhưng 1 tuần, 10 ngày sẽ thích ứng kịp và hồi phục theo quỹ đạo.
"Vàng có thể lên đến ngưỡng 2.500 USD/ounce trong năm 2022", ông Thịnh nhận định.
Trong khi đó, trên thị trường thế giới, vàng được dự báo sẽ tăng mạnh khi chiến sự xảy ra ở Ukraine. Theo CEO U.S. Global Investors, vàng có thể dễ dàng đạt mức 2.500 cho đến 3.000 USD, thậm chí có thể lên tới mức 7.000 USD/ounce.
Theo đó, vàng luôn là tài sản được lựa chọn hàng đầu bất cứ khi nào có lạm phát cao hoặc bất ổn chính trị. Các cuộc chiến và căng thẳng địa chính trị trong quá khứ đã tạo ra những luồng gió thuận lợi cho vàng.
Tuy nhiên, diễn biến của vàng sẽ phụ thuộc vào mức độ khốc liệt của cuộc chiến tại Ukraine. Giá vàng có dấu hiệu chùng lại sau khi NATO cho biết sẽ không đưa quân vào Ukraine.
Nhiều chuyên gia cảnh báo, nhà đầu tư kim loại quý nên chuẩn bị cho những biến động nhiều hơn ở phía trước khi căng thẳng vẫn đang tiếp tục. Chiến lược giai cấp cao Peter Mooses của RJO Futures cho biết vào hôm qua: "Ngày mai, chúng ta còn phải xem động thái tiếp theo của Nga là gì. Cơ hội mua vào có thể dành cho những ai muốn quay trở lại thị trường vàng dài hạn".